+
Aa
-
like
comment

Xe tăng tiến vào miền Đông Ukraine sau tuyên bố của Tổng thống Putin

22/02/2022 10:14

Sáng 22.2, Các phương tiện quân sự, bao gồm cả xe tăng, tại khu vực ly khai Donetsk ở miền Đông Ukraine, vài giờ sau khi Nga công nhận độc lập khu vực này, theo nhân chứng.

Xe tăng xuất hiện ở miền Đông Ukraine - ảnh 1
Các quân nhân Nga lái xe tăng trong cuộc tập trận ở vùng Leningrad, Nga vào ngày 14.2.

Reuters dẫn lời nhân chứng cho biết người này đã nhìn thấy các phương tiện quân sự, có cả xe tăng, vào sáng sớm ngày 22.2 ở ngoại ô thành phố Donetsk – thủ phủ của một trong hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine.

Theo phóng viên Reuters, khoảng năm chiếc xe tăng đã xuất hiện ở ngoại ô thành phố Donetsk. Tại một khu vực khác của Donetsk, hai chiếc xe tăng cũng xuất hiện trên đường.

Phóng viên không nhìn thấy phù hiệu trên những chiếc xe tăng này. Tuy nhiên, chúng xuất hiện chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine là cộng hòa độc lập, ký hiệp ước hữu nghị với hai khu vực trên và ra lệnh cho quân đội Nga triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình tại đây. Những ngày trước đó, các phóng viên Reuters ở Donetsk không nhìn thấy xe tăng chạy trên đường phố.

Theo đó, 5 xe tăng di chuyển theo đội hình ở ngoại ô, trong khi hai xe xuất hiện ở nơi khác trong thành phố. Tất cả xe tăng đều không có phù hiệu hoặc dấu hiệu nhận diện đơn vị. Đây là lần đầu tiên xe tăng xuất hiện trên đường phố Donetsk trong thời gian dài.

Lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine sở hữu khoảng hơn 80 xe tăng chiến đấu chủ lực T-64 và T-72, cùng hơn 130 xe chiến đấu bộ binh BMP và BMD thu được từ kho vũ khí của quân đội chính phủ trong những năm qua.

Theo hai hiệp ước hữu nghị giống hệt nhau mà Tổng thống Putin ký với lãnh đạo của các khu vực ly khai, Nga có quyền xây dựng căn cứ quân sự tại những nơi này và ngược lại, họ cũng có thể làm điều tương tự ở Nga. Hiệp ước đã được ông Putin đệ trình lên cho quốc hội phê chuẩn.

Xe tăng của lực lượng ly khai ở ngoại ô thành phố Donetsk hồi năm 2015. Ảnh: Reuters.

Trong hiệp ước gồm 31 điểm, các bên cam kết bảo vệ lẫn nhau. Hai khu vực ly khai cũng ký các thỏa thuận riêng biệt về hợp tác quân sự và công nhận biên giới của nhau với Nga.

Reuters nhận định vấn đề biên giới này có ý nghĩa quan trọng vì phe ly khai tuyên bố chủ quyền với một số khu vực hiện nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Ukraine. Vào tháng trước, Reuters dẫn lời một thành viên quốc hội Nga và cựu lãnh đạo chính trị Donetsk cho biết phe ly khai sẽ tìm đến Nga để giúp họ giành quyền kiểm soát các khu vực này.

Trong hiệp ước, Nga và các khu vực ly khai cũng tuyên bố sẽ hợp tác để hội nhập kinh tế. Hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine từng là những vùng công nghiệp và đang cần được hỗ trợ để tái thiết sau tám năm xung đột với lực lượng chính phủ Ukraine.

Các hiệp ước này sẽ có thời hạn 10 năm và sẽ tự động được gia hạn thêm 5 năm, trừ khi một trong các bên đưa ra thông báo rút lại.

Khu vực Dobass và bán đảo Crimea.

Mỹ và các đồng minh đã phản ứng dữ dội trước hành động của Nga

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án quyết định của người đồng cấp Nga khi điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymr Zelensky. Ông cũng thảo luận “biện pháp phối hợp phản ứng” với Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức.

Biden dự kiến ký sắc lệnh cấm công dân Mỹ đầu tư hoặc làm ăn với hai vùng ly khai, cũng như áp đặt cấm vận nhằm vào “bất kỳ cá nhân nào được xác định hoạt động tại những khu vực này của Ukraine”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cáo buộc Moskva tiếp tục leo thang căng thẳng ở miền đông Ukraine và “tìm cách dàn dựng lý do” để tấn công nước láng giềng.

Donetsk và Lugansk nằm ở vùng Donbass phía đông Ukraine, trở thành điểm nóng giao tranh từ năm 2014, sau khi người dân ở đây đòi tăng quyền tự trị bất thành và tổ chức phong trào phản kháng vũ trang. Chính phủ Ukraine hai lần phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giành lại quyền kiểm soát Donbass nhưng đều không thành công.

(Theo Reuters)

Bài mới
Đọc nhiều