+
Aa
-
like
comment

Xin đừng kéo dài thêm nỗi xót xa cho ngân sách, cho dân

28/09/2019 07:22

“Đừng làm dối, làm hỏng, đừng ăn cắp định mức, rút ruột công trình!”, đây là một trong những ý kiến chỉ đạo rất quan trọng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 diễn ra sáng 26/9.

Xin đừng kéo dài thêm nỗi xót xa cho ngân sách, cho dân - 1

Sự tai hại của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công như thế nào đã được người viết nêu tại BLOG ngày 18/9 (bài Bệnh “ngại” của “quan”, thật vô cùng quan ngại!). Song bên cạnh cái “ngại” vì sợ sai, sợ chịu trách nhiệm thì còn có lý do khác, đó là vì không có gì “nhấp nháy” đằng sau – như lời của chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhận xét.

Một tình trạng không hiếm đã diễn ra tại một số địa phương và cơ quan nhà nước nhiều năm qua, đó là không ít lãnh đạo trong nhiệm kỳ của mình luôn tìm cách “kéo” dự án về nhằm mục đích hưởng “hoa hồng”, “hoa huệ”; và cũng có những trường hợp tỏ thái độ nhũng nhiễu, gây khó dễ… vì lợi ích cá nhân.

Chính bởi vậy, điều quan trọng là phải loại bỏ được “tiêu cực” trong thực hiện dự án, công trình. Khi loại bỏ được tiêu cực, chắc chắn, tiến độ và chất lượng công trình sẽ nâng lên. Thực tế cho thấy, “nhanh” hay “chậm”, “tốt” hay “ẩu” nhiều khi lại phụ thuộc vào lợi ích của một nhóm người nào đó, chứ không hẳn vì trình độ nhà thầu hay năng lực nhà đầu tư.

Ai cũng đều thấy rõ rằng, giao thông là “huyết mạch” của nền kinh tế. Một nền kinh tế muốn phát triển nhanh, bền vững thì buộc phải có điều kiện giao thông tương thích. Song, nhu cầu xây dựng, phát triển về giao thông trong không ít trường hợp lại bị lợi dụng để biến thành cơ hội trục lợi cho một bộ phận cán bộ, trở thành “miếng mồi béo bở” cho những nhóm lợi ích “đục khoét” ngân sách. Khốn nỗi, đến khi gặp vấn đề lại chẳng biết tìm ai để quy trách nhiệm.

Cho đến nay, báo chí vẫn liên tục đưa tin về việc xử lý tiêu cực tồn tại ở cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 đã lên tới 34.000 tỷ đồng nhưng đoạn Km65 000 – Km131 500 vừa thông tuyến xong một tháng sau đã hỏng.

Các văn bản phê bình “nghiêm khắc” được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra với lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), rất nhiều ý kiến, kiến nghị được đăng tải trên báo chí suốt gần 1 năm qua, thế nhưng kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm vẫn… từ từ.

Mà không chỉ đoạn Km65 000 – Km131 500 cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mới xảy ra tình trạng hư hỏng gây bức xúc dư luận, Báo Lao động ngày 14/10/2018 cũng đã liệt kê không ít dự án cao tốc “nghìn tỷ” khác cũng tương tự như trên: Cụ thể đó là Cao tốc Long Thành – Dầu Giây đầu tư 20.000 tỷ đồng nhưng lún, nứt ngay sau khi vừa thông xe; cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình lún, nứt sau 5 tháng thông xe; rồi cao tốc Nội Bài – Lào Cai sụt lún chỉ sau 3 ngày thông xe…

Thử hỏi chỉ vài tỷ, vài chục tỷ đồng ở mỗi “đại công trình”, “đại dự án” bị “rút ruột”, bị lãng phí thì đã lỡ mất cơ hội vốn đầu tư cho biết bao con đường, cây cầu ở những vùng nông thôn, miền núi, những nơi đang vô cùng “khát vốn”, nơi người dân chỉ mong mỏi không phải lội bùn vào những mùa mưa.

Nên thiết nghĩ, bên cạnh sự nghiêm khắc của luật pháp, sự chặt chẽ của quy trình thẩm định, giám sát, còn cần cả lương tâm, tâm huyết của những người tham gia dự án. Hơn lúc nào khác, khi đất nước còn vô cùng nhiều dự án quan trọng, đừng để điệp khúc “kiếm chác”, “tiêu cực” lại diễn ra. Người dân, ngân sách… đang xót vô cùng!

(Theo Dân Trí)

Bài mới
Đọc nhiều