Xây dựng phòng trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc: nền tảng để đất nước trường tồn
Hiện nay, dù đang sống trong môi trường hòa bình, ổn định nhưng chúng ta vẫn phải đối mặt với không ít nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. Cùng với sự tấn công chống phá của các thế lực thù địch, chống đối, cơ hội chính trị, chúng ta còn phải đối mặt với những nguy cơ phát sinh từ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Để có thể giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cũng như sự hòa bình, ổn định đang có, không còn cách nào khác, chúng ta phải phát huy tổng thể sức mạnh của cả dân tộc. Đặc biệt, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc phải triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả và thực chất.
Quần chúng nhân dân là lực lượng đông đảo, là nền tảng cho một đất nước, là gốc rễ của một dân tộc, là động lực chính để thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Chủ nghĩa Mác – Lê nin khẳng định vai trò của quần chúng nhân dân quyết định sự phát triển của xã hội, chính nhân dân lao động là người làm nên lịch sử. Quần chúng nhân dân là lực lượng sản xuất cơ bản của mọi xã hội, trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của con người, của xã hội – đây là nhu cầu quan trọng bậc nhất của mọi xã hội ở mọi thời đại, mọi giai đoạn. Cùng với quá trình sáng tạo ra của cải vật chất, quần chúng nhân dân đồng thời cũng là lực lượng trực tiếp hay gián tiếp sáng tạo ra các giá trị tinh thần của xã hội; là lực lượng trực tiếp hay gián tiếp “kiểm chứng” các giá trị tinh thần đã được các thế hệ và các cá nhân sáng tạo ra trong lịch sử. Hoạt động của quần chúng nhân dần là cơ sở hiện thực có ý nghĩa quyết định và là cội nguồn phát sinh những sáng tạo văn hóa tinh thần của xã hội. Mọi giá trị sáng tạo tinh thần dù qua phương thức nào thì cuối cùng cũng là để phục vụ hoạt động của quần chúng nhân dân và nó chỉ có ý nghĩa hiện thực một khi được vật chất hóa bởi hoạt động thực tiễn của nhân dân. Quần chúng nhân dân là lực lượng và động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng và các cuộc cải cách trong lịch sử. Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng không có một cuộc cách mạng hay cuộc cải cách xã hội nào có thể thành công nếu nó không xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân. Với ý nghĩa như vậy có thể nói: cách mạng là “ngày hội của quần chúng” và trong những ngày đó quần chúng nhân dân có thể sáng tạo ra lịch sử “một ngày bằng hai mươi năm”. Như vậy, những cuộc cách mạng và cải cách xã hội cần đến lực lượng quần chúng nhân dân và sức sáng tạo của quần chúng nhân dân cũng cần có những cuộc cách mạng và cải cách xã hội. Đó chính là biện chứng của quá trình phát triển xã hội.
Lịch sử dân tộc ta cũng đã khẳng định vai trò quan trọng của quần chúng nhân dân, luôn nhấn mạnh tư tưởng “lấy dân làm gốc”. Trong đó, việc thực hiện chiến lược “tận dân vi binh”, “bách tính giai binh”, “cử quốc nghênh địch”(cả nước chống giặc) là một trong những nét tiêu biểu của triết lý lấy dân làm gốc trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam truyền thống. Nhìn lại lịch sử, có thể thấy trong các cuộc chiến vệ quốc của chúng ta, tương quan lực lượng luôn nghiêng về phía đối phương nên ta thường phải “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”, “dùng đoản binh chế trường trận”. Để có thể “đạp quân thù xuống đất đen”, nguyên nhân lớn nhất chính là việc đoàn kết nhất trí một lòng của cả dân tộc.
Kế thừa tư tưởng của ông cha ta về vai trò của nhân dân, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng luôn nêu cao tư tưởng cách mạng là của dân do dân và vì dân. Quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân là nguồn gốc sức mạnh truyền thống vô cùng quý báu của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dưa ra những quan điểm về dân “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân”, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”….Dưới ngọn cờ của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh nhân dân ta đã đồng lòng hợp sức làm nên nhiều chiến công vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đánh thắng hai cường quốc xâm lược là Pháp và Mỹ; đang từng bước xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở đất nước ta. Ngày nay trong giai đoạn đất nước ta chuyển sang thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, có những thuận lợi mới, thời cơ mới, song vẫn còn nhiều trở lực và thách thức; Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương quan trọng về đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân.
Đặc điểm của cuộc đấu tranh bảo vệ ANTQ hiện nay là diễn ra trên diện rộng, khắp mọi địa bàn, mọi lĩnh vực, là cuộc chiến đấu thường xuyên mang tính gay go, quyết liệt, phức tạp và lâu dài. Bọn gián điệp, phản động và tội phạm khác luôn tìm cách trà trộn trong quần chúng, lợi dụng, lôi kéo, mê hoặc kể cả khống chế để hoạt động. Việc phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, coi mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận gìn giữ an ninh quốc gia là yếu tố tiên quyết để đảm bảo sự thắng lợi trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Quần chúng nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, có khả năng phát hiện, quản lý, giáo dục, cải tạo các loại tội phạm để thu hẹp dần đối tượng phạm tội. Đồng thời, khi nào người dân có ý thức tự giác, có tinh thần làm chủ trong việc xây dựng cuộc sống mới lành mạnh, khi đó sẽ khắc phục dần những sơ hở, thiếu sót mà địch và bọn tội phạm có thể lợi dụng.
Lực lượng Công an có hạn, nên công tác bảo vệ an ninh trật tự không thể thực hiện bằng chuyên môn đơn thuần mà phải làm tốt công tác vận động quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn “Giữ gìn trật tự, an ninh trước hết là việc của Công an, Bộ đội, Cảnh sát”. Nhưng để đạt hiệu quả cao thì “Việc giữ gìn trật tự, an ninh càng phải dựa vào sáng kiến và lực lượng của nhân dân”. Bác nhấn mạnh “Công an dẫu có năm, bảy vạn đi chăng nữa thì vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Phải làm sao có hàng chục triệu tai mắt, đôi bàn tay”, và Bác khẳng định: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Bác căn dặn: “Cán bộ, chiến sỹ Công an phải đoàn kết nhất trí, thực hành dân chủ, tự phê bình và khuyến khích cho dân phê bình Công an, có thế thì dân mới tích cực giúp đỡ Công an”.
Trong sự nghiệp bảo vệ ANTQ, Bác luôn coi trọng công tác phát huy tinh thần đoàn kết, ý thức chiến đấu và sức mạnh tổng thể của quần chúng nhân dân. Trên cơ sở nhận thức rõ vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng và tổng kết lịch sử dân tộc, Bác luôn dạy lực lượng Công an: “Làm Công an thì phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Có dựa vào nhân dân thì Công an mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nhân dân có hàng triệu tai mắt thì kẻ địch khó mà che giấu được. Nếu trong công tác Công an, các cô các chú được dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì nhất định các cô các chú thành công. Muốn được như vậy cũng phải trau dồi đạo đức cách mạng, cũng phải chống chủ nghĩa cá nhân”, và “làm công tác chính quyền, ở công an hay ở quân đội, đều là làm đầy tớ cho nhân dân cả, vì chính quyền dân chủ có nghĩa là chính quyền do người dân làm chủ”.
Bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững trật tự an toàn xã hội không phải là nhiệm vụ riêng biệt của bất kỳ một cá nhân, một tổ chức hay một lực lượng nào. Đây là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Chúng ta phải phát huy tối đa sức mạnh của toàn dân tộc để vận nước được trường tồn.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả