Xe buýt ở Đài Loan: Tiếng Việt mới là ngôn ngữ nổi tiếng nhất thế giới?
Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh 1 chiếc xe buýt ở Đài Loan có ghi cảnh báo bằng tiếng Việt và tiếng Thái “Bạn vẫn còn muốn chạy trốn sao?” gây xôn xao nhức nhối dư luận.
Cụ thể, nội dung nói về cảnh báo tình trạng người lao động bỏ trốn và các hình thức xử lý của chính quyền Đài Loan bằng tiếng Việt và tiếng Thái như: 1955 – Đường dây nóng bảo vệ lao động ; trục xuất về nước; Hình phạt; Cấm nhập cảnh.
Cộng đồng mạng đa số cảm thấy xấu hổ khi những người lao động bỏ trốn ra ngoài làm riêng hoặc ở lại nước sở tại.
Có nhiều người phải thốt ra những lời hài hước chua cay như sau: “Tiếng Việt có mặt ở khắp nơi đặc biệt xuất hiện rất nhiều ở nước có Thái, để cảnh báo người Việt trộm cắp, bỏ trốn làm việc chui…”, “Ai cũng biết Tiếng Anh phổ biến nhất thế giới, nhưng hiện tiếng Tiếng Việt mới là ngôn ngữ “nổi tiếng nhất” thế giới, tự dân ta làm khổ dân ta.”
Mới đây ngày 23/9, Đài Truyền hình Hàn Quốc và báo chí Hàn Quốc đưa tin về việc 9 người Việt trong số các thành viên đi nhờ cùng chuyến bay phái đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam vào tháng 12/2018 đã bỏ trốn, ở lại Hàn Quốc trái phép gây nhức nhối dư luận.
Thị thực nhập cảnh cấp cho những người này là để đi dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam – Hàn Quốc. Đến nay đã đưa được 2 người về nước.
Ngay sau đó, nhiều thắc mắc tại sao một vụ việc nghiêm trọng đến như vậy, ảnh hưởng đến danh dự quốc gia Việt Nam, xảy ra đã 10 tháng, mà Việt Nam hoàn toàn không chủ động thông tin? Nếu Hàn Quốc không công khai, chắc việc này không bao giờ người dân Việt Nam biết được.
Bộ Công an cho biết, tính đến tháng 5-2019, Việt Nam hiện có hơn 1.200 người phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 người đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều nghi can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Bộ Công an đã lập và chuyển 35 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Trong đó có 21 yêu cầu dẫn độ theo các hiệp định song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Úc, Séc…; 14 yêu cầu dẫn độ theo nguyên tắc có đi có lại với Anh, Hồng Kông, Nhật Bản, Thụy Điển;… đã dẫn độ được 7 đối tượng về Việt Nam; bắt giữ 1 đối tượng khi bỏ trốn về Việt Nam…
Thực tế đã có rất nhiều vụ việc người Việt trốn ở lại nước ngoài sau khi đi công tác, du lịch. Lợi dụng tour du lịch rồi tách đoàn bỏ trốn là hình thức phổ biến được các đối tượng sử dụng để ở lại quốc gia nào đó và làm việc bất hợp pháp. Trong những năm qua, hiện tượng du khách Việt bỏ trốn vẫn đang là vấn đề nhức nhối, gây nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng tới hình ảnh Việt Nam tại nước ngoài.
152 người Việt trong một đoàn du lịch biến mất tại Đài Loan
Vào ngày 25/12/2018, cơ quan quản lý du lịch Đài Loan xác nhận 152 trên tổng số 153 người trong một đoàn du lịch từ Việt Nam tới TP Cao Hùng đã biến mất.
Đoàn du lịch chia thành bốn nhóm lần lượt hạ cánh xuống TP Cao Hùng từ ngày 21 – 23/12/2018. Tuy nhiên, công ty quản lý đoàn du lịch này thông báo với nhà chức trách Đài Loan rằng không thể xác định vị trí của nhóm du khách. Cục du lịch Đài Loan đã phải cử đội đặc nhiệm tìm kiếm 152 du khách Việt. Sau khi được tìm thấy, cách du khách sẽ bị trục xuất vì vi phạm luật di trú, bị cấm nhập cảnh tại Đài Loan trong thời gian nhất định.
Vụ việc khến cơ quan đối ngoại Đài Loan quyết định tạm ngừng cấp visa cho các đoàn từ Việt Nam trong khuôn khổ chương trình được Đài Loan công bố từ năm 2015. Việt Nam là 1 trong 6 nước châu Á được hưởng chính sách ưu đãi về thủ tục xin thị thực du lịch Đài Loan. Trong 3 năm áp dụng chính sách này, các vụ việc du khách Việt Nam biến mất tại Đài Loan thường xuyên xảy ra với số lượng khoảng vài người mỗi đoàn.
2 người sang Nhật Bản bồi dưỡng nghiệp vụ trốn ở lại
Cũng trong năm 2018, một công ty logistics của Nhật Bản cũng xảy ra vụ việc tương tự. Theo đó, công ty tổ chức đoàn 5 người sang Nhật Bản bồi dưỡng nghiệp vụ trong 6 tháng. Tuy nhiên, ngay khi xuống sân bay thì 2 trong số 5 người trên đã tách đoàn và trốn ở lại.
Cuối năm 2017, hai công ty cổ phần thương mại dịch vụ du lịch Mỹ Úc Âu và Miss Saigon đã ký hợp đồng với Công ty TNHH dịch vụ, du lịch và thương mại Gia Thịnh có trụ sở Q.5 về việc tổ chức tour đi Nhật vào ngày 11-1-2018 cho 4 vị khách nhưng đã không trở về Việt Nam theo đúng lịch trình. Nghiêm trọng hơn, phía Miss Saigon phát hiện 4 khách trốn ở Nhật bất hợp pháp. Trước đó, Công ty Gia Thịnh cũng ký hợp đồng với Công ty Mỹ Úc Âu để gửi hai khách sang Nhật từ ngày 4 đến 7-10-2017 cũng xảy ra tình trạng 2 du khách này tới Nhật Bản nhưng không trở về theo đúng thời hạn visa.
59 du khách Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc
Tháng 1/2016, vụ việc 59 du khách Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc trong chuyến du lịch 6 ngày tới đảo Jeju từ 11-17/1/2016, để lại nhiều hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng tới hình ảnh người Việt tại nước ngoài. Tại cơ quan điều tra, các du khách khai nhận tới Jeju để kiếm việc và phải trả cho phía môi giới Việt Nam 10.500 USD.
Cả đoàn du khách Việt mất tích ở Israel
Sự việc từng gây xôn xao dư luận vào hồi đầu tháng 12/2013 khi một đoàn khách Việt gồm 15 người đi theo tour du lịch sang Israel do một công ty lữ hành có trụ sở tại Hà Nội tổ chức, rồi trốn lại cả 15 người.
Cả 15 người này đã bỏ trốn mà không cần hộ chiếu, vì hộ chiếu của khách vẫn được người này giữ. Sau đó, phía Israel bắt giữ và trục xuất 4 người, số còn lại chưa được tìm thấy. Theo vị đại diện đại sứ quán Việt Nam tại Israel, nhiều khả năng khách du lịch đã bỏ trốn sang nước thứ 3.
Đáng buồn hơn khi những quốc gia hay được người Việt chọn để trốn ở lại thường đang có chính sách ưu đãi về thị thực với Việt Nam. Theo đó, các đoàn du lịch từ 5 người trở lên có thể xin thị thực điện tử, thông qua các công ty du lịch được chỉ định, để nhập cảnh mà không cần giấy tờ chứng minh tài chính.
Việc bỏ trốn của du khách còn gây ảnh hưởng tới chính sách cấp phép nhập cảnh đối với những khách du lịch chân chính, bởi tình trạng này chắc chắn buộc chính quyền các nước sở tại phải xem xét, siết chặt lại chính sách visa.
Bên cạnh đó, những du khách bỏ trốn ở lại nước ngoài ngay sau đó lập tức phải đối mặt với tương lai bấp bênh, nguy cơ bị xâm hại quyền lợi, lạm dụng sức lao động, thậm chí rủi ro về tính mạng… Và đương nhiên, khi bị phát hiện, họ sẽ bị xử lý theo pháp luật nước sở tại do vi phạm nhập cảnh như trục xuất, cấm nhập cảnh, trường hợp phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự theo luật pháp.
Nguyễn Anh