+
Aa
-
like
comment

Xây dựng nhiều “rào chắn” để đối phó với dịch COVID-19 giữa “đại dịch thông tin”

sông trà - 17/03/2020 17:59

Virus corona chủng mới đã tạo nên “đại dịch thông tin” đầu tiên trên mạng xã hội vì mạng xã hội đã đẩy cả thông tin thật lẫn thông tin giả ra toàn thế giới với tốc độ chưa từng thấy, kích thích cơn hoảng loạn, tình trạng kỳ thị…

Và lẩn khuất trong sự nhiễu nhương của “đại dịch thông tin” về dịch COVID-19, có nhiều tin bài mang tính chất xuyên tạc của các cá nhân/tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài về nỗ lực chống dịch của Việt Nam, hòng làm hoản loạn cộng động, khiến người dân dao động về chủ trương chống dịch, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Tin giả, xuyên tạc hoành hành

Rất nhiều tin thất thiệt về tình hình dịch COVID-19 gây hoang mang cho cộng đồng

Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Vũ Hán – Trung Quốc và lây lan, diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về “một ‘đại dịch thông tin’ quy mô lớn, tức là tình trạng quá dư thừa thông tin – trong đó có cả thông tin đúng lẫn thông tin sai lệch, khiến cho mọi người không còn biết đâu là những nguồn thông tin tin cậy cũng như những chỉ dẫn tin cậy khi họ cần đến.

Thực tế, khi Việt Nam xuất hiện dịch bệnh COVID-19 đến nay, các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng bất mãn chính trị trong nước và nước ngoài đã lợi dụng phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương.

Một con số thống kê của Bộ Công an cho thấy, trên không gian mạng đã có hơn 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ.

Chỉ riêng về bênh nhân số 17, trong vòng 2 ngày cuối tuần sau khi công bố ca bệnh số 17, trên không gian mạng đã xuất hiện hơn 80.000 tin liên quan đến dịch COVID-19 và bệnh nhân này. Trong số đó có nhiều thông tin khiến người dân rất khó phân biệt đâu là thông tin thật, đâu là thông tin giả, đâu là thông tin chính xác để có thể chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh.
“Năng nổ” nhất là các trang thông tin của tổ chức, nhóm như: Việt Tân, Hội Anh em dân chủ, Đài RFA, VOA Tiếng Việt, Nhật ký yêu nước, Dân làm báo,..Hoặc những “cây bút dân chủ” rởm như Đoàn Thị Thùy Dương, Trần Văn…cũng “đục nước béo cò”…để tạo lên nguồn “đại dịch thông tin” giả-ảo.

Phương thức, thủ đoạn của những người này là: Thiết lập nhiều trang mạng, hội nhóm, tài khoản Facebook… để tán phát, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, kích động về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam.

Chúng bịa đặt các thông tin gây sốc về số người chết do nhiễm COVID-19 tại Việt Nam, hướng dẫn cách chữa trị tại nhà như uống rượu, tắm cây sả… từ đó kêu gọi tự chữa bệnh tại nhà, tẩy chay hướng dẫn của Bộ Y tế; lợi dụng “khoảng trống thông tin” trên các trang mạng chính thống để lồng ghép các thông tin xuyên tạc bịa đặt.

Mục đích của các đối tượng này là nhằm gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân, tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng cũng đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để tung tin thất thiệt hoặc đưa những thông tin thiếu tính xác thực, chưa được kiểm chứng, phỏng đoán theo quan điểm, nhận thức cá nhân nhằm câu view, câu like, gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Sức đề kháng dịch COVID-19 nhìn từ Luật An Ninh mạng

Luật An Ninh mạng được ví như “vắc-xin” phòng chống “đại dịch thông tin” bẩn

Dường như chính trong dịch COVID-19 này, tin giả và tin thất thiệt đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết bởi nó đánh trúng vào nỗi lo sợ của mọi người, cả cái bản năng thích lan truyền tin đồn, và có lẽ nghiêm trọng hơn, là lối suy nghĩ rằng những nguồn chính thống thì không bao giờ nói thật.

Không gian mạng trở thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội thông tin và phát triển kinh tế tri thức. Nó đã làm không gian mạng thay đổi sâu sắc cả về chất và lượng, được dự báo sẽ mang lại những lợi ích chưa từng có cho xã hội loài người nhưng cũng làm xuất hiện những nguy cơ tiềm ẩn vô cùng lớn.Những nguy cơ đó đã được các thế lực thù địch, phản động sử dụng để thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ chế độ chính trị ở nước ta. Riêng vấn đề dịch COVID-19, như đã nói ở trên, rất nhiều cá nhân, tổ chức đã đăng tải thông tin sai sự thật, xuyên tạc tràn lan trên không gian mạng ảnh hưởng tới công tác chỉ đạo điều hành chống dịch, ảnh hưởng đến vấn đề chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Theo đó, Virus corona chủng mới đã tạo nên “đại dịch thông tin” đầu tiên trên mạng xã hội vì mạng xã hội đã đẩy cả thông tin thật lẫn thông tin giả ra toàn thế giới với tốc độ chưa từng thấy, kích thích cơn hoảng loạn, tình trạng kỳ thị…

Thế nhưng, hiện nay chúng ta đang có một số vắc-xin khá hữu hiệu để đối phó đó là sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, tinh thần đoàn kết chống dịch của toàn dân. Song song là những quy định, chế tài cần thiết để hạn chế, khắc chế với các tin tồn thất thiệt, xuyên tạc là Luật An toàn thông tin mạng hay Luật An Ninh mạng mới ra đời chẳng hạn.

Điều 8 của Luật An ninh mạng: “Nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc.

Các hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân cũng bị nghiêm cấm”.

Điều 16 của Luật An ninh mạng quy định các thông tin tuyên truyền chống phá Nhà nước, kích động gây bạo loạn, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế gồm: Thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; Thông tin chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước; Thông tin xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc..v..v.

Hiện, COVID-19 được coi đại dịch không phải ở phạm vi một quốc gia, mà trên toàn cầu. Bên cạnh nỗ lực chống dịch, dập dịch của Chính phủ, hệ thống chính trị, thì vẫn có một bộ phận tỏ thái độ bàng quan, xuyên tạc về tình hình chống dịch.

Cho nên, với những bộ luật hiện tại, chúng ta đã có đủ quy định pháp lý chặt chẽ và nghiêm minh cơ chế, thì việc xử lý nghiêm những kẻ phao tin đồn nhảm là rất cần thiết để chống lại thông tin sai lệch lúc này.

Dẫu vậy, để “vắc-xin mang tên Luật An Ninh mạng” hiệu quả hơn trong bối cảnh “đại dịch thông tin” thì chúng ta cũng cần có một hệ thống y tế mạnh và minh bạch thông tin, cộng với sự tỉnh táo của từng cá nhân trong lúc đọc và tiếp nhận thông tin… sẽ có khả năng đối phó với các dịch bệnh.

Bởi, những rào chắn đơn lẻ thì có vẻ như quá nhỏ nhoi, nhưng tất cả mọi thành viên trong cộng đồng cùng có ý thức dựng rào chắn, kết hợp với quy định pháp luật của Nhà nước thì hiệu quả lại vô cùng to lớn.

Sông Trà

Bài mới
Đọc nhiều