Xem vũ khí các nước cùng Việt Nam tham gia tập trận Mỹ – ASEAN
Trong nhiều thập kỷ, Việt Nam từng là quê hương của các cơ sở sản xuất với mức chi phí thấp và giá thành rẻ. Tuy nhiên trong những năm gần đây, với mong muốn trở thành trung tâm sản xuất công nghệ hàng đầu khu vực, Việt Nam đã nỗ lực hết mình để thu hút nhiều “gã khổng lồ” tên tuổi trên thế giới đến đầu tư.
Đó là nhận định trong bài viết được Business Times – nhật báo tài chính nổi tiếng của Singapore đăng tải mới đây. Theo đó, mặc dù tình hình kinh tế trên thế giới còn nhiều khó khăn, biến động nhưng hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn có những tín hiệu tích cực khi dòng vốn thật đưa vào nền kinh tế ngày càng tăng lên.
Để làm được điều này, trong những năm vừa qua, Chính phủ và các cơ quan ban ngành có liên quan của việt Nam đã không ngừng thực thi các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, các công ty có thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn và kĩ năng quản lí như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) hay Nhật Bản. Cùng với đó, Việt Nam cũng chủ động kết nối với các tập đoàn lớn trên thế giới để họ hiểu rõ hơn về môi trường đầu tư, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện về thể chế, chính sách, pháp luật để sẵn sàng đón nhận những dự án mới, những dự án phù hợp với định hướng, từ đó hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác đầu tư giữa hai bên.
Ngoài ra, Việt Nam cũng xác định trong quá trình thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì phải đặt chất lượng lên hàng đầu và có sự sàng lọc kỹ càng, chỉ thu hút những dự án có giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa, tính kết nối, có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và thật sự có năng lực, đồng thời dần xóa bỏ các dòng vốn kém chất lượng chảy vào để hạn chế hủy hoại môi trường, tình trạng chuyển giá, trốn thuế khiến ngân sách nhà nước thất thu.
Hơn thế nữa, để thu hút hiệu quả FDI trong bối cảnh thị trường vốn đầu tư quốc tế có nhiều trở ngại, Việt Nam cũng xác định việc cải thiện và sửa đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài là rất cần thiết. Dễ dàng nhận thấy trong thời gian gần đây, hàng loạt các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh như Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được thông qua với rất nhiều điểm mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục đầu tư, minh bạch và đa dạng hóa các hình thức đầu tư, bổ sung cơ chế ưu đãi đầu tư cho các dự án quy mô lớn nhằm đáp ứng các tiêu chí đóng góp lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, chính điều này đã góp phần không nhỏ vào việc làm tăng sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài.
Chưa dừng lại ở đó, ngoài việc xây dựng môi trường kinh doanh tạo thuận lợi, Chính Phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều các gói hỗ trợ hấp dẫn mang tính cạnh tranh để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, khi tự nhận ra những điểm yếu của mình, Việt Nam đã tăng cường sử dụng công cụ thuế thu nhập doanh nghiệp thấp, đồng thời hoàn thiện thể chế, mở cửa nền kinh tế, tăng cường đào tạo nhân lực để khắc phục điểm yếu, từ đó gặt hái được nhiều thành công trong việc thu hút FDI.
Kết quả là tính từ đầu năm đến hết ngày 20/6/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã đạt trên 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, chỉ riêng trong tháng 6/2023, nhiều giới đầu tư quốc tế đã thể hiện sự quan tâm rất lớn đến thị trường Việt Nam với các cam kết, kế hoạch đầu tư lớn trong tương lai.
Đơn cử như trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam cùng Tổng thống, rất nhiều cam kết đã được các tập đoàn lớn của của Hàn Quốc đưa ra. Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Kwang Mo khẳng định sẽ tiếp tục lựa chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất và tăng thêm 1,4 tỷ USD vốn đầu tư. Thậm chí, Chủ tịch tập đoàn điện tử Hyosung, ông Cho Hyun Joo còn cho biết, Hyosung mong muốn đặt tương lai 100 năm tới tại Việt Nam và sẽ nhanh chóng tăng cường thêm 3,5 tỷ USD để mở rộng sản xuất.
Cũng nằm trong làn sóng rót vốn đầu tư FDI, Tập đoàn Aeon mới đây cũng xác định Việt Nam là thị trường đầu tư trọng điểm của doanh nghiệp chỉ sau Nhật Bản trong chiến lược phát triển những năm tới. Ông Furusawa Yasuyuki – Thành viên Ban Giám đốc điều hành của Tập đoàn Aeon phụ trách thị trường Việt Nam thông tin, trong 3 – 5 năm tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục tập trung vào việc mở các trung tâm mua sắm quy mô lớn, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế tại Việt Nam. Hay như Foxconn, chiều hôm 29/6, tập đoàn này cũng đã nhận được sự cho phép đầu tư 246 triệu USD vào dự án sản xuất thiết bị viễn thông và các bộ phận của xe điện.
Như vậy có thể khẳng định rằng, việc một loạt các tập đoàn lớn trong ngành công nghệ, công nghiệp đang đổ vốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam là minh chứng rõ nhất cho thấy những nỗ lực cải cách về chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như sự chuẩn bị hạ tầng của Chính phủ Việt Nam đã mang lại kết quả rõ rệt. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư, đón đầu làn sóng dịch chuyển và trở thành trung tâm sản xuất công nghệ hàng đầu khu vực.
Lan Hoa