Xếp hàng mua Vàng: Cả một dân tộc “đầu cơ”!
Người dân đã xếp hàng mua vàng bình ổn được hơn một tuần, bất kể giá vàng đã giảm mạnh. Và dòng người xếp hàng qua mỗi ngày vẫn chưa hề có xu hướng giảm giống giá vàng. Hiện tượng này cho thấy một tâm lý rất bất ổn trong nhu cầu vàng của thị trường.
Chúng ta cần nhìn nhận nỗ lực rất lớn của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành giá vàng thời gian qua, từ việc tổ chức đầu thầu vàng, thanh kiểm tra các doanh nghiệp trong lĩnh vực vàng cho tới cả tuần qua là trực tiếp bán vàng cho người dân. Bất chấp giá vàng đã được đưa một mạch từ trên 90 triệu đồng về dưới 78 triệu đồng mỗi lượng, thì dòng người vẫn tấp nập xếp hàng kia là một chỉ dấu cực kỳ rủi ro.
Việc kéo giá vàng trong nước gần hơn với giá vàng quốc tế có thể được xem là một thành công, nhưng thành công này phải đánh đổi bằng việc thị trường lưu thông nhiều vàng hơn, người dân sở hữu nhiều vàng hơn, và tương lai, xu hướng chờ giá vàng lên cao tiếp tục quay lại đè nặng các chính sách về vàng.
Ở một khía cạnh khác, việc thổi bay giá vàng qua 9 phiên của NHNN vô tình lại tạo thêm sức hút khó cưỡng của thị trường vàng. Và những người đang xếp hàng mua vàng kia là đại diện cho những người tin tưởng và đặt cược vào thị trường vàng trong tương lai.
Tại sao lại thêm sức hút? Nếu có một khảo sát những người đang xếp hàng kia, tôi tin chắc gần 50% họ là những người đã chốt lời khi vàng vượt mốc 90, và giờ họ chỉ đang đơn giản là chốt lời thêm lần nữa khi mua vào mốc 78. Như vậy, việc NHNN ra sức kéo giảm giá vàng đã vô tình cụ thể hóa lợi nhuận của một số nhà đầu tư trên thị trường, trong thời gian rất ngắn.
Còn 50% còn lại, họ là những người nghĩ rằng mình đã “lỡ đò” khi giá vàng vượt mốc 90 nhưng lại không sở hữu bất kỳ vàng nào trong tay, thì ngay lúc này lại chính là cơ hội để họ nhận được “vé vớt” đối với thị trường vàng.
Nếu nhìn lại những dòng tôi vừa viết, không biết người đọc có thấy cảm giác quen quen không? Vâng, đây chính là cảm xúc FOMO trong đầu tư mà chúng ta được giới thiệu rất nhiều trên các hội nhóm đầu cơ tiền ảo, chứng khoán, nhà đất…
Chỉ khác chăng việc đang xảy ra là có thật và đang hiện hữu, và cũng chẳng ai giới thiệu mà chính tâm lý người dân đối với vàng hiện nay thể hiện một tâm lý đầu cơ cực kỳ độc hại của người dân.
Tiếc thay hiện trạng đầu cơ này thực tế lại đang mang lại lợi nhuận hiện hữu trên thị trường. Và nó lại càng khiến cho tâm lý đầu cơ như được tưới thêm nguồn nước mát, ngày càng nở rộ.
Việc nhiều chuyên gia thảo luận, đưa ra nhiều đề xuất để quản lý thị trường vàng. Nào là hạn chế mua bán, đánh thuế, thị trường vàng ảo… theo cá nhân tôi đều không phải giải pháp triệt để, vì như đã phân tích, thị trường bất ổn đến từ xu hướng đầu cơ độc hại, chứ không phải từ thị trường cung cầu. Đây là câu chuyện đã từng ghi nhận trên thị trường bất động sản, chứng khoán, tiền ảo chứ không phải là vấn đề xa lạ.
Từ đó, để giải quyết triệt để tình trạng trên, theo tôi, cần đi vào gốc rễ của vấn đề “đầu cơ”, phải chuyển biến xu hướng của người dân từ đầu cơ sang đầu tư thực thụ, như vậy mới là giải pháp bền vững nhằm ổn định thị trường, không chỉ là thị trường vàng mà là tất cả các thị trường khác.
Việc triệt tiêu tình trạng đầu cơ trên thị trường vàng theo tôi là không quá khó đối với các công cụ mà nhà điều hành đang nắm giữ. Bên cạnh việc giảm tính hấp dẫn của thị trường trong qua cán cân cung cầu, mà ở đây Nhà nước với nguồn lực khổng lồ có thể giữ thị trường đi ngang trong dài hạn, từ đó không còn ai kiếm lợi được trên thị trường thì tất nhiên sẽ triệt tiêu được tính hấp dẫn của thị trường, triệt tiêu được nạn đầu cơ. Bên cạnh đó là cần khẩn trương thực hiện chiến lược “tìm và diệt” các cá mập thao túng trên thị trường vàng.
Xa hơn là việc chuyển đổi tâm lý người dân từ đầu cơ sang đầu tư, đây là một bài toán cực khó nhưng chỉ cần quyết tâm thì tôi tin chắc sẽ thực hiện được. Và khi thực hiện được thì tất cả các thị trường sẽ được bình ổn và lành mạnh hơn rất nhiều.
Thành An