+
Aa
-
like
comment

Xe nhập rục rịch chuyển về VN lắp ráp để hưởng ưu đãi

29/06/2020 06:45

Phí trước bạ giảm 50% giúp người mua xe hưởng lợi tiết kiệm được hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Để được hưởng ưu đãi giảm 50% phí trước bạ và miễn thuế nhập khẩu linh kiện, nhiều hãng xe đang nhanh chân chuyển từ nhập khẩu nguyên chiếc sang sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.

Xe “ngoại” chuyển hướng

Xe nhập rục rịch chuyển về VN lắp ráp để hưởng ưu đãi
Mẫu xe Mitsubishi Xpander hiện đang nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia lên kế hoạch chuyển về Việt Nam lắp ráp. Ảnh: QH

Ngày 28-6, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21-2-2019. Như vậy, kể từ ngày 28-6 đến hết năm 2020, ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50% lệ phí trước bạ.

Để đón cơ hội giảm trước bạ, thay vì nhập nguyên chiếc, nhiều mẫu xe hút khách đã chuyển sang lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam để kịp hưởng ưu đãi này.

Mẫu xe nhập khẩu từ Xpander bán chạy thời gian qua của hãng xe Mitsubishi đã chuyển dần sang sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Thông tin bước đầu Xpander sẽ chỉ có phiên bản số tự động sẽ được lắp ráp tại nhà máy ở Bình Dương, còn bản số sàn vẫn sẽ tiếp tục nhập khẩu từ Indonesia.

Doanh số bán hàng của mẫu xe này khá ấn tượng, luôn lọt vào top 10 xe bán chạy nhất thị trường ô tô Việt Nam mấy tháng qua nên hãng xe này mới quyết định chuyển sang sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.

Ông Đức Thịnh, đại diện đại lý kinh doanh ô tô tại TP.HCM, cho biết mẫu xe Xpander đang được phân phối tại Việt Nam với hai phiên bản là MT (số sàn) và AT (số tự động), giá bán lần lượt tương ứng 550-620 triệu đồng. Với mức phí trước bạ 10%, người mua xe này phải đóng thêm 55-62 triệu đồng.

Nhưng nếu lắp ráp tại Việt Nam, mẫu xe này sẽ được hưởng ưu đãi giảm 50% phí trước bạ. Theo ông Thịnh, người mua sẽ tiết kiệm được hơn 30 triệu đồng phí trước bạ khi mua mẫu xe này.

“Ngoài ra, xe lắp ráp trong nước còn được hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu linh kiện. Khi đó, chi phí sản xuất lắp ráp có thể giảm, giá thành của các xe này xuất xưởng tại Việt Nam có thể thấp hơn so với nhập khẩu từ Indonesia” – ông Thịnh nói.

Ngoài Xpander, mẫu xe Honda CR-V cũng đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng từ Cục Đăng kiểm Việt Nam. Các đại lý ô tô đang tung ra các chính sách khuyến mãi, giảm giá nhằm gấp rút xả hàng lô xe Honda CR-V nhập khẩu để tiến hành chuẩn bị bán CR-V lắp ráp trong nước.

Với giá bán của Honda CR-V 2020 được cho sẽ lắp ráp tại Việt Nam chưa được công bố nhưng dự kiến có thể không dưới 1 tỉ đồng, phí trước bạ người mua phải đóng hơn 100 triệu đồng. Với việc đổi sang lắp ráp trong nước, mua Honda CR-V 2020 sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm được hơn 50-60 triệu đồng.

Trong tháng 5 vừa qua, Honda CR-V ghi nhận doanh số cao kỷ lục từ đầu năm tới nay. Nếu chuyển sang sản xuất, lắp ráp trong nước, mẫu xe này thực sự là đối thủ đáng gờm đối với các mẫu xe cùng phân khúc.

Xe nhập rục rịch chuyển về VN lắp ráp để hưởng ưu đãi - ảnh 1
Người mua xe được hưởng lợi khi các mẫu xe nhập khẩu bán chạy chuyển sang Việt Nam lắp ráp được giảm 50% phí trước bạ. Ảnh: QH

Người mua xe phải được hưởng lợi

Nhiều ý kiến lo ngại việc Việt Nam có thể bị các hãng xe nhập khẩu nộp đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về chính sách giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ô tô, cho rằng điều đó cũng có thể xảy ra, vì việc áp dụng giảm phí trước bạ cho mỗi xe nội thì xe ngoại sẽ cho rằng đó là bảo hộ xe trong nước, cạnh tranh không lành mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Đồng, nhiều khả năng các hãng xe nhập khẩu sẽ không nộp đơn kiện vì bản thân các hãng xe này cũng có hưởng lợi khi phần lớn các hãng xe đều có vài mẫu xe đang sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Hơn nữa, chính sách này chỉ áp dụng trong năm 2020 không phải áp dụng lâu dài.

“Giảm phí trước bạ và miễn thuế nhập khẩu linh kiện là chính sách đúng đắn, kích cầu thị trường ô tô sau dịch. Thế nhưng cần phải có cơ quan giám sát hiệu quả của chính sách này mang lại cho người tiêu dùng thực sự” – ông Đồng chia sẻ.

Ông Bùi Xuân Trường, Giám đốc Công ty Ô tô Trường Thành, cũng cho rằng các chính sách trên sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, lắp ráp trong nước để được hưởng chính sách ưu đãi. Khi đó, sẽ góp phần tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người lao động.

Đồng thời, theo ông Trường, sẽ giúp duy trì, phát triển được ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong bối cảnh thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN đã giảm xuống 0%.

“Tuy nhiên, các hãng xe cần giám sát hoạt động bán hàng của các đại lý để khi giảm 50% phí trước bạ, người tiêu dùng được hưởng lợi thật sự. Vì khi giảm phí trước bạ nhưng một số đại lý lại cắt hết các ưu đãi, chương trình khuyến mãi thì tính ra giá xe lại không giảm bao nhiêu. Khi đó, khách hàng sẽ quay lưng lại, tác động xấu lên thị trường và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ô tô trong nước” – ông Trường chia sẻ.

Xe nhập khẩu vào Việt Nam giảm dần

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm tháng đầu năm 2020, lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu đạt gần 36.800 chiếc, giảm hơn 42% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ô tô chín chỗ ngồi trở xuống nhập vào nước ta chỉ hơn 28.500 chiếc, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước. Năm tháng đầu năm, ô tô tải nhập khẩu cũng chỉ được hơn 6.500 chiếc, giảm 54%.

Cũng theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5 cả nước chi 162 triệu USD nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô các loại, giảm 36 triệu USD so với tháng 4 trước đó.

Ngân sách “mất” 6.000 tỉ đồng vì giảm 50% phí trước bạ

Theo Bộ Tài chính, mức giảm thu phí trước bạ ô tô trong nước sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu của địa phương bởi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước thì khoản thu lệ phí trước bạ thuộc ngân sách địa phương. Theo đó, ngân sách địa phương năm 2020 ước tính sẽ giảm thu khoảng 6.000 tỉ đồng vì giảm 50% mức phí này.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng ngân sách sẽ không bị thất thu vì chính sách này sẽ góp phần làm tăng việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, có tác dụng lan tỏa sang các ngành kinh tế khác và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau dịch COVID-19.

QUANG HUY/PL

Bài mới
Đọc nhiều