+
Aa
-
like
comment

Xe điện – Cuộc nhảy cóc thần thánh

20/05/2021 17:09

Hai năm trước một người lãnh đạo của Việt Nam nói đại ý “Trung Quốc làm đường cao tốc rẻ và tốt nhất thế giới”, khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Thời gian trôi qua đã lâu, nhưng thi thoảng, trên các diễn đàn, hay cộng đồng mạng vẫn xuất hiện tấm hình của ông ấy kèm theo lời phát biểu  như một sự nhạo báng.

VinFast VF e34 ra mắt ngày 24/3 đã làm thay đổi cách nhìn nhận của người tiêu dùng về ô tô điện.

Nhưng, có một sự thật, không một người có chuyên môn cao nào nhạo báng người lãnh đạo đó cả. Họ dành nụ cười thầm cho những kẻ đang lên đồng chỉ trích. Là người đi Trung Quốc nhiều, đi gần khắp đất nước họ, ngồi trên những chiếc xe cà tàng 20 năm tuổi phóng đi êm ru trên những cao tốc xây mấy chục năm không vết gợn, bắc qua những thung lũng, xuyên qua những dãy núi, tôi không buồn cười vì câu nói của ông, mà thương cho ông nói thật mà không nói kiểu khôn lỏi.

Năm 2016, tiến sĩ Nguyễn Thế Lương là giảng viên thỉnh giảng của Đại học Nông nghiệp Nam Kinh Trung Quốc rủ tôi đi lang thang Trung Quốc một chuyến. Đến Lạng Sơn, trước khi xuất ngoại, tôi loay hoay đi tìm chỗ mua đồng nhân dân tệ, anh bảo không cần, cứ chuyển khoản một cục tiền Việt vào tài khoản của anh. Anh xòe ví, không thấy có đồng tệ nào cả.

Tôi hết sức kinh ngạc, khi đến Đông Hưng, ngồi vỉa hè ăn mấy món bình dân, như con hàu nướng giá 1,5 tệ, mua xiên thịt, chai nước lọc, ăn bát mì tính ra tiền Việt vài ngàn đến vài chục ngàn đồng, anh không một lần rút ví. Cứ ăn gì, mua gì, từ nơi cao cấp đến chỗ bình dân, thậm chí vỉa hè, khi thanh toán, chỉ cần rút điện thoại ra chụp cái “bè rau muống” hình vuông ở màn hình điện thoại của người bán hàng, “bè rau muống” ở mặt bàn, trên tường, hay treo bất cứ chỗ nào, rồi giơ điện thoại cho họ xem, gật gật xì xồ một câu là xong. Đi khắp đất nước Trung Quốc, chẳng thấy ai xòe tiền mặt.

Đến tận bây giờ, cái kiểu thanh toán dùng điện thoại chụp cái ký tự hình vuông ấy, mới lác đác có ở Việt Nam, và tôi vẫn lóng ngóng khi kê khai y tế phục vụ chống dịch Covid-19, chứ cũng chưa biết thanh toán tiền nong kiểu gì từ nó. Chả nói gì Việt Nam, đến các nước châu Âu hiện đại đi trước Việt Nam vài chục năm về công nghệ cũng còn chưa sử dụng nhiều.

Cũng từ 5 năm trước, tôi khá ngạc nhiên, khi sang Trung Quốc, không thấy có xe máy chạy ngoài đường, mặc dù, những chiếc xe máy Trung Quốc sản xuất ra tràn ngập Việt Nam, chạy khắp đường làng ngõ xóm, khắp núi cao rừng thẳm nước Việt. Nhưng, đường phố Trung Quốc thì đầy xe máy điện, xe đạp điện, ô tô điện. Thậm chí, những loại xe điện đó được vứt hàng dãy ở vỉa hè. Ai muốn có xe đi, thì rút điện thoại chụp cái “bè rau muống” là khóa mở, tự do đi. Đi xong thì đỗ vào ven đường theo quy định, tiền thuê xe sẽ được cái “bè rau muống” đó trừ từ tài khoản.

Tôi không còn ngạc nhiên nữa, khi mỗi lần quay lại Trung Quốc, thì lại thấy xe điện nhiều hơn, xe xăng ít hơn. Xe máy chạy xăng như thể bị “tuyệt chủng” cả ở nông thôn, miền núi, tỉnh xa. Tìm hiểu mới biết, chính phủ Trung Quốc đã nhận thấy việc trả giá cho môi trường là quá khủng khiếp khi công nghiệp hóa suốt mấy chục năm. Hơn nữa, xu thế công nghệ xanh là tương lai, nước nào đi tắt đón đầu, sẽ dẫn dắt thế giới là cái chắc. Họ đầu tư rất mạnh cho công nghệ, đặc biệt là hệ thống giao thông điện tử.

Chẳng cần nói thì ai cũng biết, Trung Quốc đang đứng đầu thế giới về hệ thống tàu điện siêu tốc. Trong khi chúng ta đang bàn kế hoạch đến 2050, thậm chí 2060 có đường sắt siêu tốc, thì mạng lưới tàu điện siêu tốc của Trung Quốc đã như mạng nhện khắp lục địa lớn nhất thế giới này. Họ nhanh chóng biến thành quốc gia xuất khẩu công nghệ tàu điện siêu tốc lớn nhất thế giới, mà khó quốc gia nào có thể cạnh tranh được.

Trong khi, cả thế giới lên đồng với những chiếc xe điện Tesla lừng danh thế giới, giá quá đắt, thì thế giới này đâu biết rằng, xe điện giá bình dân đã phủ khắp đất nước Trung Quốc, và có thể, trong tương lai gần, xe điện Trung Quốc sẽ phủ khắp thế giới, vì nền tảng công nghệ của họ là khổng lồ, tiền bạc của họ là vô biên và chính phủ Trung Quốc hỗ trợ một cách toàn diện cho doanh nghiệp trong nước.

Câu chuyện người châu Âu đốt các trạm phát 5G của Trung Quốc vì tin rằng nó là nguyên nhân lây lan đại dịch Covid-19 mà thấy một hội chứng tâm lý hết sức kỳ lạ của lục địa già cỗi. Khi một xã hội phát triển ở tầm rất cao, họ tự thỏa mãn với chính mình, ngủ quên trên tầng mây êm ái và họ thấy không cần phải thay đổi gì nữa. Họ không tin, hoặc không muốn tin một nền tảng xã hội thấp kém có thể vượt mặt. Nhưng, họ không biết rằng, thế giới đã thực sự rất phẳng và nhiều quốc gia có thể vượt mặt bất cứ lúc nào bằng đi tắt đón đầu.

Đất nước giàu có, trẻ trung, với những thế hệ trẻ đông đảo luôn cởi mở tiếp thu cái mới, cái sáng tạo, công nghệ, sẽ đi rất nhanh. Trung Quốc đã và sẽ tiến nhanh là vì thế.

Hai năm trước, khi ông Phạm Nhật Vượng đổ tâm huyết vào việc chế tạo ô tô, nhiều người chế nhạo. Người Nhật đã hoàn thiện chiếc ô tô từ 20 năm trước và những chiếc xe họ chế tạo ra gần như ít cần thay đổi, ít cần tiến bộ thêm. Ví như những chiếc Lexus sang trọng, đỉnh cao công nghệ xe hơi Nhật Bản, vẫn dùng máy và khung gầm từ 2004. Kỹ nghệ trên chiếc xe là hoàn hảo nên đâu cần thay đổi gì nữa? Những thương hiệu nổi tiếng thế giới đình đám hàng trăm năm, còn vật vã trả lương nhân công, nói gì đến một thương hiệu mới toe, ra đời ở một đất nước sính ngoại? Vậy sống sót ra sao, nói gì đến tồn tại, hay phát triển?

Nhưng, ít ai chú ý đến một chi tiết, đó là lời tuyên bố của ông Vượng và tập đoàn Vingroup, khi nhà máy còn chưa xây dựng, đó là họ sẽ sản xuất xe điện! Khi mà tập đoàn Tesla ở một cường quốc công nghệ và kinh tế còn đang vật lộn với xe điện, còn chịu sự chế nhạo của cộng đồng, mà một doanh nghiệp ở đất nước đang phát triển công nghệ lại tính làm xe điện, thì ai tin được. Thú thực, là khi ấy, tôi cũng không tin. Nhưng, tôi thích ông Vượng làm xe ô tô, vì những người yêu nước thực sự luôn muốn có người dám dấn thân vì Tổ quốc, dẫn dắt nền công nghiệp, công nghệ nước nhà.

Các kỹ sư đang làm việc bên trong xưởng lắp ráp tại nhà máy VinFast Hải Phòng.

Nhưng rồi, ông Vượng đã làm ra 3 chiếc xe cực kỳ đẳng cấp. Dù cả triệu tín đồ xe ngoại, thích xài thương hiệu hàng đầu có chê bai, dè bỉu, thì cũng đã phải nhìn nhận lại. Nhưng  đến lúc này, tôi mới nhớ lại tuyên bố lúc đầu, khi ông Vượng xây dựng nhà máy Vinfast, đó là sản xuất xe ô tô điện. Có lẽ, việc sản xuất những chiếc xe xăng đẹp và chất, chưa hẳn đã là mục tiêu của ông, mà nó là một sự khẳng định về niềm tin của tập đoàn với công chúng. Khi những chiếc xe chạy bằng xăng ở Việt Nam chạy đến mức quen mắt ngoài đường cũng là lúc những chiếc xe điện sẽ ra đời. Khi đó, không ai còn nghi ngờ gì về chất lượng và tương lai của những chiếc xe hiện đại hàng đầu thế giới mang thương hiệu Việt nữa.

Tôi nghĩ, ông Vượng sẽ nhìn về tương lai, nhìn vào thế hệ trẻ với tư duy mới. Thế hệ cũ, đã gắn chặt niềm tin vào những chiếc ô tô nồi đồng cối đá, chạy với tốc độ cao, phát ra tiếng nổ quyến rũ, những thương hiệu nổi tiếng và danh giá… nhưng, đâu phải thế hệ trẻ, thế hệ 2x đã nghĩ như chúng ta. Bọn trẻ học hành trong môi trường thế giới phẳng, được giáo dục yêu môi trường, yêu thiên nhiên, chúng như thể lớn lên ở một thế giới khác. Chúng sẽ chẳng quan tâm đến những chiếc xe xăng xì khói nữa. Chúng sẽ thích những chiếc xe điện êm ái, thông minh, thân thiện với môi trường. Chiếc xe sẽ chỉ còn là phương tiện.

Nhắc đến chuyện môi trường, sẽ lại có anh chị dè bỉu, rằng, pin thải ra xử lý ở đâu, những cái pin khổng lồ khác gì những hộp thuốc độc?

Tôi chợt nhớ đến anh bạn đại gia, năm ngoái mua chiếc Tesla mấy tỷ. Anh có bộ sưu tập xe, mua thêm chiếc xe điện của Mỹ cho lạ mắt, chứ đâu có nhu cầu gì. Vài tháng, anh lôi chiếc xe ra dạo một tẹo, rồi cất kho. Mới đây, cỡ nửa năm, anh lôi chiếc xe ra chạy, thì pin hỏng. Đồ điện để lâu không dùng là hỏng. Xe vứt xó. Cả nước Việt này chẳng có ai sửa được cục pin khổng lồ đó cả. Đúng là nguy hại thật.

Nhưng, VinsFast đã rất sáng tạo khi xử lý vấn đề này, khi tập đoàn không bán pin để ăn đứt bán đoạn, mà cho người tiêu dùng thuê pin. Pin là thứ gần như đắt nhất của xe, lại có thể “đột tử” bất cứ lúc nào với nhiều nguyên nhân, nên mua xe điện là rất ngán ngại với cái pin. Tuy nhiên, khi thuê pin thì người tiêu dùng không chỉ tiết kiệm khoản tiền lớn, mà đã đẩy toàn bộ rủi ro về phía hãng xe. Những chiếc pin lỗi, tích điện kém, thay vì thải ra môi trường, sẽ được nhà máy thu lại, tái chế, sử dụng tiếp. Sự sáng tạo này, đã giải quyết mọi nhẽ.

Khi thế hệ khách hàng tiềm năng của xe điện còn đang ngồi trên ghế nhà trường, chưa có tiền mua xe, chưa có bằng lái, thì cũng đã có cả chục ngàn khách đăng ký mua xe điện của VinsFast chỉ sau vài ngày mở bán. Một kỷ lục mà không có hãng xe nào làm được ở Việt Nam. Có thể nhận thấy, tư duy người Việt Nam vẫn rất mở, tiếp thu cái mới rất nhanh chóng. Đây là điều hết sức thú vị và tràn đầy hy vọng cho đất nước.

Hai năm trước, khi VinFast xây dựng nhà máy, tôi đã mơ về một nền công nghiệp công nghệ hình thành trong tương lai, nhưng giờ, tôi có quyền mơ về một nền công nghệ điện tử đầy chất viễn tưởng ở đất nước này. Đất nước rất cần những tư duy đột phá, đi trước thời đại của ông Vượng. Có nhiều thêm những ông Vượng ở những lĩnh vực khác nữa, thì thật hạnh phúc.

Tôi rất mong chờ đến ngày những chiếc xe điện VinFast lăn bánh trên đường, nhưng tôi mong chờ hơn những quyết sách của Chính phủ, của những người đứng đầu đất nước. Chính phủ Trung Quốc dồn toàn lực hỗ trợ, tạo điều kiện tối ưu cho doanh nghiệp sáng tạo, tiên phong, đặc biệt là tàu điện, xe điện. Họ chịu lỗ một cách khủng khiếp để đánh đổi. Những chiếc bốn bánh “VinFast xanh” phải chịu thuế phí, gồm cả thuế phí môi trường như những chiếc xe xăng, xe dầu ngày ngày đốt nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường là hết sức vô lý. Người tiêu dùng phải nộp các loại thuế phí kiểu như trước bạ cho những chiếc xe kiểu này, cũng lạc hậu về tư duy lắm rồi.

Nền công nghiệp công nghệ xanh, mà bắt đầu từ những chiếc xe máy điện, ô tô điện là khởi đầu của một tư duy mới đưa con người đến một thế giới mới.

Phạm Dương Ngọc

* Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả 

Bài mới
Đọc nhiều