+
Aa
-
like
comment

Xe công làm việc tư là chuyện thường ở ‘huyện’

24/07/2019 17:54

Sử dụng tài sản công vào mục đích cá nhân nói chung, hay sử dụng xe công để “đi chơi” nói riêng từ lâu đã trở thành một “căn bệnh” của nhiều cán bộ. Nói hoài, nói mãi, biết bao lần kiểm điểm nhưng dường như mọi thứ cũng chỉ là “nước đổ lá khoai”, không hề biết sợ! 

Đoàn xe đi ăn tiệc do Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng tổ chức

Tuần qua, dư luận quan tâm đến vụ việc bà Hồ Thị Cẩm Đào – Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng 4 lần tổ chức tiệc cưới của con trai để đãi khách. Trong đó có 3 lần tổ chức tiệc tại nhà riêng ở khu dân cư Đại Thành (thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) và một lần tại nhà hàng lớn nhất tỉnh Sóc Trăng với khoảng 80 bàn.

Gạt đi việc bà Đào tổ chức đám cưới một cách xa xỉ, thiếu tinh thần tiết kiệm theo các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng. Dư luận cũng tiếp tục phát hiện thêm nhiều chiếc xe công biển xanh đỏ bên ngoài đám cưới…

Sáng 22/7, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã chỉ đạo các đơn vị và cá nhân liên quan khẩn trương báo cáo giải trình về vụ việc gây xôn xao, bức xúc trong dư luận này.

Chuyện nhỏ 

Hết lần này đến lần khác, cán bộ, công chức sử dụng xe công như phương tiện cá nhân của bản thân họ bất chấp các cơ chế xử lý được đặt ra. Bởi vì sao?

Kỷ luật Đảng, pháp luật đều có quy định các hình thức xử lý đối với hành vi sử dụng phương tiện công vào mục đích cá nhân, từ mức độ nhẹ là khiển trách đến nghiêm trọng hơn là cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc. Thế nhưng, suốt những năm qua, chẳng hề có trường hợp nào sử dụng xe công mà bị cách chức hay thôi đâu.

Sau mỗi lần dư luận phát giác xe công bị lạm dụng, các cán bộ giải trình với đủ lý do và cuối cùng thì người ta cũng chỉ thấy sự khiển trách hay cao hơn là cảnh cáo. Chưa kể đến việc, xe đi thì nhiều người nhưng đến lúc xử lý cũng chẳng xác định được tất cả những người trên xe?

Trong quá trình xử lý, không ít người chỉ coi lạm dụng xe công đơn thuần là hành vi sai phạm làm tốn chút tiền xăng xe nhỏ bé, ngân sách không tổn hao là bao. Thế nên, việc xử phạt cũng “nhỏ bé” như cách suy nghĩ, đôi khi là “chuyện to hoá nhỏ, chuyện nhỏ hoá bỏ qua…”. Mà xử nhẹ thì chẳng có sức răn đe và rồi thành thói quen “mặc kệ đi”!

Trong khi đó, lạm dụng ngân sách ở mức “nhỏ” như từng đồng tiền xăng xe, từng đồng tiền điện lãng phí, từng gam giấy, hộp mực,… đều có thể dẫn tới những nếp sống lãng phí ở cấp cao hơn. Đúng ra, người ta rèn luyện văn hoá từ những điều nhỏ nhặt nhất chứ không phải đi làm thứ gì đâu xa. Đáng tiếc là điều đó chưa ai nhận ra nên chuyện xe công đi ăn cưới, đi lễ hội,… vẫn “nhỏ nhoi” thôi.

Mặt khác, lỗ hổng được cần được nhìn nhận là việc sẽ ra sao khi những người đứng đầu cơ quan, tổ chức “bao che” cho hành động sử dụng trái phép xe công hoặc chính họ sử dụng trái phép xe công? Dẫn chứng này hoàn toàn có cơ sở vì tất cả những vụ việc xử lý lạm dụng xe công đều do dư luận, báo chí, truyền thông phản ánh mà không phải do các cơ quan, tổ chức tự phát hiện.

Vậy, cán bộ lãnh đạo vừa chịu trách nhiệm cho hành vi sai phạm cá nhân trong cơ quan, tổ chức; vừa phải đưa ra cơ chế xử lý thì họ sẽ chọn mức nhẹ nhàng hay nghiêm khắc đây? Có ai lại tự “lấy búa đập chân mình”?

Rõ ràng là phải thay đổi cơ chế xử lý sai phạm nghiêm khắc hơn, không thể để mức xử phạt trải dài từ thấp đến cao như hiện nay mà phải ấn định cụ thể. Mấy ai “cân đo đong đếm” được sai phạm “nhỏ”, sai phạm “to”? Sai phạm “nhỏ” có dẫn đến sai phạm “to” hay không? Giới hạn cụ thể, rõ ràng để chính những người đứng đầu phải thực hiện nghiêm và thực hiện đúng trong việc xử lý cán bộ cấp dưới hay phải tự nhận trách nhiệm về chính mình.

Chuyện liên quan

Nói ra thì cũng chẳng thể là ngẫu nhiên mà báo chí, truyền thông cùng một lúc “tóm” được hình ảnh những dàn xe công xếp dài đi đám cưới, đi tiệc tùng. Nhìn ảnh rồi phải nhìn lại chủ của những đám tiệc kia là ai? Hẳn phải là một người có chức, có quyền thì nhiều xe công mới đến như thế! Trong câu chuyện này, vị được nhắc đến là bà Hồ Thị Cẩm Đào – Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng.

Cái chuyện liên quan là khi “chủ tiệc” càng “đứng cao” thì xe công càng nhiều. Sự thật này không thể chối cãi. Khi cán bộ chức vụ càng cao thì cấp dưới càng phải “tạo quan hệ”. Thế nên, tiệc tùng, có việc là không thể vắng mặt. Mà cán bộ đi càng nhiều, cơ quan đi càng đông thì càng có cớ dùng xe chung cho “tiện”… Đâu đâu cũng do xuất phát từ thói quen từ cách ứng xử giữa cấp dưới với cấp trên và từ chính sự ảnh hưởng của những người lãnh đạo đứng đầu các địa phương, cơ quan, tổ chức.

Trưởng ban Dân vận mà lần này gây ra dư luận xấu cho nhân dân thì không hiểu là trách nhiệm với công việc, ý thức với vị trí của mình đến đâu? Hàng loạt cán bộ sai phạm thì không hiểu là bộ phận nào sẽ xử lý, có xử lý độc lập được hay không? Rồi sẽ “rút kinh nghiệm” vì là “chuyện nhỏ” nữa hay sao? Rồi sẽ chỉ xử lý đơn thuần câu chuyện dùng xe công hay phải làm cho ra những “chuyện liên quan” gây ra sự thiếu chuẩn mực hàng loạt…?

(Theo Bút Danh)

Bài mới
Đọc nhiều