+
Aa
-
like
comment

Xây dựng pháp luật bảo vệ biên giới, chặn giặc từ sớm, từ xa

16/06/2020 11:51

Trung tướng Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội nêu quan điểm khi thảo luận tại tổ về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Trung tướng Trần Việt Khoa cho rằng, những năm vừa qua, Biên phòng là lực lượng phối hợp rất chặt chẽ cùng với lực lượng Công an phá thành công nhiều vụ án ma túy rất lớn, nhiều chiến sỹ Biên phòng đã hy sinh. Ngược lại thời kỳ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, có thể nói, lực lượng Biên phòng, cùng với Dân quân tự vệ ở tuyến biên giới là những lực lượng nổ phát súng đầu tiên để bảo vệ biên giới, làm cơ sở cho lực lượng phía sau chuẩn bị, tham gia, thực hiện tốt cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Trong điều kiện hiện nay có các hình thái chiến tranh mới liên quan đến lực lượng Biên phòng và công tác biên phòng như chiến tranh biên giới biển đảo, chiến tranh xâm lược. Để giải quyết vấn đề này, những năm qua chúng ta đã có một hệ thống các chiến lược: Chiến lược bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX), Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.

Trung tướng Trần Việt Khoa thảo luận tại tổ, sáng 16-6.

Năm 2018, Quân ủy Trung ương đã trình Bộ Chính trị thông qua 3 chiến lược là chiến lược Quốc phòng, chiến lược quân sự và chiến lược bảo vệ biên giới. “Để có giải pháp làm cơ sở pháp lý thực hiện tốt nhiệm vụ đánh giặc từ sớm, từ xa, từ ngoài biên giới đến các tình huống ở biên giới thì chúng ta phải có một hệ thống pháp luật khắc phục được những bất cập của Pháp lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) năm 1997”, ĐBQH Trần Việt Khoa nêu quan điểm.

Theo ông, cần thiết phải ra đời một dự án Luật Biên phòng Việt Nam để áp dụng cho tất cả các đối tượng, cho cả hệ thống chính trị, cho các cấp các ngành vào cuộc thực hiện nhiệm vụ biên phòng, đảm bảo ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh. Ta đã có thế trận Quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân thì khi Luật Biên phòng Việt Nam ra đời sẽ có thêm thế trận biên phòng toàn dân, tạo thành một hệ thống các thế trận  để giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ, dùng văn phong chặt chẽ, tránh trùng lặp, làm sao luật phải dễ hiểu, dễ thực hiện, thực sự đi vào cuộc sống. “Đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến các bộ ngành và đặc biệt là 44 tỉnh có đường biên giới trên biển, biên giới đường bộ và có lực lượng biên phòng, qua đó hoàn thành một dự luật đáp ứng mong mỏi của nhân dân và đáp ứng yêu cầu bảo vệ biên giới”, Giám đốc Học viện Quốc phòng nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, ĐBQH Đào Tú Hoa (Hà Nội) cho rằng, dự thảo Luật đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, về quốc phòng, an ninh, quản lý và bảo vệ biên giới của Tổ quốc; nhất là các chủ trương tại Nghị quyết số 33 ngày 28-9-2019 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; đáp ứng yêu cầu hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh BĐBP năm 1997.

ĐBQH Đào Tú Hoa thảo luận tại tổ.

Về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng tại khoản 2, Điều 7 dự thảo Luật, nữ đại biểu đề nghị cần cân nhắc quy định về lực lượng nòng cốt, vì nếu quy định “các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt” thì rất rộng, nhiều chủ thể. “Đã là lực lượng nòng cốt chắc chắn sẽ có nhiều nhiệm vụ, trách nhiệm khác so với trách nhiệm của các cán bộ công chức trong các bộ ngành và công dân. Đề nghị ban soạn thảo quy định rõ hơn, căn cứ ghi nhiều chủ thể là lực lượng nòng cốt và trách nhiệm của các chủ thể này đúng là nòng cốt”, ĐBQH Đào Tú Hoa nêu.

Không góp ý cụ thể vào dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam nhưng Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (ĐBQH TP Hà Nội) nhân thảo luận về luật này đã gửi lời tri ân với cán bộ chiến sỹ lực lượng Công an, Quân đội, Biên phòng, đặc biệt trong thời kỳ chống dịch COVID-19.

“Dù đất nước ta đến hôm nay đã 61 ngày không có ca nhiễm mới ngoài cộng đồng nhưng ở các cửa ngõ, đường mòn, lối mở vẫn thấy anh em BĐBP vất vả canh gác. Vừa rồi Campuchia công bố không có người mắc dịch bệnh nhưng chúng ta vẫn phát hiện ra một ca nhiễm qua đường bộ từ Campuchia về Việt Nam. Điều đó cho thấy lực lượng Y tế, BĐBP vẫn làm việc rất trách nhiệm, tích cực, canh gác bảo vệ từng đừng mòn, lối mở, bịt từng kẽ hở”, ĐBQH TP Hà Nội nhận định.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, qua việc chống dịch cũng thể hiện sự bảo vệ rất chắc chắn, như Thủ tướng nói “chống dịch như chống giặc”; trân trọng gửi lời cảm ơn của nhân dân đối với lực lượng Biên phòng trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19.

Quỳnh Vinh/CAND

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều