+
Aa
-
like
comment

Xem xét cơ chế phụ cấp mới cho nhân viên y tế chống dịch

09/09/2021 21:17

Bộ Y tế ngày 9/9 trình Chính phủ xem xét thông qua chế độ phụ cấp đặc thù chuyên môn, chế độ ăn và sinh hoạt đối với lực lượng y tế.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch, luôn được quan tâm. Tuy nhiên, lực lượng y tế gặp không ít khó khăn, phải chịu sự hy sinh, mất mát, đối mặt với các nguy cơ đe dọa sức khỏe và tính mạng.

Bộ Y tế đã trình Chính phủ xem xét và thông qua các cơ chế chính sách trong phòng, chống dịch. Đặc biệt là chế độ phụ cấp cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch nói chung; phụ cấp đặc thù chuyên môn cùng chế độ ăn và sinh hoạt đối với lực lượng y tế.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ cơ chế phụ cấp mới được Bộ Y tế đề nghị Chính phủ xem xét, là như thế nào.

Chính sách phụ cấp cho lực lượng tham gia chống dịch hiện nay thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế ngày 7/8. Một số địa phương có thể áp dụng chính sách phụ cấp riêng, tùy đặc thù.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người được hưởng phụ cấp gồm: học sinh, sinh viên, học viên đại học, cao đẳng, trung cấp khối ngành sức khỏe, tình nguyện tham gia chống dịch tại các tỉnh, thành; người có chuyên môn y tế không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tình nguyện tham gia chống dịch.

Mức phụ cấp 300.000 đồng/người/ngày áp dụng với người đi giám sát, điều tra, truy vết dịch; trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19.

Người vận chuyển bệnh nhân, bệnh phẩm; giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà… được phụ cấp 200.000 đồng/người/ngày.

Tình nguyện viên được hưởng phụ cấp 120.000 đồng/người/ngày gồm tiền ăn và chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Tất cả tình nguyện viên được xét nghiệm sàng lọc trước khi đi chống dịch, do ngân sách nhà nước chi trả. Người hưởng nhiều mức phụ cấp thì sẽ tính theo mức cao nhất.

Cán bộ, công chức bệnh viện công lập tham gia chống dịch được hưởng phụ cấp tương ứng với các mức từ 150.000 đến 300.000 đồng.

Một nhân viên y tế tại Bắc Giang kiệt sức khi tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh:Xuân Thắng
Một nhân viên y tế tại Bắc Giang kiệt sức khi tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm, tháng 6. Ảnh: Xuân Thắng

Thực tế, nhân viên y tế chống dịch hiện nay thu nhập chỉ vài triệu đồng một tháng. Thời gian qua đã có những mất mát với y bác sĩ tuyến đầu. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn trong công văn gửi lãnh đạo TP HCM ngày 7/9 cũng ghi nhận trung bình một bác sĩ, điều dưỡng đang chăm sóc 140-150 bệnh nhân Covid-19, trong khi suất ăn 120.000 đồng một ngày, áp lực công việc nhiều, nhân sự thiếu, nguy cơ lây nhiễm thường trực…

Hôm 6/9, Bộ Y tế bày tỏ lo ngại y bác sĩ nghỉ việc, gửi công văn đến các địa phương đề nghị bố trí nhân lực đảm bảo khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid và không Covid; khen thưởng y bác sĩ kịp thời; có cơ chế xử lý, thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với nhân viên y tế tự ý bỏ việc, bỏ nhiệm vụ. Nội dung thứ ba này gây nhiều ý kiến trái chiều, trong bối cảnh dịch bùng phát, đội ngũ y tế chịu nhiều áp lực về công việc, cuộc sống, thu nhập…

Tại họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP HCM chiều 9/9, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn giải thích “không phải Bộ Y tế mong muốn đặt ra một hình thức kỷ luật”. Thứ trưởng cho biết, thời gian qua, một số đơn vị y tế trên cả nước có hiện tượng từ chối nhận bệnh nhân, dẫn đến những tổn thất về sinh mạng. Bên cạnh đó, trước tình hình dịch phức tạp, các ca diễn biến nặng tăng, số ca tử vong nhiều, thời gian đầu có những y, bác sĩ vì áp lực tâm lý mà không chịu nổi, tự ý bỏ việc nên Bộ Y tế muốn chấn chỉnh.

“Trong trận chiến, có những chiến sĩ tuyến đầu hết sức dũng cảm, nhưng cũng có người quay đầu. Bộ Y tế mong muốn toàn bộ lực lượng ngành y cùng chung tay vượt qua. Mong đồng nghiệp thấu hiểu tinh thần này để cùng nhau chung tay chống đại dịch”, ông Sơn nói.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn tại buổi họp báo. Ảnh: Hữu Công
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn tại buổi họp báo. Ảnh: Hữu Công

Hiện tình hình Covid-19 ở TP HCM vẫn phức tạp, khó lường. Lực lượng y tế đã huy động gần 20.000 cán bộ, nhân viên y tế trong giai đoạn đầu dịch, tuy nhiên, nguồn lực này không đủ đáp ứng trong bối cảnh số lượng F0 ngày càng tăng trong giai đoạn gần đây.

Trước bối cảnh đó, Bộ Y tế đã huy động các lực lượng y tế từ Trung ương, các địa phương và lực lượng tư nhân tham gia chống dịch cùng TP HCM trong hơn 100 ngày qua. Gần 6.700 nhân lực hỗ trợ đã được phân chia công việc tại các tầng điều trị của thành phố, bệnh viện dã chiến, công tác xét nghiệm, tiêm chủng vaccine Covid-19.

Ngay từ những ngày đầu vào TP HCM chi viện, các lực lượng y tế đã nhận được sự quan tâm chi tiết đến chỗ ăn, chỗ ngủ, các điều kiện sinh hoạt khác. “Không có lý do nào để nói lực lượng y tế chưa được quan tâm, xảy ra tình trạng thiếu thốn”, theo Thứ trưởng.

Ông đánh giá, trong quá trình làm nhiệm vụ, các “chiến sĩ áo trắng” ngoài việc chịu sự điều động còn là tâm huyết, sự tự nguyện chung tay cùng người dân thành phố vượt qua đại dịch. Dù còn những khó khăn bước đầu như khẩu vị, điều kiện sống, những điều đó không thể làm nản lòng các y, bác sĩ. Cũng không có chuyện lực lượng y tế chi viện từ các tỉnh thành rút khỏi TP HCM. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo tất cả lực lượng đang hỗ trợ TP HCM chống dịch cần tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

“Từ nay đến ngày 15/9, chúng tôi chưa có kế hoạch rút bất kỳ ai khỏi bất kỳ vị trí nào khỏi địa bàn TP HCM“, thứ trưởng Sơn nói và cho biết trong trường hợp có đơn vị rút quân số khỏi TP HCM phải tính toán chuyển nhân lực thay thế và chuẩn bị trước gối đầu.

“Mong người dân yên tâm, lực lượng hỗ trợ đã làm và sẽ làm hết trách nhiệm của mình, tất cả vì mục tiêu thiêng liêng là đẩy lùi được đại dịch khỏi TP HCM”, ông Sơn nói.

Lê Nga – Hữu Công

Bài mới
Đọc nhiều