+
Aa
-
like
comment

Xin đừng chửi nhau, bệnh dịch Covid-19 chính là người thầy của chúng ta

Nam Phong - 11/03/2020 09:08

Khi thông tin về những ca nhiễm bệnh Covid-19 đầu tiên bung ra, bắt nguồn từ các công nhân Việt Nam đi tập huấn ở Trung Quốc trở về, rồi hai cha con người Trung Quốc đi khắm nơi bị nhiễm bệnh, và chữa trị tại BV Chợ Rẫy. Cả xã Lôi Sơn ở Vĩnh Phúc bị cách ly, em bé 3 tháng tuổi bị nhiễm, cả nước bắt đầu hoang mang, lo sợ. Có nhiều người do bức xúc đã quay ra chửi rủa và kỳ thị dân Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, tạo ra không ít ồn ào trên mạng, một trận cuồng phong tranh cãi trên mạng về cách ứng xử giữa con người với con người.

Rồi các ca từ từ khỏi bệnh và xuất viện. Và tất nhiên không thể thiếu là nhiều người đã tung tin giả với đủ các lý do dù vô tình hay cố ý, đều bị lôi lên phường xử phạt, trong đó có cả ca sĩ nổi tiếng hay mấy ông bà bán hàng online.

Cả ngành y tế lao vào lửa để chống dịch. Bộ đội, công an chia nhau chốt chặn, dựng khu cách ly, tuần tra biên giới, thắt chặn an ninh cửa khẩu. Cả ngành giáo dục đứng ngồi không yên, cho học sinh đi học hay cho nghỉ. Và có biết bao bài viết, những lời chửi rủa ngành giáo dục là “ngồi chơi mà vẫn hưởng lương”, xúc phạm nặng nề giáo viên. Thế là lại một vòng xoáy tranh cãi khác lại nổ ra.

Thế rồi xuất hiện những người đi từ vùng dịch nhưng khai báo gian dối, tránh cách ly, cộng thếm những lưỡi dao sắc nhọn của những bài viết, lời nói xuyên tạc, gây chia rẽ được tung ra cho rằng chính quyền bưng bít thông tin, giấu bệnh dịch, như đổ thêm dầu vào rừng lửa tranh cãi nảy lửa cả dư luận ngoài đời lẫn trên mạng.

Các phụ huynh thì bị rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười, thay nhau nghỉ việc để trông con, hoặc ôm con đến nơi làm việc, thậm chí đưa con về quê cho ông bà. Cả xã hội nhốn nháo, đảo lộn.

Rất nhiều người dân, cơ quan, tổ chức cũng đã nỗ lực để giữ Việt Nam thoát dịch được đến ngày 6/3/2020. Họ đã hy vọng con em họ được trở lại trường học, công ty, xí nghiệp, hàng quán nhộn nhịp trở lại và nền kinh tế sẽ phục hồi. Mọi chuyện tưởng chừng như đã trong vòng kiểm soát và chuẩn bị thông báo hết dịch, thì đùng một cái, chuyến bay định mệnh VN0054 với ‘bệnh nhân thứ 17″ và hàng loạt hành khách VIP đã xé toang tất cả nỗ lực của cả nước, làm cho tất cả phải bắt đầu lại từ đầu.

Cánh Cò chúng tôi hiểu cảm giác thất vọng đến cay đắng của ông Vũ Đức Đam khi ôm mặt trong phòng họp lúc nửa đêm và nhiều quan chức khác – những người cho dù có bị cộng đồng mạng chê bai là nôn nóng, bệnh thành tích thì chắc chắn là cũng đã hết lòng mong cho Việt Nam không có thêm ca nhiễm dịch nào.

Khi niềm hy vọng hết dịch bị vỡ nát, ai nấy đều đồng loạt nghiến răng chửi cô gái đã rước dịch về hại cả cộng đồng. Thậm chí có nhiều người còn quay ra chửi rủa và kỳ thị cả dân Bắc kỳ, tạo ra vòng xoáy tranh cãi lớn.

Và lần này thay vì chửi rủa chính quyền bưng bít thông tin, giấu bệnh dịch thì một số người lại vẽ ra những câu chuyện viễn tưởng, xuyên tạc rằng Việt Nam dựng lên nhân vật “bênh nhân số 17” là để nhận hỗ trợ từ gói 2,5 tỷ USD của Mỹ và để tránh làm phật lòng Trung Quốc như lưỡi dáo sắc nhọn đâm vào vết thương chưa kịp lành.

Nỗi thất vọng, cay đắng, tức giận của nhiều người là cảm xúc dễ hiểu. Vì chúng ta đều là con người. Nhưng có lẽ chúng ta cũng nên bình tĩnh, đặt mình vào người khác để hiểu nhìn nhận một vài điểm: Đó là, cô gái bệnh nhân số 17 không đi khám ngay lập tức mà tự cách ly khi trở về nhà, có thể là vì cô đã chủ quan nghĩ rằng mình không làm sao cả, chỉ là hắn hơi sổ mũi, cảm nhẹ, đau mỏi người, rồi sẽ tự khỏi. Vì các dấu hiệu, triệu chứng Corona chưa phổ biến và khó nhận biết, không khác với cảm cúm thông thường, người bệnh dễ chủ quan. Kết hợp với đó là tâm lý ngại (Nói thẳng, nếu không bệnh nặng, nguy hiểm tính mạng, người Việt ai mà chẳng ngại đi bệnh viện).

Viết như vậy không phải vì Cánh Cò bênh “bệnh nhân số 17” và khuyến khích lối hành xử vô trách nhiệm. Mà vì nghĩ rằng khi nhìn lại vụ việc này chúng ta cần bình tĩnh suy xét. Cũng phải nói chúng ta có phần chủ quan, sơ hở khiến hậu quả khôn lường.

Theo Cánh Cò thì những điều cần làm bây giờ là:

Một, ngừng chửi rủa cô gái kia. Thật sự chẳng ai muốn mình bị bệnh, và không phải ai cũng chuẩn bị cho việc mình nhiễm bệnh nguy hiểm chết người. Hãy ngừng đào bới, tung tin giả, xuyên tạc, tranh cãi, nguyền rủa, xúc phạm nhau. Vì “Có ba điều trong cuộc đời nay mà một khi đã đi qua rồi sẽ không lấy lại được. Đó là thời gian, lời nói và cơ hội”.

Hai, lắng nghe cơ thể mình, không chủ quan khi thấy bất kỳ biểu hiện khác lạ; cố gắng khám sớm dù ai cũng ngại đi bệnh viện. Các bệnh nhân hãy bình tĩnh. Đừng quên hy vọng vì hy vọng cho bạn thêm sức mạnh để tồn tại ngay khi bạn bỏ rơi, hay bị nguyền rủa.

Bệnh nhân N.H.N. đang điều trị trong phòng áp lực âm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: BSCC.

Ba, hãy nghĩ cho nhau, giữ gìn cho cộng đồng, việc này cũng giống như đã uống bia rượu thì đừng lái xe. Bạn muốn tự gây tổn thương cho mình hay muốn chết thì cứ việc, nhưng đừng để ảnh hưởng đến bất kỳ ai khác.

Bốn, bình tĩnh. Những lúc như thế này, tìm một ai đó để đổ tội, tức phát khóc, chìm đắm trong lo sợ hay chửi bới, lên án ai đó đều chẳng giải quyết được gì. Thay vì chỉ trích nhau, đổ lỗi cho nhau, than vãn, cãi chửi, nguyền rủa, kỳ thị nhau, thì hãy bình tâm và nhìn thẳng vào sự thật bệnh dịch hiện nay với tất cả trách nhiệm của mình trong tình thương yêu đồng loại và trách nhiệm cộng đồng.

Hẳn cô gái “bệnh nhân số 17” ở trong bệnh viện đang phải tư dằn vặt mình với những tội lỗi của mình gây ra. Hẳn những công nhân Vĩnh Phúc khi nằm trong viện cũng dằn vặt mình với những gì gây ra cho gia đình, người thân và xã hội. Hẳn các bác sĩ cũng đăng dằn vặt và vật lộn với những thách thức khoa học để giành giật sự sống cho các bệnh nhân. Hẳn những nhà chức trách cũng đang dằn vặt với những nỗ lực của mình khi chưa thể kiểm soát, dập tắt bệnh dịch và với búa rìu dư luận.

Giờ đây, mọi người kiềm chế các cảm xúc tiêu cực, để đối đầu với khó khăn cũng là một cách thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.

Như Phật đã dạy “Vì có khó khăn, thách thức thì con người mới có cơ hội để thực hành. Thay vì trốn tránh, hay than phiền, khóc lóc, đau đớn, sân hận thì chúng ta nên mang ơn chúng. Đó là vị thầy tốt của chúng ta”.

“Có nhiều cách để đối phó với khổ đau, thách thức. Cách đầu tiên và là cách thông dụng nhất là đổ lỗi cho người khác (điều này thấy rõ nhất trên mạng). Điều đó thì dễ rồi. Nhưng cách đó hơi trẻ con. Cách thứ hai là thất vọng, chán nản, đắm chìm trong khổ đau, lo sợ. Cách thứ ba là tự thương thân trách phận, muốn cho người khác phải khổ đau. Nhưng hoài công, hành động như thế chỉ làm cho người khác tổn thương, khó chịu, bực mình. Một cách đối phó nữa là nghiến răng chịu đựng, đè nén và làm như nó không có mặt trên cuộc đời này. Cách đó cũng không giải quyết được gì.

Cách thứ năm là nhìn thẳng vào khó khăn, thách thức và nói rằng, ồ thầy cũ của tôi lại đến rồi. Lần này tôi sẽ học được gì đây? Đó là cách nhìn đúng!. Khó khăn, khổ đau, thách thức là người thày tốt nhất của ta. Vì nó nắm chặt lấy ta, nhấn chìm ta trong lo sợ, mệt mỏi, cho đến khi ta học được điều gì đó. Lúc ấy chúng mới buông thả ta”.

Các nhà chức trách hãy bình tĩnh, kiên trung và bàn bạc kỹ lưỡng, sáng suốt đưa ra các chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể để từng bước dẫn dắt cuộc chiến chống lại đại dịch. Đừng để những khó khăn đánh gục bạn, bạn hãy kiên nhẫn rồi sẽ vượt qua mọi chông gai. Hãy giữ vững tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Đội ngũ các nhà khoa học, bác sĩ, thầy thuốc ngành Y tế hãy bình tĩnh, kiên trì, nghiên cứu bào chế thuốc và đưa ra các phương pháp tối ưu để cứu người. Đừng đánh mất đi niềm tin vào chính mình.

Các lượng lượng quân đội, công an hãy bình tĩnh hành động, tiếp tục hỗ trợ, chăm sóc, bảo vệ tối đa cho người dân cách ly, kiểm soát, chốt chặn an ninh các thôn làng, bệnh viện, cửa ngõ sân bay, bên cảng, biên giới ra vào, phát tán bênh dịch. Đối mặt với những thứ khó khăn chúng ta không nên lùi bước. Chỉ có tích cực tiến lên mới giúp ta tìm con đường tươi sáng.

Các ngành giáo dục, thương mại, du lịch, sản xuất, cứ bình tĩnh, chấp nhận sự thật, phối hợp điều chỉnh hoạt động của ngành nghề mình sao cho tối ưu nhất với tinh thần “sống chung với lũ”. Tôi rất cảm động tinh thần “không ai bị bỏ rơi” của chính phủ và đặc biệt Việt Nam Airlines đang đưa máy bay sang tâm dịch Vũ Hán đón 30 người con đất Việt về nước.

Những công dân Việt Nam từ Vũ Hán trở về

Đức Phật đã dạy chúng ta “Không có con đường nào đi mà không đến, chỉ cần bạn kiên trì tiến bước”.

Người dân hãy bình tĩnh, lắng nghe nhiều hơn là tranh cãi, chia rẽ lòng người. Bởi “Sự việc trong cuộc sống rất phức tạp, thiên biến vạn hóa, rất khó có thể nói là đúng sai, hay vui buồn tuyệt đối được. Mà là quả phúc bổ sung, hoán đổi cho nhau. Như vậy người bình tâm xử trí mới là người thấy rõ chân lý của cuộc sống”.

Mỗi người dân cần truyền nhau thông tin hữu ích để phòng chống bệnh dịch hơn là trao nhau những thông tin xuyên tạc, chọc phá làm nghi ngại, xúc phạm, tổn thương nhau. Bởi “Hãy mỉm cười với bất cứ thứ gì đến với bạn, cho dù đó là không như ý. Bạn hãy trải nghiệm cuộc sống hiện tại. Vì cuộc đời này không phải cuộc chạy đua mà là một cuộc hành trình dài. Trong đó bạn sẽ thấy những việc làm và những thời khắc ý nghĩa của đời mình”.

Số người nhiễm bệnh cứ tăng lên mỗi ngày theo cấp số nhân. Dù bệnh dịch có khó khăn phức tạp đến mấy thì chúng ta cũng phải vượt qua. Bởi “Dù đường có gập ghềnh tới đâu cũng có khi bằng phẳng. Có đau khổ, thách thức mới thấy được giá trị của hạnh phúc”.

Suy cho cùng, nhìn vào khía cạnh tích cực của vấn đề bệnh dịch Covid-19 hiện nay thì chúng ta đang sống những ngày tháng không thể nào quên; hy vọng những ngày tháng khó khăn, lo sợ này khi qua đi sẽ để lại cho chúng ta những kinh nghiệm tốt và những điều chỉnh, thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn.

Cầu mong tất cả người dân Việt cùng nhau vượt qua đại dịch này.

Nam Phong / Cánh Cò

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều