+
Aa
-
like
comment

Xin “đặc cách” bán điện mặt trời

12/12/2020 07:02

Bộ Công thương mới đây có văn bản hỏi ý kiến một số bộ và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) về đề xuất xin cơ chế đặc thù cho 2 nhà đầu tư điện mặt trời lớn của tỉnh Ninh Thuận để có cơ sở báo cáo Thủ tướng.

Là chủ trương lớn của Chính phủ, song nhiều dự án điện mặt trời trong thời gian qua gặp không ít khó khăn vì quá tải đường truyền /// Ảnh: Ng.Nga
Là chủ trương lớn của Chính phủ, song nhiều dự án điện mặt trời trong thời gian qua gặp không ít khó khăn vì quá tải đường truyền. 

Sản xuất thừa, bán lại rẻ hơn giá quy định

Cụ thể, theo UBND tỉnh Ninh Thuận, địa phương này có 37 dự án điện mặt trời (ĐMT) đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Trong đó, có 31 dự án đã công nhận vận hành thương mại (tổng công suất hơn 2.173 MW), 5 dự án dự kiến sẽ vận hành thương mại vào cuối năm nay… Dự kiến đến cuối năm, tổng cộng các dự án ĐMT đưa vào vận hành tại tỉnh này ước hơn 2.220 MW.

Không riêng gì Ninh Thuận, sắp tới sẽ có loạt địa phương với tình trạng quá tải này, lại nảy sinh xin cơ chế mới, đặc thù mới.
Không xin về áp giá thì xin kéo dài thời gian áp dụng giá mua điện

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm

Theo cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT tại Việt Nam tại Quyết định 13/2020 của Chính phủ ban hành thì đối với tỉnh Ninh Thuận, giá mua ĐMT nối lưới đã có trong quy hoạch và có ngày vận hành thương mại trước ngày 1.1.2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW được tính 9,35 UScent/kWh (tương đương 2.086 đồng/kWh theo tỷ giá 22.316 đồng/USD của Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 10.4.2017), được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Với dự án ĐMT đã có quyết định chủ trương đầu tư trước 23.11.2019, có ngày vận hành thương mại của dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ 1.7.2019 – 31.12.2020 thì được áp dụng giá 7,09 UScent/kWh (tương đương 1.644 đồng/kWh).

Trong khi đó, theo tỉnh này, tổng công suất tích lũy của các dự án ĐMT đã vận hành thương mại tại địa phương đã vượt quá công suất tích lũy 2.000 MW theo quy định, tập trung phần lớn các dự án hoặc một phần dự án đang triển khai trên địa bàn, gồm dự án ĐMT 450 MW tại xã Phước Minh, H.Thuận Nam kết hợp đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải của Tập đoàn Trung Nam đầu tư và dự án Nhà máy ĐMT Thiên Tân 1 công suất 250 MW do Công ty TNHH MTV Thiên Tân Solar Ninh Thuận đầu tư. Đây là 2 dự án được Chính phủ bổ sung quy hoạch, có quyết định đầu tư sau 23.11.2019 và tiến độ dự kiến hoàn thành trong năm nay, nhưng một phần công suất tích lũy đã vượt quá 2.000 MW của hai dự án không đáp ứng điều kiện để được áp dụng giá bán điện 7,09 UScent/kWh và phần đã vận hành cũng chưa xác định được giá bán.

Trước thực trạng trên, tỉnh Ninh Thuận đề xuất Bộ Công thương trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung “quy định đặc thù” về phát triển ĐMT trên địa bàn tỉnh, cho áp dụng giá bán điện là 7,09 UScent/kWh với phần công suất vượt quá 2.000 MW của các dự án trên.

Liên quan đến xin gia hạn ưu đãi đối với ĐMT, trước đó, ngày 17.11, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công thương xin tăng thời gian hưởng giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ cho các dự án năng lượng tái tạo) của điện gió và ĐMT. Theo đó, hiệp hội này kiến nghị Thủ tướng cho phép kéo dài giá điện FIT hiện tại của điện gió và ĐMT thêm “ít năm nữa” thay vì quy định giá mua ĐMT theo giá FIT chỉ hết năm 2020 và điện gió hết năm sau.

Cân nhắc quá tải đường truyền

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng tái tạo) cho rằng phần dôi dư ĐMT so với quy định công suất tích lũy phải không quá 2.000 MW của Quyết định 13 không rõ có trong các thỏa thuận với Bộ Công thương và nhà đầu tư trước đây không. Bộ Công thương có hướng dẫn với nhà đầu tư thế nào, nếu dư công suất thì xử lý ra làm sao. Nếu đã hướng dẫn buộc phải dưới 2.000 MW (trước khi Quyết định 13 được ban hành) thì lỗi thuộc về nhà đầu tư. Nếu vậy, để tránh lãng phí, chỉ có nhà đầu tư thương thảo với Bộ Công thương thôi. Thứ hai, ở đây vấn đề liên quan đến nhiều bộ, không riêng gì Bộ Công thương do bộ này đã hỏi ý kiến nhiều nơi nên chỉ có cách nhà đầu tư “cầu cứu” Thủ tướng.

Ngày 9.1.2020, dự án Nhà máy ĐMT Phước Minh kết hợp hệ thống truyền tải 500 KV được Thủ tướng đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030 điều chỉnh (Quy hoạch điện 7 điều chỉnh). Đây là dự án do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 11.482,9 tỉ đồng. Tổng diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 557 ha.

Ngày 28.9.2017, dự án Nhà máy ĐMT Thiên Tân 1 được cấp quyết định chủ trương đầu tư tại xã Phước Trung, H.Bác Ái, do Công ty TNHH MTV Thiên Tân Solar Ninh Thuận (thành viên của Thiên Tân Group) làm chủ đầu tư.

Dự án xây dựng trên diện tích 105 ha với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 1.418,6 tỉ đồng. Sau khi dự án hoàn thành vào tháng 3.2020 đã được hòa lưới điện quốc gia. Ở giai đoạn 2, Thiên Tân sẽ xây dựng cả 5 nhà máy, trong đó nhà máy 4 và 5 đều có công suất 300 MW. Tổng công suất hoàn thành dự án khoảng 1.000 MW trên diện tích 1.400 ha, vốn đầu tư 2 tỉ USD.

Thực tế, đầu tư vào ĐMT trên cả nước đều đang vượt kế hoạch đề ra. Tính hết tháng 11, số liệu của Tổng công ty điện lực miền Nam cho thấy toàn khu vực (tính từ Ninh Thuận đến Cà Mau) có 60 nhà máy điện đã đóng điện với tổng công suất lắp đặt trên 3.113 MWp. Riêng ĐMT áp mái, tổng công suất tấm pin lắp đặt trong 11 tháng là gần 1.200 MWp, đạt 343% kế hoạch EVN đề ra trong năm (chỉ 350 MWp). Theo số liệu của Tổng công ty điện lực miền Bắc, hết tháng 11, tổng công suất lắp đặt toàn vùng vượt hơn 118,2 MWp, vượt 68,5% kế hoạch EVN đề ra trong năm 2020 (70 MWp).

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cho rằng quy định khống chế tổng công suất không quá 2.000 MW mới được áp dụng giá 9,35 UScent/kWh với ĐMT tại Ninh Thuận tại Quyết định 13 là “hoàn toàn có chủ ý của cơ quan quản lý”. Ông nói: “Vấn đề này phụ thuộc vào quy hoạch, khả năng đường truyền tải. Ninh Thuận là địa phương có sở hữu nguồn bức xạ mặt trời lớn, nên dự án làm ĐMT cho ra hiệu quả cao là điều dễ hiểu và rất tốt. Tuy nhiên, mọi tính toán đều dựa trên khả năng của đường truyền tải. Nếu nay cho mua vượt quá công suất đã áp ban đầu, cho dù giá rẻ, cũng “gây khó” cho EVN. Mua rồi nhưng không truyền tải được thì lãng phí quá. Nhưng nếu cứ tăng mua vào và đường truyền không “cơi nới” kịp thì bài ca quá tải đường truyền điện tại khu vực này sẽ tiếp tục. Năm trước, cũng chính địa phương này “nóng” lên với tình trạng đầu tư ồ ạt, cấp phép sai quy định, dân kêu ĐMT đầu tư rồi không bán được…”.

Sẽ còn nhiều tỉnh nảy sinh đặc thù?

Thực tế, đề xuất của Ninh Thuận xuất phát từ việc tận dụng hết nguồn bức xạ mặt trời, đặc biệt tại các vùng đất khô khan, không trồng được cây trái mang lại hiệu quả kinh tế tốt. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng cần cân nhắc chính sách ban hành đang “đuổi theo” thực tế xảy ra. Ông Ngô Đức Lâm bổ sung, chính sách khuyến khích đầu tư vào ĐMT rất tốt nhưng qua thực hiện trong thời gian ngắn, đã nảy sinh mặt trái quá nhiều mà nếu không đánh giá một cách thấu đáo, khoa học, hướng xử lý sẽ lúng túng vô cùng. Đó là vấn đề môi trường liên quan xử lý tấm pin mặt trời sau thời hạn sử dụng, quá tải đường truyền, ĐMT làm ra không đưa lên đường truyền được vì quá tải.

“Không riêng gì Ninh Thuận, sắp tới sẽ có loạt địa phương với tình trạng quá tải này, lại nảy sinh xin cơ chế mới, đặc thù mới. Không xin về áp giá thì xin kéo dài thời gian áp dụng giá mua điện… Chỉ riêng việc tìm giải pháp để xử lý các vấn đề phát sinh đối với các dự án ĐMT là thách thức không nhỏ”, ông Lâm nhận xét và nhấn mạnh những mặt trái của phát triển nóng năng lượng tái tạo phải được giải quyết trong Quy hoạch điện 8.

Bài mới
Đọc nhiều