Xét nghiệm toàn TP.HCM ‘không phải là xét nghiệm tất cả người dân’
Đó là khẳng định của Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng về chủ trương xét nghiệm toàn TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội.
Trước chủ trương xét nghiệm toàn TP.HCM từ 15/8 đến 15/9, nhiều người dân và chuyên gia băn khoăn về tính khả thi của biện pháp này khi thành phố có hơn 10 triệu dân.
Tại họp báo chiều 28/8, phóng viên đã đặt câu hỏi cho Sở Y tế TP.HCM để làm rõ vấn đề trên.
Không xét nghiệm tất cả người dân
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thành phố đang xét nghiệm theo kế hoạch tại Công văn 2716 từ 15/8 đến 15/9. Mục đích là phát hiện F0 trên địa bàn càng sớm càng tốt.
Để xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm, thành phố chia từng tổ dân phố, ấp thành 4 mức độ: vùng đỏ (nguy cơ rất cao), cam (nguy cơ cao), vàng (có nguy cơ), xanh (bình thường mới) .
Vùng đỏ và cam sẽ xét test nhanh cho tất cả người dân với tần suất 2 ngày/lần. Vùng vàng và xanh sẽ lấy mẫu theo đại diện hộ gia đình, xét nghiệm PCR mẫu gộp 5 với vùng vàng và gộp 10 với vùng xanh, tần suất 7 ngày/lần.
“Như vậy, chúng ta thấy rõ ràng việc xét nghiệm cho tất cả người dân không phải chủ trương của thành phố, mà phân loại từng vùng theo mức độ nguy cơ để xét nghiệm phù hợp”, ông Hưng nói.
Phó giám đốc Sở Y tế khẳng định khi tập trung xét nghiệm thì số F0 chắc chắn sẽ tăng. Tuy nhiên, ngành y tế “tương đối yên tâm” vì số ca nhiễm những ngày qua không quá nhiều, nằm trong khả năng dự báo. Thành phố hiện đủ điều kiện đáp ứng.
Số người cách ly tại nhà hiện nay trên dưới 45.000. Thành phố đang tăng công tác quản lý, điều trị F0 thông qua trạm y tế lưu động, thường xuyên kết nối, chăm sóc F0.
Số ca tử vong chưa thực sự giảm
Ông Hưng cho biết số ca tử vong do Covid-19 ở TP.HCM hiện là 250-300/ngày. Số này đang dao động và chưa thực sự có dấu hiệu giảm.
“Đây là một trong những điều ngành y tế rất day dứt, làm sao giảm tỷ lệ tử vong cao nhất. Với chủng Delta, dù đa số bệnh nhân nhiễm không có triệu chứng hoặc nhẹ, nhưng 10-15% chuyển nặng và một số trường hợp chuyển nặng rất nhanh”, ông nói.
Trước đây, khi thành phố chưa tập trung quản lý điều trị F0 tại nhà thì nhiều trường hợp chuyển đến viện không đáp ứng đủ thời gian. Để giải quyết, TP.HCM phân lại tầng điều trị và tập trung vào tầng 1 bằng cách phát túi thuốc khi xác định F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà.
Ông nhấn mạnh một trong những vấn đề tối thượng với bệnh nhân Covid-19 là phải đủ oxy. Đó là lý do thành phố triển khai trạm y tế lưu động, mang bình oxy nhỏ đến cho người dân.
Trong 3 tầng điều trị thì số ca tử vong ở tầng 2 nhiều nhất nên ngành y tế đang yêu cầu các quận, huyện cần quan sát, phát hiện sớm các bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng để chuyển lên tầng 3. Như vậy, số lượng tử vong sẽ giảm.
Trước đó, ngày 22/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính có Công điện 1099 về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Thủ tướng nhấn mạnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An cần thần tốc xét nghiệm diện rộng, riêng TP.HCM xét nghiệm toàn TP trong thời gian giãn cách xã hội, để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn lây lan.
Từ 23/8 đến hết 6/9, TP.HCM thực hiện Chỉ thị 11 về tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội theo Nghị quyết 86 của Chính phủ; Công điện 1099 và 1102 của Thủ tướng. Phương châm là “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch”.
TP.HCM tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của người dân (khung giờ, đối tượng được di chuyển…). Thành phố chuẩn bị 2 triệu túi an sinh, đảm bảo không bỏ sót những trường hợp khó khăn. TP.HCM xét nghiệm diện rộng toàn thành phố, riêng các hộ dân vùng cam, đỏ được xét nghiệm kháng nguyên nhanh mẫu đơn.
Thành phố trải qua 90 ngày giãn cách xã hội theo nhiều mức độ nâng dần kể từ 31/5. Từ 27/4 đến sáng 28/8, địa phương ghi nhận hơn 199.000 ca nhiễm.
Thu Hằng