+
Aa
-
like
comment

Xét xử vụ Đồng Tâm: Tòa bác đề nghị triệu tập Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Thành Nhân - 07/09/2020 14:09

Một luật sư đề nghị triệu tập Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, tuy nhiên, HĐXX cho rằng, ông Chung không trực tiếp liên quan đến vụ án nên không cần thiết phải triệu tập.

Xét xử vụ Đồng Tâm: Bác đề nghị triệu tập Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung - 1
Các bị cáo trả lời thẩm tra căn cước tại tòa.

9h sáng, phiên xử vụ án giết người, chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chính thức bắt đầu với phần thẩm tra căn cước các bị cáo. Tiếp đó, HĐXX cho phép các bị cáo và các luật sư trình bày ý kiến đối với phần thủ tục phiên tòa và trả lời từng ý kiến, kiến nghị.

Một luật sư đề nghị triệu tập Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. HĐXX nhận thấy, ông Chung không liên quan trực tiếp đến vụ án nên không cần thiết phải triệu tập.

Luật sư đề nghị triệu tập đại diện Công an Hà Nội theo đúng như quyết định đưa vụ án ra xét xử. Nếu đại diện Công an Hà Nội không có mặt, đề nghị hoãn phiên tòa.

Về đề nghị này, HĐXX giải thích, do sáng nay trời mưa to, đại diện Công an Hà Nội đến muộn và hiện tại đã có mặt.

Đối với quan điểm của một số luật sư cho rằng, Công an Hà Nội điều tra vụ án này dễ dẫn đến không khách quan, HĐXX khẳng định, vụ án xảy ra ở Hà Nội, xét các quy định của pháp luật, Công an Hà Nội điều tra vụ án này là chính xác.

Luật sư đề nghị triệu tập một số đơn vị công an, quân đội, Tòa cho rằng, các đơn vị này không phải thành phần tham gia tố tụng nên không cần thiết phải triệu tập.

Về đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung như bản đề nghị của một số luật sư gửi HĐXX trước khi phiên tòa diễn ra, HĐXX cho biết sẽ xem xét trong quá trình xét xử.

Một luật sư đề nghị mời thân nhân bị cáo. Tòa cho rằng, các bị cáo đều đã trưởng thành, phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, không cần người giám hộ. Hơn nữa, phiên tòa rất đông bị cáo và người liên quan, để đảm bảo an ninh trật tự, Tòa xét thấy không cần thiết phải mời thân nhân các bị cáo đề tòa.

Luật sư đề nghị mời chốt trưởng các chốt trực trong ngày xảy ra vụ án, HĐXX cho biết sẽ xem xét trong quá trình xét xử.

Đối với đề nghị của luật sư về việc sao chụp toàn bộ hồ sơ vụ án, HĐXX sẽ bố trí thời gian.

Về đề nghị được tiếp xúc với các bị cáo tại tòa, HĐXX cho rằng, các luật sư đã có nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ, tiếp xúc các bị cáo tại trại tạm giam nên không cần thiết phải tiếp xúc tại tòa.

Các bị cáo tại tòa

Trong vụ án này, các anh Nguyễn Huy Thịnh (SN 1972, Phó Trung đoàn trưởng E22- Bộ Tư lệnh CSCĐ), Phạm Công Huy (SN 1992, cán bộ Đội chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an HN) và anh Dương Đức Hoàng Quân (SN 1993, cán bộ của Bộ Tư lệnh CSCĐ) là những người bị sát hại.

Sáng nay, đại diện của anh Quân vắng mặt tại tòa.

11h15, HĐXX tuyên bố kết thúc phần thủ tục, chuyển sang phần tranh luận. Mở đầu, đại diện Viện Kiểm sát đọc bản cáo trạng truy tố các bị cáo.

Từ sáng nay, 7/9, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử 29 bị cáo trong vụ án giết người, chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Phiên xử dự kiến diễn ra liên tục trong 10 ngày.

HĐXX gồm 5 người, do Thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó chánh Tòa Hình sự (TAND TP Hà Nội) – làm chủ tọa. Thực hành công tố và kiểm sát xét xử có 2 kiểm sát viên của Viện KSND TP Hà Nội. Có 32 luật sư bào chữa cho các bị cáo.

Hành vi của ông Lê Đình Kình

Lê Đình Kình, chủ mưu cầm đầu hành động khủng bố tại Đồng Tâm

Kết quả điều tra xác định, ông Lê Đình Kình là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thành lập “Tổ đồng thuận”, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, xuyên tạc nguồn gốc đất đồng Sênh, kích động, lôi kéo các đối tượng khác tham gia khiếu kiện, gây rối, đe dọa chính quyền để đòi đất.

Ông Kình đã được Thanh tra TP Hà Nội và Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra về nguồn gốc đất đồng Sênh là đất quốc phòng.

Dù vậy, ông Kình vẫn hứa hẹn với mọi người, nếu đòi được đất đồng Sênh sẽ chia cho các đối tượng. Việc này nhằm mục đích lôi kéo, kích động người khác tham gia.

Khoảng đầu tháng 12/2019, ông Lê Đình Kình đưa cho Lê Đình Doanh 500 ngàn đồng, mua khoảng 10 dao bầu và liềm để làm hung khí chống đối lực lượng công an.

Ông Kình cùng các đối tượng khác tổ chức quay video clip tung lên các mạng xã hội đe dọa giết lực lượng công an. Khi biết thông tin lực lượng công an sẽ về thôn Hoành, xã Đồng Tâm làm nhiệm vụ, ông Kình đã tổ chức nhiều cuộc họp với các đối tượng để chỉ đạo: “Chỉ cần giết được ba thằng là chúng nó chạy hết”; “nếu đất chưa làm rõ, kẻ nào mà nhảy vào cướp đất, sẽ cho trắng lưng, ngửa bụng”.

Rạng sáng ngày 9/1, khi lực lượng thi hành nhiệm vụ tiến hành ngăn chặn, trấn áp, bắt giữ các đối tượng tấn công tại nhà ông Kình, ông Kình đã dùng tuýp sắt, gắn dao bầu và 1 quả lựu đạn tấn công lực lượng công an.

Hành vi của ông Kình đã phạm vào Tội giết người nhưng do ông Kình đã chết nên CQĐT không đề cập xử lý.

Quá trình điều tra vụ án, CQĐT nhận được đơn tố giác tội phạm của một số công dân, trong đó có đơn của bà Dư Thị Thành (SN 1950, vợ ông Kình) đề nghị khởi tố vụ án giết người đối với sự việc ông Kình chết ngày 9/1.

Theo tài liệu, chứng cứ thu thập được, có đủ căn cứ xác định ông Lê Đình Kình chỉ đạo và trực tiếp thực hiện các hành vi chống người thi hành công vụ một cách quyết liệt, tàn bạo.

Ông Kình chính là người hô hào đồng bọn tiếp tục chống trả và đang cầm lựu đạn trên tay. Do đó, ông Lê Đình Kình bị các lực lượng chức năng tiêu diệt trong vụ án trên là đúng quy định của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017.

Vì vậy, không có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự như yêu cầu.

Thành Nhân

Bài mới
Đọc nhiều