+
Aa
-
like
comment

“Xây” sớm một số trụ cột để hình thành Trung tâm tài chính TPHCM

12/03/2024 16:33

Trong đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM, thành phố xác định rõ mục tiêu trở thành “HUB” – nơi hội tụ để thu hút các đầu mối, dòng vốn doanh nghiệp (DN), tư nhân, toàn cầu.

TPHCM có tiềm năng rất lớn trở thành trung tâm tài chính của khu vực và thế giới.

Cần nghiên cứu kỹ các Trung tâm tài chính Quốc tế hiện hữu
Trong chuyến công du châu Âu trước Tết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì tọa đàm “Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam” tại Davos, Thụy Sĩ. Tại tọa đàn, các chuyên gia tài chính quốc tế đánh giá Việt Nam là trung tâm tài chính tiềm năng, có thể phát triển thành trung tâm tài chính hiện đại và liên kết cao.
Qua cơ hội này, Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các tập đoàn và quỹ đầu tư toàn cầu chia sẻ kinh nghiệm, tham vấn về mô hình và giải pháp phát triển hệ sinh thái tài chính. Thủ tướng mong đối tác nước ngoài hỗ trợ cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia và nâng cao chuẩn mực kế toán, kiểm toán.
Cũng tại tọa đàm, Thủ tướng đã thống nhất thành lập Tổ Công tác nghiên cứu, tư vấn xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam. Tổ công tác do TS Philipp Rösler và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc tọa đàm.

Trước đó, vào tháng 10/2023, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng đề án, do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm trưởng ban. Chủ tịch UBND TPHCM, Phan Văn Mãi, tại tọa đàm, nhấn mạnh kế hoạch đến năm 2030, TPHCM sẽ hình thành trung tâm tài chính khu vực. Trong năm 2024, TPHCM sẽ trình Quốc hội khung pháp lý cho trung tâm và tiếp tục cập nhật, bổ sung.
Hiện nay, nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng không đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển. Doanh nghiệp cần nguồn vốn đa dạng, quy mô lớn và dài hơi hơn để mở rộng đầu tư và phát triển. Việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế sớm sẽ là nền tảng để TPHCM thu hút đầu tư, tạo đà cho các ngành cùng phát triển.
TPHCM có tiềm năng trở thành trung tâm fintech của Đông Nam Á và đang xây dựng chính sách để thúc đẩy tiềm năng này. Với lợi thế hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, TPHCM đã là địa điểm của nhiều sáng kiến quan trọng như ngân hàng thương mại, thị trường chứng khoán, thị trường ngoại hối, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Ưu tiên một số trụ cột
Bên cạnh việc phát triển các “trụ cột” hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM cần nhiều thời gian để triển khai như việc phát triển hạ tầng giao thông, công trình và phát triển nguồn nhân lực tài chính, thì TPHCM có thể triển khai sớm những hạ tầng “vô hình” trên thị trường tài chính, chứng khoán.
Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TPHCM cần phải được xây dựng khác biệt so với những trung tâm tài chính quốc tế hiện hữu. Bởi lẽ, nếu ra đời sau mà lối đi không khác biệt thì không đủ sức hấp dẫn dòng vốn đầu tư trên thế giới đổ về.
Một hướng TPHCM đang có lợi thế là xây dựng trung tâm fintech, cho phép thí điểm có kiểm soát (sandbox) liên quan blockchain (công nghệ chuỗi khối), AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (internet vạn vật)…, sẽ thu hút nhiều hơn các tập đoàn tài chính, công nghệ.
Trung tâm tài chính quốc tế không phải là một tổ chức hay một khu vực hiện hữu mà nên hiểu đó là một hệ sinh thái bao gồm các nhà đầu tư, tổ chức huy động vốn, các định chế tài chính, tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính… Khi đã có đông đảo nhà đầu tư quốc tế, định chế quốc tế, việc huy động vốn quốc tế sẽ thuận lợi hơn. Khi đã xây dựng được một hệ sinh thái thuận lợi cho các giao dịch quốc tế, nhà nước sẽ thu được phí dịch vụ, các loại thuế…, biến tài chính trở thành một ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn trong GDP.

Tại buổi toạ đàm, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ, theo kế hoạch, tới năm 2030, Thành phố sẽ hình thành trung tâm tài chính khu vực và trong năm nay phải trình Quốc hội khung pháp lý cho trung tâm này và tiếp tục cập nhật, bổ sung.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 1726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó đưa ra giải pháp nhằm đa dạng hóa, tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung.
Đối với thị trường cổ phiếu, Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp thực hiện IPO và niêm yết trên TTCK, hỗ trợ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. Trong lĩnh vực trái phiếu, Chính phủ đề xuất đa dạng hóa kỳ hạn, phát hành trái phiếu Chính phủ và địa phương. Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ khuyến khích việc niêm yết và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh thông qua việc phát hành các loại trái phiếu hỗ trợ môi trường. Trong lĩnh vực sản phẩm chứng khoán phái sinh, Chính phủ hướng tới việc phát triển hợp đồng tương lai và các sản phẩm mới như chứng quyền có bảo đảm, chứng chỉ lưu ký, và công cụ tài chính xanh.
Từ những bản lề pháp lý và chủ trương trên, TPHCM cần triển khai sớm những chương trình hành động cụ thể nhằm khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn tài chính và quỹ đầu tư đến với TPHCM trong thời gian tới.
Thành An

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều