+
Aa
-
like
comment

Xe ô tô trong nước tiếp tục được giảm 50% phí trước bạ đến tháng 6/2021

25/11/2020 08:48

Bộ Tài chính vừa đề xuất Thủ tướng, các bộ, ngành liên quan về việc tiếp tục cho gia hạn 6 tháng đối với các khoản phí, lệ phí, đặc biệt có phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước.

Trong đề xuất gia hạn thêm 6 tháng cho các khoản phí, lệ phí nêu trên, hầu hết  đã được Bộ Tài chính ban hành bằng các Quyết định, Thông tư về việc điều chỉnh giảm tại 21 Thông tư ban hành trong thời gian giữa hoặc cuối năm 2020, khi doanh nghiệp, thị trường bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19.

Trước đó, ngày 28-6, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban Nghị định 70/2020/NĐ-CP về miễn giảm 50% phí trước bạ đối với người mua xe hơi lắp ráp, sản xuất trong nước từ tháng 6/2020 đến hết 31/12/2020, sau đó Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách này.

Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng, các bộ ngành liên quan cho phép gia hạn một số loại thuế phí đến tháng 6 năm 2021.
Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng, các bộ ngành liên quan cho phép gia hạn một số loại thuế phí đến tháng 6 năm 2021.

Song song với việc giảm phí trước bạ 50% đối với ô tô, trong năm 2020, Bộ Tài chính còn ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn việc giảm, gia hạn, miễn thuế đối với thủ tục lập doanh nghiệp, phí bến bãi hàng không, doanh nghiệp vận tải, miễn lệ phí năm đầu đối với doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập mới hay giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng; giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng…

Theo nhận định của Bộ Tài chính, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, dự báo kinh tế thế giới trong năm 2021 tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, làm suy giảm dòng vốn đầu tư, thương mại, nguồn nhân lực, các kết nối cung ứng và ảnh hưởng lớn đến tâm lý người tiêu dùng.

“Xu thế cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gay gắt, cản trở sự phục hồi thương mại, đầu tư toàn cầu. Điều kiện kinh tế – xã hội trong nước hiện còn nhiều khó khăn, một số lĩnh vực vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 như: du lịch, hàng không”, Bộ Tài chính cho biết.

Hiện thị trường xe hơi Việt đã phục hồi bước đầu, các hãng xe trong nước đã tăng dần doanh số sản xuất và lượng bán xe ra thị trường. Tuy nhiên, việc phục hồi 100% vẫn khó khăn do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, trong khi tăng trưởng kinh tế thấp và thu nhập của đại bộ phận người dân giảm sút.

Thống kê mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tỷ lệ xe tiêu thụ tháng 10 năm 2020 đã tăng mạnh lên hơn 10.000 chiếc so với tháng 9 trước đó. Tuy nhiên, lũy kế đến hết tháng 10, tổng lượng xe bán ra của các hãng trong VAMA chỉ đạt hơn 212.400 chiếc, giảm hơn 47.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước, trong đó xe lắp ráp, sản xuất trong nước là 155.000 chiếc.

Xét về tổng lượng xe bán ra toàn thị trường tính cả VinFast, Thành Công và các doanh nghiệp thuộc VAMA, sức tiêu thụ xe hơi tại Việt Nam đến nay ước đạt khoảng 270.000 chiếc, vẫn thấp hơn hàng chục nghìn chiếc so với tổng lượng xe bán ra cùng kỳ năm 2019.

Nếu chính sách giảm phí trước bạ được tiếp tục gia hạn, người tiêu dùng có thể được hưởng lợi khi mua xe trong nước lắp ráp, sản xuất
Nếu chính sách giảm phí trước bạ được tiếp tục gia hạn, người tiêu dùng có thể được hưởng lợi khi mua xe trong nước lắp ráp, sản xuất

Việc phí trước bạ được giảm từ 10% và riêng Hà Nội là 12% xuống mức 5-6% đã giúp người mua xe tiết kiệm từ vài chục triệu cho đến cả trăm triệu đồng/chiếc xe, điều này tạo cơ hội để giúp tăng doanh số bán xe, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để xóa nhòa khoảng cách, rất nhiều hãng xe nhập (đối tượng không được giảm phí trước bạ) đã và đang giảm trực tiếp tiền mặt hoặc có chính sách giảm 50% hoặc khuyến mãi 100% phí trước bạ cho người mua xe. Việc này khiến thị trường xe hơi đang có sự cạnh tranh quyết liệt về giá lăn bánh giữa các hãng xe với nhau.

Ngoài các chính sách thúc đẩy trực tiếp vào doanh số và người mua xe hơi, năm 2020, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách có lợi cho ngành xe hơi, trong đó phải kể đến Nghị định 57/2020/NĐ-CP về miễn giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện xe hơi cho doanh nghiệp xe hơi trong nước đủ điều kiện. Đây là chính sách tốt, giúp lôi kéo nhiều ông lớn tăng cường lắp ráp, sản xuất hoặc quay trở lại Việt Nam.

Ngoài ra, Chính phủ đã và đang thúc Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng chính sách, ban hành ưu đãi cắt giảm hoặc miễn Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô theo hướng, xe dung tích thấp, thân thiện môi trường, có tỷ lệ nội địa hóa cao, do doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam sẽ được giảm thuế suất Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Động thái này được giới doanh nghiệp, chuyên gia và người dân hưởng ứng và mong đợi đưa ra và thực thi sớm bởi lộ trình bỏ thuế xe nhập theo các Hiệp định thương mại tự do song và đa phương mà Việt Nam tham gia như CPTPP, EVFTA đang ngày càng đến gần, chỉ trong 9-10 năm tới, xe không thuế từ EU, Nhật, Úc, Trung Quốc có thể vào Việt Nam với mức giá rẻ, gây khó khăn cho doanh nghiệp xe hơi trong nước.

Bài mới
Đọc nhiều