Xin đừng vượt biên nữa!
Bỏ một số tiền lớn cho những “người cò” làm gì? Rồi người thì bị lừa đảo, người thì bị bắt, “cò” thì bỏ của chạy lấy người, nhiều trường hợp bị ép đóng thêm tiền nhưng cũng phải bấm bụng chấp nhận vì đã lỡ đóng một khoản tiền lớn trước rồi.
Vượt biên trái phép để làm gì? Khi Nhà nước đâu có bỏ mặc hay từ chối cho đồng bào trở về nước? Các cửa khẩu vẫn chấp nhận cho người Việt nhập cảnh về nước, sau khi nhập cảnh sẽ được khai báo y tế rồi phân đi các khu cách ly tập trung. Bỏ cả chục triệu tiền vượt biên trái phép, thà bỏ tiền đi cách ly tại khách sạn và ủng hộ cho công tác chống dịch còn sướng cái thân hơn.
Khó tin, nhưng là thật. Khi nhiều ngày nay, lực lượng chức năng từ phía ta liên tục phát hiện ra những trường hợp vượt biên trái phép về nước tránh dịch, phần lớn trong số đó đều phải bỏ một cái giá rất đắt đỏ, tham gia vào một hành trình nguy hiểm với cả bản thân những người vượt biên và với cả đồng bào trong nước.
Những người vượt biên trái phép chắc chắn sẽ tạo một cuộc khủng hoảng mới. Thật may, nếu cơ quan chức năng phát hiện ra những trường hợp vượt biên trái phép kịp thời, nhưng sẽ thật tồi tệ, nếu những vụ việc vượt biên trái phép được diễn ra một cách trót lọt. Cái giá phải trả cho việc vượt biên trái phép, không phải chỉ là một khoản tiền lớn mất đi, mà còn là việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thậm chí không loại trừ việc đứng trước vành móng ngựa. Nếu mang theo bệnh dịch, sẽ là khoảnh khắc sinh tử của chính bản thân họ và những người mà họ yêu thương, rồi sau đó, sẽ là ánh nhìn hà khắc của người khác. “Và trở thành kẻ chống lại cộng đồng chỉ là cái giá cơ bản. Sẽ còn những cái giá đắt hơn, khi người thân của bạn nhiễm Covid-19 chỉ vì sự loanh quanh này. Nếu tôi ở trong cảnh đó, tôi nghĩ mình sống không bằng chết”.
Một sĩ quan biên phòng từng nói rằng: Tôi thực sự không hiểu vì sao bà con lại cứ “vượt biên chui” như vậy? Nhiều người cứ tưởng vậy là “khôn”, kiểu “khôn lanh” nhưng thực ra là rất dại. Vượt biên trái phép giữa mùa dịch này, không phải chỉ là câu chuyện giữa một hoặc một vài người, mà còn là an nguy quốc gia. Nhìn xem những quốc gia bạn bè của chúng ta đang phải đối chọi với đại dịch thế nào, những hố thiêu luôn cháy khét, những bệnh viện đến chỗ đặt chân cũng không còn, những thành phố thưa vắng người, những khu công nghiệp trống rỗng… Trong thời gian qua, Việt Nam đã duy trì một bức tường thành chống lại đại dịch một cách hiệu quả, chính bức tường đó đang bao bọc gần trăm triệu đồng bào trong nước. Bức tường thành trong nước có vững, thì mới nghĩ đến câu chuyện “mở cổng thành” cho mọi người quay về.
Chỉ mong là khi quay về, mọi người đi “cổng chính” chứ đừng leo cổng, chui hào, gian lận, đột nhập vào trái phép… Mọi người cũng là người dân Việt Nam, có phải là kẻ trộm đâu mà phải lén la lén lút, có hộ chiếu đàng hoàng tử tế, là công dân của “bức tường thành” ấy, thì cứ đường hoàng mà vào thôi.
Khi đối diện với cái chết thì người ta bỗng dưng thèm cái sự sống hơn, khi đứng trước những thảm kịch nơi đất lạ, thì ai cũng yêu khoảnh khắc yên bình nơi quê nhà. Nhưng những khoảnh khắc yên bình ấy, có cả người thân của họ, hoàn toàn có thể bị phá vỡ, nếu như có một vài cá nhân đặt bản thân họ cao hơn cộng đồng.
Lâu lắm rồi biên giới phía Tây Nam của Tổ Quốc mới căng thẳng đến như vậy, như nhà báo Đức Hoàng đã từng viết: “Đơn cử, như là nỗi sợ chết của chính tôi lúc này, một người Việt Nam. Và nếu bạn nghe kỹ, có đến một trăm triệu lời cầu khẩn đang vang bên tai bạn, cùng một nỗi sợ như thế…”. Cửa khẩu vẫn mở, người trong nước vẫn dang tay chào đón mọi người chỉ về, chỉ xin hãy trở về qua hướng cửa khẩu một cách quang minh chính đại.
Tifosi
* Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả