Xét xử VN Pharma: Viện kiểm sát bác bỏ công văn hỏa tốc của Bộ Y tế
“Việc các cơ quan chuyên môn có thẩm định, giám định đều không biết là hồ sơ giả, nếu các quý vị biết hồ sơ giả mà thẩm định, cấp phép thì các quý vị cũng đã có mặt tại phiên tòa hôm nay với tư cách là bị cáo”, đại diện Viện KSND TP.HCM nêu rõ quan điểm.
Chiều 27.9, đại diện Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử vụ án Công ty CP VN Pharma (VN Pharma) khẳng định quan điểm, sau khi các luật sư bào chữa cho các bị cáo, cũng như quan điểm của Bộ Y tế cho rằng H-Capita là thuốc kém chất lượng hoặc làm giả giấy tờ nguồn gốc, chứ không phải là thuốc giả.
Các bị cáo đã phạm tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, và thuốc H-Capita là thuốc giả về chất lượng lẫn nguồn gốc xuất xứ
Đại diện Viện KSND TP.HCM tái khẳng định
Chấn chỉnh các luật sư
Ngay phần tranh luận đầu tiên, đại diện Viện KSND TP.HCM đã “chấn chỉnh” các luật sư. Đai diện Viện KSND TP.HCM cho rằng có luật sư không nắm vững các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia phiên tòa, chưa tuân thủ trình tự tố tụng tại phiên tòa, khi phát biểu ý kiến, trình bày bào chữa dùng những lập luận mang tính chủ quan, tùy tiện, có ý quy kết các cơ quan tiến hành tố tụng không minh bạch, không khách quan, xúc phạm đến đại diện Viện kiểm sát đang thực hiện quyền công tố tại phiên tòa…
“Ngay từ đầu phần xét hỏi, luật sư đã phát biểu đề nghị Viện kiểm sát dừng phiên tòa, cho rằng đại diện Viện kiểm sát được Viện KSND tối cao phân công chỉ bảo vệ cáo trạng… Chúng tôi cũng muốn nhắc nhở các luật sư lưu ý điều chỉnh các phát ngôn mang tính chủ quan như vậy, tránh để ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật, đồng thời cũng ảnh hưởng đến uy tín chung của luật sư”, đại diện Viện KSND TP.HCM nêu, và đề nghị chủ tọa phiên tòa khi điều hành phiên tòa không để xảy ra tình trạng trên.
Lý do áp dụng tình tiết nặng
Nêu quan điểm về lý do áp dụng tình tiết nặng, đại diện Viện KSND TP.HCM khẳng định, theo Nghị quyết 02/2003 ngày 17.4.2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao, hoặc Thông tư 02/2001 VKSTC-BCA-BTP ngày 25.12.2001 (của Viện KSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp) hướng dẫn về hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về tài sản là từ 1,5 tỷ đồng trở lên (điều luật 202, 245 Bộ luật Hình sự 1999). Đồng thời cũng hướng dẫn về hậu quả phi vật chất như luận tội đã nhận định, phân tích, thì hậu quả phi vật chất trong vụ án này là đặc biệt nghiêm trọng. Bộ luật Hình sự đang áp dụng cũng đã cụ thể hóa điều này, khi quy định tại điểm d khoản 4 Điều 194 là gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỉ đồng trở lên.
Theo ý kiến của luật sư về việc bị cáo Nguyễn Minh Hùng chiếm 80% cổ phần trong công ty, VN Pharma là công ty cổ phần phải là bị hại của vụ án, nên không thể xác định công ty này thiệt hại hơn 6 tỉ đồng.
Về ý kiến này, Viện KSND TP.HCM cho rằng xác định số tiền hơn 6 tỉ đồng đã được chứng minh là số tiền thiệt hại thực tế xảy ra trong việc nhập lô thuốc H-Capita giả này. Công ty VN Pharma không phải của bị cáo Hùng mà còn có tất cả các cổ đông góp vốn, nên thiệt hại xảy ra là thiệt hại của công ty. Việc VN Pharma không yêu cầu bồi thường là quan hệ dân sự giữa VN Pharma và bị cáo Hùng, còn việc công ty thiệt hại thực tế đã được chứng minh. Dù với tư cách người có quyền và nghĩavụ liên quan, thì công ty vẫn bị thiệt hại và vẫn có quyền yêu cầu bồi thường, điều này đã được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Bác bỏ xác minh nguồn gốc của Bộ Y tế
Về việc các luật sư cho rằng cáo trạng, luận tội của Viện KSND TP.HCM không vận dụng các tài liệu CQĐT thu thập được vào kết luận điều tra, cụ thể là các tài liệu liên quan đến các văn bản của Bộ Y tế để chứng minh nguồn gốc, chất lượng của lô thuốc H-Capita.
Viện KSND TP.HCM nêu rõ: Công văn số 77 ngày 27.4.2018 (đã được giải mật) trả lời yêu cầu của cơ quan an ninh điều tra. Trong đó có nội dung tại mục 2.3: về cung cấp thông tin liên quan đến quá trình Bộ Y tế xác minh: Chỉ trong vòng 4 ngày 13 đến 17.11.2017 đoàn công tác Bộ Y tế đang đi kiểm tra 1 công ty sản xuất vắc xin ở Ấn Độ đã kết hợp đến Bang Himachal của Ấn Độ để xác minh nguồn gốc và chất lượng thuốc.
Chỉ trong 1 thời gian rất ngắn, 4 ngày vừa đi kiểm tra mà Đoàn đã làm việc tại Bang Himachal (Ấn Độ) với nhà máy Affy Parenterals, với cơ quan quản lý dược Ấn Độ. Sau đó, làm việc và tiếp nhận tài liệu của Công ty vận chuyển Magnum Cargo Mumbai, Ấn Độ. Bộ Y tế thu thập được rất nhiều tài liệu như: GMP, phiếu kiểm nghiệm, biên bản xác nhận nhà máy bán thuôc, hóa đơn, vận đơn, danh mục… Các tài liệu này được Cục Quản lý dược, Phòng thương mại, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ xác minh tính hợp pháp và hợp pháp hóa lãnh sự.
Sau khi nêu rõ nội dung trên, đại diện Viện kiểm sát cho rằng cũng rất khâm phục đoàn công tác Bộ Y tế chỉ bằng 1 chuyến đi kiểm tra nhà máy sản xuất vắc xin tiêm chủng trong 4 ngày, mà đã thu thập được toàn bộ thông tin liên quan đến việc sản xuất, mua bán, vận chuyển lô thuốc H-Capita, và Bộ Y tế đã chuyển các tài liệu này cho cơ quan điều tra. Sau đó, lại tiếp tục bằng công văn 10987 ngày 12.6.2018 đã kết luận lô thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đạt tiêu chuẩn sản xuất tại nhà máy. Do đó, Viện KSND tối cao đã không sử dụng các tài liệu này để làm căn cứ xác định nguồn gốc lô thuốc H-Capita.
“Không có căn cứ nói là thuốc kém chất lượng”
Đối với ý kiến của các luật sư về vấn đề Viện kiểm sát kết luận thuốc giả chất lượng là không có căn cứ; có luật sư thì đồng tình là thuốc kém chất lượng; có luật sư thì cho rằng thuốc có chất lượng vì đã xác định nguồn gốc và chất lượng lô thuộc H-Capita là của Ấn Độ, Viện KSND TP.HCM, khẳng định: “Như cáo trạng và luận tội, Viện kiểm sát đã kết luận lô thuốc H-Capita bị giả mạo nguồn gốc, xuất xứ là do công ty Helix Canada sản xuất, vì kết quả điều tra, xác định công ty Helix Canada là không có thật. Và cũng chính vì công ty Helix Canada không có thật, tất cả các hồ sơ để cấp phép nhập khẩu thuốc đã bị làm giả, trong đó có tiêu chuẩn thuốc. H-Capita không phải của Helix; các tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm không phải của Helix, thì chất lượng thuốc H-Capita không phải là chất lượng thuốc của Helix thì rõ ràng đó là thuốc giả”.
Ngoài ra, theo kết luận giám định số 31 còn thể hiện 2 chỉ tiêu, trong đó: mô tả về màu sắc thuốc thực tế màu hồng nhưng tiêu chuẩn cơ sở là màu đỏ; chỉ tiêu về tạp chất liên quan, phần tạp không định danh lớn nhất kiểm nghiệm là 0,17% cao hơn chỉ tiêu cơ sở phải thấp hơn 0,1%. Nếu theo quy định tại khoản 23 Điều 2 Luật Dược thì “Thuốc kém chất lượng là thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền”, thì rõ ràng chất lượng đăng ký đã bị làm giả, vậy thì không thể xác định là chất lượng kém so với đăng ký giả, mà phải xác định đây là thuốc đã bị giả về chất lượng.
“Thử hỏi, nếu biết đăng ký chất lượng bị làm giả thì có cơ quan nào dám giám định chất lượng không. Việc các cơ quan chuyên môn có thẩm định, giám định đều không biết là hồ sơ giả, nếu các quý vị biết hồ sơ giả mà thẩm định, cấp phép, thì các quý vị cũng đã có mặt tại phiên tòa hôm nay với tư cách là bị cáo”, đại diện Viện KSND TP.HCM khẳng định.
Về thời hạn bảo quản thuốc, kết luận giám định đã nhận định về điều kiện bảo quản lô thuốc từ 19.9.2014 đến 16.1.2015 đáp ứng yêu cầu về điều kiện bảo quản ghi trên thuốc, cho thấy ở thời điểm lấy mẫu giám định chất lượng thuốc đảm bảo. Như các phần phân tích trên, Viện KSND TP.HCM kết luật lô thuốc giả cả về chất lượng lẫn xuất xứ.
Yêu cầu từ Cục Quản lý dược là sự che dấu, biện minh…
Đối với công văn hỏa tốc, Cục Quản lý dược đề nghị HĐXX xử lý nghiêm theo pháp luật các hành vi vi phạm của các bị cáo làm giả hồ sơ, tài liệu nhập khẩu thuốc vào Việt Nam, nhằm làm giả, thay đổi xuất xứ của thuốc để trục lợi.
Liên quan công văn trên, đại diện Viện kiểm sát khẳng định rõ: Cục Quản lý dược không có quyền yêu cầu cơ quan điều tra, cũng như các cơ quan tố tụng xử lý nghiêm các đối tượng trong vụ án này.
Nói thêm về lý do bác yêu cầu, Viện KSND TP.HCM khẳng định yêu cầu từ Cục Quản lý dược (xử lý nghiêm các các đối tượng về việc làm giả hồ sơ về nguồn gốc xuất xứ để trục lợi) là sự che dấu, biện minh để giảm nhẹ tội cho bị cáo, cũng như che giấu sự thiếu trách nhiệm của Cục Quản lý dược trong vụ án này. Hậu quả là đã ảnh hưởng đến người dân trong quá trình khám chữa bệnh, khiến họ mất niềm tin về các cơ quan chức năng có liên quan.
Từ những lý lẽ đó, Viện KSND TP.HCM vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố và mức án đã đề nghị đối với 12 bị cáo từ 3 năm tù giam đến 20 năm tù giam, trong trong vụ án “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” – thuốc H-Capita 500 mg, xảy ra tại VN Pharma.
Hồng Anh