Xe chở rác đi sai giờ, tông chết nam sinh: Tài xế ăn năn, lãnh đạo cty né lỗi
Bị cáo Lê tỏ ra ăn năn trước hành vi chạy xe vào giờ cấm gây tai nạn khiến nam sinh thiệt mạng, còn những người ra quyết định cho xe chạy lại né tránh trách nhiệm. Clip: Xe chở rác hoạt động trong khung giờ cấm gây tai nạn chết người ở Hà Nội
Ngày 19/6, TAND quận Thanh Xuân (Hà Nội) mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ xe chở rác đi sai giờ, tông chết nam sinh vào tháng 4/2019.
Bị cáo trong vụ án là tài xế Lê Hoàng Lê (sinh năm 1981, trú tại Sóc Sơn, Hà Nội; tài xế xe tải chở rác của Hợp tác xã Thành Công) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Nạn nhân trong vụ án là cháu Phan Bình M. (14 tuổi) bị xe chở rác do Lê Hoàng Lê cầm lái tông thiệt mạng.
Tại phiên xét hỏi vào sáng 19/6, bị cáo Lê Hoàng Lê cho hay, thường ngày bị cáo vận chuyển thu gom rác vào ban đêm. Tuy nhiên do được tăng cường nên vào ngày 12/4/2019, bị cáo nhận lệnh chở rác có đóng dấu và chữ kí của ông Nguyễn Tiến Trung (sinh năm 1956, nhân viên giám sát Hợp tác xã Thành Công) và ông Nguyễn Ngọc Phương (cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân).
“Bị cáo nhìn thấy tờ lệnh có ghi rõ giờ xuất phát là 14h30 nhưng cũng không thắc mắc, dù biết thời gian đó là giờ cấm chạy xe rác. Bởi vì bị cáo chỉ là người làm công, ăn lương”, bị cáo Lê nói.
Bị cáo Lê cho hay, trên đường thu gom rác về, xe chạy qua phố Ngụy Như – Kon Tum với vận tốc 10km/h, khi đến chỗ quay đầu bị cáo nghe thấy tiếng động mới biết có va chạm. Bị cáo phanh dừng xe lại, xuống xe thấy cháu bé dưới gầm xe phía trước, cùng bên lái, bánh xe chèn lên tay nạn nhân.
Khi này, Lê lên xe lùi lại rồi xuống kéo nạn nhân ra khoảng 30cm. Bị cáo hô hoán người dân đến trợ giúp và không đưa cháu đi cấp cứu.
“Bị cáo sẵn sàng bồi thường vật chất, tinh thần cho gia đình nạn nhân”, bị cáo Lê nói.
Trước câu hỏi của chủ tọa rằng bị cáo có muốn xin lỗi gia đình nạn nhân hay không, bị cáo Lê liền quay về phía gia đình bị hại nói lời xin lỗi, mong được tha thứ.
Tại phiên tòa, khi chủ tọa hỏi trách nhiệm của HTX Thành Công và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân (BQL), cả hai đơn vị này thừa nhận sai nhưng chỉ nhận một phần trách nhiệm.
“Lệnh là theo mẫu, chúng tôi xác nhận trên cơ sở rác của Thanh Xuân. Gọi là lệnh vận chuyển nhưng là quản lý nhà nước về nguồn gốc rác và lệnh đó là của Sở Xây dựng phát ra, gửi cả đơn vị, cả quận”, đại diện BQL trả lời câu hỏi của HĐXX.
Tuy nhiên, HĐXX thấy sự mâu thuẫn và đặt câu hỏi: “Nghe không hơp lý lắm, lệnh điều động xe chắc phải để điều xe chứ sao lại để xác nhận nguồn gốc rác?”.
Đại diện BQL bao biện: “Lệnh là để lên bãi rác Nam Sơn người ta sẽ xác nhận nguồn gốc rác quận Thanh Xuân, còn việc ghi giờ là mẫu của Sở Xây dựng”.
Trong khi đó, trước câu hỏi về việc quản lý giám sát hành trình trên xe chở rác, đại diện HTX Thành Công lại nói rằng: “Giám sát có trục trặc vì xe cũ. Tôi thay mặt Hợp tác xã nhận là quan liêu”.
Đề nghị khởi tố những người liên quan
Tại phần tranh luận, luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại nêu quan điểm cần khởi tố những người có liên quan, có trách nhiệm, là nguyên nhân gián tiếp gây nên vụ tai nạn.
Luật sư Huỳnh Phương Nam (bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại) cho hay, bị cáo Lê Hoàng Lê thiếu trung thực khi lời khai trong bản kết luận điều tra ban đầu và kết luận điều tra bổ sung trái ngược nhau.
Cụ thể, trong bản kết luận điều tra bổ sung, tài xế khai: “Khi nghe thấy tiếng kêu, tài xế liền đạp phanh, lùi 20-30cm và mở cửa nhảy xuống thấy cháu M. nằm dưới bánh xe bên lái thì tiếp tục lên xe…”.
Tuy nhiên, trong phiên tòa hôm nay thì bị cáo lại khai theo bản điều tra ban đầu: “Khi bị cáo nghe thấy tiếng kêu “roạt” thì đạp phanh dừng lại, Lê cùng Đạt (ngồi ghế phụ) mở cửa xuống xe, rồi mới lên xe để lùi”.
“Do vậy, Cáo trạng áp dụng điểm s 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự để cho bị cáo được giảm nhẹ với tình tiết “thành khẩn khai báo” là không chính xác”, luật sư Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, qua các lời khai này của bị cáo và anh Nam (nhân chứng) còn nổi rõ lên việc bị cáo Lê Hoàng Lê đã không có ý thức cứu giúp nạn nhân. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định “Cố ý không cứu giúp người bị nạn” theo điểm c khoản 2, điều 260 Bộ luật Hình sự
Do vậy, VKSND quận Thanh Xuân chỉ ban hành Cáo trạng truy tố bị cáo ở Khoản 1 Điều 260 là chưa chính xác, chưa đánh giá hết tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo.
Luật sư Nam cũng đặt giả thiết, có hay không dấu hiệu của tội “Giết người”?
Theo hiện trường, nhân chứng và lời khai bị cáo tại bản kết luận điều tra bổ sung, Lê lùi ngay lại 20-30cm (lần 1) khi biết có va chạm, làm bánh xe chèn lên tay cháu M. và khi nhân chứng hô hoán thì bị cáo mới lùi lần 2.
“Vậy lý do tại sao khi biết có va chạm, bị cáo khai đã đạp phanh và bị rê đi 5m mới dừng lại hẳn. Tuy nhiên, bị cáo Lê không xuống xe xem va chạm vật gì hay chèn vào người mà vội vã lùi xe lại ngay 20-30cm?”, luật sư đặt giả thiết có hay không việc bị cáo có hành vi cố ý “Giết người” và yêu cầu VKS làm rõ nhưng yêu cầu này không được chấp nhận.
Bên cạnh đó, luật sư cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên đề nghị cơ quan tố tụng cần khởi tố những người có liên quan trong HTX Thành Công và BQL dự án.
Cụ thể, trường hợp của ông Nguyễn Tiến Trung (HTX Thành Công) là người điều động trực tiếp xe chở rác đi vào giờ cấm, khiến xảy ra tai nạn.
Còn ông Nguyễn Ngọc Phương (BQL dự án) là người đã ký, đóng dấu nhiều lệnh để trống nội dung (ký khống) rồi giao cho HTX Thành Công để thực hiện việc điều động, vận chuyển, thu gom rác.
Đối với ông Phương và ông Trung, luật sư cho rằng cần khởi tố 2 người này về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đáp lại quan điểm của luật sư, đại diện VKS quận Thanh Xuân cho rằng cơ quan tố tụng đã đánh giá khách quan bản chất vụ án, đề nghị luật sư không suy diễn. Việc bị cáo Lê không cứu giúp người bị hại, qua trình báo của bị cáo tại phiên toà bị cáo nói rất rõ và đó là tâm lý chung của người gây tai nạn. Cháu Minh cũng có một phần lỗi khi đi vòng qua đầu xe ô tô.
Qua đây, VKS đề nghị mức án 15-18 tháng tù giam đối với bị cáo.
VKS cũng cho rằng, nguyên nhân gây tai nạn là do lỗi của tài xế Lê khi biết là đi vào giờ cấm nhưng vẫn đi thu gom rác. “Nếu bị cáo không thu gom rác vào giờ cấm, mà bị cơ quan đuổi việc thì sẽ có pháp luật bảo vệ”, đại diện VKS cho hay.
Trước quan điểm trên của VKS, luật sư Nam phản bác: “Nếu như không có sự cẩu thả của quản lý thì không xảy ra vụ tai nạn, chứ không thể chỉ quy kết nguyên nhân là do bị cáo Lê biết giờ cấm nhưng vẫn đi”.
Còn đại diện phía bị hại thì bức xúc nói: “Như thế nào là an toàn khi cháu bé đi vòng qua xe đã dừng. Nếu xe chở rác không đi giờ cấm thì con tôi đã không chết”.
Vào khoảng 14h30 ngày 12/4/2019, tài xế Lê Hoàng Lê nhận lệnh của Hợp tác xã Thành Công lái xe đi thu gom rác tại quận Thanh Xuân. Theo quy định, đây là khung giờ xe chở rác không được phép hoạt động.
Đến khoảng 16h cùng ngày, xe di chuyển trên đường Vũ Trọng Phụng hướng về Ngụy Như Kon Tum. Khi đến lối mở để quay đầu (đoạn số nhà 124 Vũ Trọng Phụng), do có ô tô màu đen ở phía trước đang đi chậm dần để quay đầu nên Lê lái xe chậm và gần như dừng hẳn.
Sau khi xe ô tô màu đen quay đầu xong, tài xế Lê không quan sát gương cầu bên phải và cũng không nghĩ có phương tiện giao thông khác vòng cắt qua đầu ô tô nên đạp ga tăng tốc lên khoảng 10km/h, tông trúng cháu M.
Do xe chở nặng nên sau va chạm tiếp tục đi 5m mới dừng lại khiến cháu M. bị xe chở rác kéo lê một đoạn.
Cháu M. bị thương tích nặng, được chuyển sang Bệnh viện 198 rồi qua đời vào khoảng 18h cùng ngày.
Ngày 30/5, Cơ quan CSĐT Công an quận Thanh Xuân ra quyết định khởi tố bị can đối với Lê Hoàng Lê về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Mạnh Đoàn/VTCNews