Xét xử vụ Đồng Tâm: Nhiều bị cáo được hưởng khoan hồng
Chiều nay (14/9), tuyên án các bị cáo vụ Đồng Tâm, HĐXX đưa ra nhận định, đây là vụ án hình sự nghiêm trọng, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội.
Theo HĐXX, các bị cáo đã bất chấp pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước, ngang nhiên xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Nhà nước và chính quyền địa phương, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, đặc biệt là những người đang thi hành công vụ.
Hành vi của các bị cáo thực hiện vô cùng dã man, tàn bạo, mất hết tính người.
Khi các chiến sĩ Công an bị ngã xuống hố ngăn cách giữa nhà anh Lê Đình Hợi (nhà kề sát nhà Chức) và nhà Chức, các bị cáo đã dùng xăng đốt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Hành vi của các bị cáo dã man, tàn bạo, mất hết nhân tính. Khi 3 chiến sỹ ngã xuống hố, các bị cáo còn đổ xăng đốt khiến thi thể của các chiến sỹ bị than hóa, không nhận dạng được.
Việc các chiến sĩ hy sinh là tổn thất to lớn đối với lực lượng Công an, làm người con mất đi cha, vợ mất chồng, bố mẹ mất con… Những mất mát đó là không gì bù đắp được.
Vụ án còn gây bất bình trong dư luận, đòi hỏi cần phải có mức án nghiêm khắc mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung.
Đối với nhóm bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Nguyễn Quốc Tiến, HĐXX cho rằng: Đây là các bị cáo giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, thực hiện vi tấn công, phạm tội tích cực, đặc biệt nguy hiểm cho xã hội.
Trong đó, Lê Đình Công là người giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, thường xuyên lôi kéo, kích động, kêu gọi chống đối, tổ chức các cuộc họp bàn, tung các video clip, ghi hành và phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội tuyên bố giết chết từ 300-500 chiến sĩ công an…
Bị cáo Bùi Viết Hiểu là bị cáo thuộc nhóm chủ mưu, cầm đầu, cùng với Lê Đình Công, Nguyễn Văn Tuyển tổ chức các cuộc họp để lôi kéo, kích động, tấn công lực lượng chức năng…
Tuy nhiên, HĐXX đã xét bị cáo Hiểu khi phạm tội là người già trên 70 tuổi, bị cáo không trực tiếp gây ra cái chết của các nạn nhân; trong giai đoạn điều tra vụ án và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo.
Do đó, căn cứ vào tính chất mức độ, hành vi phạm tội và thái độ của bị cáo tại phiên tòa nên có có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo để thể hiện tính nhân đạo của pháp luật.
Nhiều bị cáo được hưởng khoan hồng
Đối với các nhóm bị cáo: Bùi Thị Nối, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Lê Đình Quân, Bùi Văn Tiến, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Trần Thị La, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Xuân Điều, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tuấn, Trịnh Văn Hải, Nguyễn Thị Lụa, Mai Thị Phần, Lê Thị Loan, Đào Thị Kim, Nguyễn Văn Trung, HĐXX cho rằng: Những bị cáo này là những người đã chuẩn bị vũ khí, làm “bom” xăng, trực tiếp chống đối lực lượng chức năng.
Trong đó, bị cáo Tiến, Quân, Hải, Nối, Duệ là những người thực hành tích cực, cần xử lý nghiêm theo đúng tính chất, hậu quả mà các bị cáo đã gây ra.
Nhưng cũng xét giảm nhẹ hình phạt cho những người này vì tại tòa, các bị cáo này thành khẩn khai báo, đã xin lỗi gia đình bị hại.
Theo HĐXX, bị cáo Nối tại tòa không thành khẩn, có biểu hiện chống đối, cần có hình phạt nghiêm.
HĐXX cho rằng, các bị cáo La, Bét, Điều, Duệ, Phần, Kim, Loan, Trung, Hiển, Tiến, Dung, Phượng, dù có tham gia chuẩn bị các loại hung khí tấn công lực lượng chức năng, nhưng hành vi có mức độ. Qúa trình điều tra và tại tòa, các bị cáo này thành khẩn, mong được sự khoan hồng.
Căn cứ vào tính chất hành vi của bị cáo, HĐXX thấy không cần thiết cách ly bị cáo ra khỏi xã hội, giao địa phương giáo dục để các bị cáo thấy sự khoan hồng của pháp luật, phấn đấu trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội.
Quá trình tranh tụng, có luật sư cho rằng nguyên nhân sâu xa để xảy ra vụ án trên là do việc giải quyết tranh chấp đất đại tại Đồng Sênh thuộc xã Đồng Tâm chưa phù hợp.
HĐXX cho rằng, toàn bộ đất Sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được các đơn vị quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, với 16 mốc giới, đã giao cho Quân chủng Phòng không Không quân thuộc Bộ Quốc phòng…
Các tranh chấp, khiếu kiện về nguồn gốc đất Đồng Sênh đã được các cơ quan chức năng nhà nước có thẩm quyền từ địa phương đến Trung ương kiểm tra, rà soát và kết luận, khẳng định là đất quốc phòng.
Đại đa số người dân Đồng Tâm đều đồng thuận với kết luận này. Ngay chính bị cáo Bùi Viết Hiểu (từng trực tiếp tham gia chứng kiến việc giao, nhận đất giữa đại diện UBND xã Đồng Tâm và Bộ Tư lệnh Công binh), tại tòa cũng đã thừa nhận nguồn gốc đất Đồng Sênh đúng như kết luận điều tra và cáo trạng truy tố.
Trong trường hợp không đồng tình, công dân có quyền khiếu nại chứ không được tổ chức chống đối lại lực lượng chức năng.
T.Nhung/VNN