Xây làng VĐV phục vụ SEA Games 31 liệu có khả thi?
Bộ VH-TT-DL đã đồng ý với đề xuất có cơ chế để xây dựng khu làng vận động viên phục vụ SEA Games 31 năm 2021, thay vì để các đoàn lưu trú rải rác tại nhiều khách sạn ở Hà Nội hay các địa phương lân cận khi đại hội diễn ra.
Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vào tháng 1 vừa qua, Bộ VH-TT-DL đã nhận được kiến nghị của cử tri TP.Hà Nội về một số đề xuất trong lĩnh vực thể thao. Trong đó kiến nghị liên quan đến SEA Games 31 nêu: “Tháng 10.2021, Hà Nội đăng cai tổ chức SEA Games 31. Hiện các công trình thuộc trách nhiệm của thành phố đã triển khai thủ tục để sửa chữa. Đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, có cơ chế để xây dựng làng vận động viên (VĐV) phục vụ đại hội”.
Ủng hộ…
Thực hiện sự phân công của Thủ tướng, cách đây ít ngày, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đã có công văn trả lời cử tri Hà Nội, với nội dung: “Việc đăng cai SEA Games lần thứ 31 năm 2021 tại Việt Nam được thực hiện theo phương châm triệt để tận dụng các cơ sở vật chất sẵn có trên địa bàn TP.Hà Nội và một số địa phương lân cận. Phương án đang được đề xuất là sử dụng các khách sạn, cơ sở lưu trú sẵn có trên địa bàn TP.Hà Nội và các địa phương liên quan để phục vụ việc ăn, ở cho các đoàn thể thao tham dự SEA Games 31.
Tuy nhiên, theo thông lệ của các kỳ SEA Games, việc xây dựng khu làng VĐV là phương án ưu tiên để đảm bảo phục vụ các điều kiện về ăn, ở, đưa, đón và cung ứng các dịch vụ khác cho các đoàn thể thao tham dự đại hội. Trong điều kiện cụ thể của Hà Nội, có thể thực hiện được việc xây dựng khu làng VĐV theo cơ chế xã hội hóa, trước mắt để phục vụ SEA Games 31, sau đó sẽ chuyển đổi mục đích thành khu căn hộ dân dụng hoặc hoạt động dịch vụ để thu hồi vốn đầu tư.
Bộ VH-TT-DL ủng hộ chủ trương xây dựng khu làng VĐV theo cơ chế xã hội hóa. Tuy nhiên, thời gian từ nay đến khi tổ chức đại hội không còn nhiều, đề nghị TP.Hà Nội khẩn trương nghiên cứu, có đề xuất cụ thể gửi các bộ, ngành liên quan thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để kịp tiến độ tổ chức đại hội”.
Nhưng chưa biết lấy nguồn xã hội hóa như thế nào
Ngày 2.3, trả lời Báo Thanh Niên, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, nói: “Sở dĩ chúng tôi đề xuất lên UBND TP.Hà Nội về việc nên có làng VĐV, không chỉ vì nhu cầu của ngành thể thao để phục vụ SEA Games mà còn nhu cầu dân sinh sau này. Xu hướng chung của hầu hết các nước khi đăng cai SEA Games là luôn có làng VĐV, nhằm thuận tiện trong việc đi lại của các đoàn thể thao tham dự đại hội vì tập trung tại một địa điểm sau khi thi đấu, tập luyện. Ở Philippines – nơi đăng cai SEA Games 30 năm 2019 vừa qua, họ cũng xây làng VĐV”.
Ông Tô Văn Động cho biết tiếp: “Hơn nữa nếu có làng VĐV cũng sẽ giúp các đoàn dự SEA Games 31 giảm được chi phí thuê khách sạn. Tôi lấy ví dụ, mỗi VĐV được cấp 50 USD tiền ở/ngày, trong khi tiền thuê khách sạn dù có giảm giá cũng chỉ mức độ nào đó và như vậy các đoàn sẽ bị khó khăn. Nhu cầu có làng VĐV là nhu cầu có thật và cần thiết. Sau khi chúng tôi đề xuất, UBND TP.Hà Nội sẽ giao cho Sở KH-ĐT lên kế hoạch về địa điểm xây dựng, nguồn vốn lấy từ xã hội hóa như thế nào”.
Xin được lưu ý, trong dự thảo đề án đăng cai SEA Games 31 (chưa được Chính phủ phê duyệt), Hà Nội đã từng đề đạt: “Do khó khăn về kinh phí nên dự kiến sẽ không xây dựng làng VĐV làm nơi ăn, ở tập trung của các đoàn tại SEA Games 31, vì vậy giải pháp khả thi là sử dụng các khách sạn trên địa bàn và các địa phương liên quan để bố trí nơi ăn, ở cho các đoàn, như phương án đã từng triển khai tại SEA Games 22 năm 2003 và Đại hội Thể thao trong nhà châu Á AIG3”. Nếu kế hoạch xây làng VĐV được thông qua, đề án sẽ phải thay đổi, đồng thời phải nêu rõ, Bộ VH-TT-DL phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư ngoài ngân sách nhà nước đối với hoạt động chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31; phối hợp, hỗ trợ Ban tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 huy động các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân ở trong nước, ngoài nước”.
Tuy nhiên đến thời điểm này, các bộ, ngành liên quan chưa có bất kỳ một cuộc họp nào để bàn cụ thể các công việc triển khai. Ngay bản thân lãnh đạo Sở VH-TT cũng chưa biết làng VĐV sẽ xây ở đâu và kinh phí dự kiến như thế nào. Quy mô một làng VĐV với sức chứa khoảng 10.000 người, cần phải thiết lập dự án đầu tư để tiến hành các thủ tục đấu thầu. Vì đất xây dựng phải là đất “sạch” do nhà nước quản lý chứ không phải tư nhân. Cũng phải đấu thầu xây dựng mà thời gian từ nay đến SEA Games 31 chỉ còn chưa đầy 19 tháng.
Đề xuất xây làng VĐV SEA Games 31 vào lúc này như kiểu “nước đến chân mới nhảy”, có thể làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Ngân sách nhà nước chắc chắn sẽ không chi một đồng nào cho kế hoạch xây làng VĐV, vậy việc huy động nguồn lực xã hội hóa sẽ được tiến hành ra sao? Câu hỏi này chưa có một bộ ngành nào có ngay câu trả lời thỏa đáng ngay vào lúc này. Khi mọi thứ vẫn còn đang khá “mơ hồ” thì việc xây làng VĐV khó thành hiện thực.
Nhật Duy /TN