+
Aa
-
like
comment

Xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” để “cho được lòng dân”

24/09/2019 16:50

Lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo đã chứng minh rằng, cùng với mỗi bước ngoặt của cách mạng, tình hình và nhiệm vụ của Đảng cũng có sự thay đổi. Song, ở đâu và lúc nào, dù hoạt động bí mật hay đã cầm quyền, thì Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng cũng luôn thấu triệt rằng: Đảng cầm quyền, nhưng nhân dân là chủ, quyền là do nhân dân ủy nhiệm, nên đó phải là một Đảng luôn phụng sự (dốc lòng phục vụ, tận tụy phục vụ: phục vụ Tổ quốc và liêm chính (trong sạch, ngay thẳng: người liêm chính không có lòng tư túi), để xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân.

Câu hỏi “Sao cho được lòng dân?” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

3

Một trong những câu hỏi theo suốt thời gian nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh của tôi là “ Sao cho được lòng dân”? Đó là bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký tên CHIẾN THẮNG viết cách đây 68 năm, đăng báo Cứu quốc, số 65, ngày 12-10-1945.

Trong di sản để lại, Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ quan điểm của Người về yêu cầu xây dựng một Đảng phụng sự và liêm chính qua các tác phẩm: Chính phủ là công bộc của dân (19/9/1945); Sao cho được lòng dân (12/10/1945); Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (17/10/1945); Sửa đổi lối làm việc (10/1947); Dân vận (15/10/1949); Tinh thần và trách nhiệm (13/12/1951); Tự phê bình và phê bình (14/2/1952); Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu (3/1952); Phải xem trọng ý kiến của quần chúng (21/8/1956); Đạo đức cách mạng (12/1958); Nói chuyện tại hội nghị thanh tra (5/3/1960); Một lòng một dạ phục vụ nhân dân (18/1/1961); Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (3/2/1969); Di chúc (1969),v.v..

Chủ tịch Hồ Chí Minh và người đồng bào dân tộc thiểu số

Trong bài “ Sao cho được lòng dân”, Người đã căn dặn các cán bộ, đảng viên, bộ đội, công an của chính quyền mới phải luôn đặt quyền lợi của nhân dân lên trên, lên trước, việc gì có lợi cho dân phải kiên quyết làm, làm cho bằng tốt. Theo quan điểm của Bác, một nhà nước thật sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân phải coi việc phục vụ nhân dân, đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân là mục tiêu, phương hướng hoạt động của mình. Người chỉ rõ: Chế độ ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Chính phủ là đầy tớ của nhân dân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết

các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống nhân dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được đặc biệt chú ý”.

Thấu triệt quan điểm của Người, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán và triển khai quyết liệt, đồng bộ chủ trương xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực được mở rộng và phát huy, một số chính sách và quy chế bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, trước hết ở cơ sở, bước đầu được mở rộng, thực hiện.

“Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh” lời căn dặn của Người luôn là kim chỉ nam, định hướng cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ “ vừa hồng vừa chuyên”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên về nâng cao ý thức “Đảng là người đày tớ của dân”. Đó luôn là một mệnh lệnh, một tiêu chí bắt buộc, một phẩm chất, lý tưởng cao đẹp trong hoạt động lãnh đạo của Đảng và trong mỗi cán bộ Đảng viên.

“Đảng là người đày tớ của dân” – sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng giáo dục và thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”.

Không để đánh mất ý thức trách nhiệm là “người đày tớ trung thành của nhân dân”.

Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển, luôn rất chú trọng xây dựng Đảng trên cả hai phương diện: vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ (người phục vụ) trung thành của nhân dân. Đây là hai nội dung có nội hàm khác nhau về mặt bản chất, nhưng đối với Đảng ta, do ra đời từ phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, được nhân dân ủy thác sứ mệnh lãnh đạo cách mạng nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân, nên giữa hai nội dung đó có mối liên hệ thống nhất, gắn bó, bổ trợ và có tầm ảnh hưởng lẫn nhau. Trong quan điểm Hồ Chí Minh và Đảng ta, đây là một luận điểm vừa thể hiện quan điểm cách mạng vô sản vừa có ý nghĩa cơ bản và sâu sắc về quan hệ giữa cơ quan lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của quần chúng.

Với tầm nhìn chiến lược và lo xa công việc của Đảng, ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945 mới thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài huấn thị “Chính phủ là công bộc của dân” đăng trên báo Cứu quốc số 46 ngày 19-9-1945, chỉ rõ: “Các công việc Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu cầu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cho nên, Chính phủ bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy”.

Tiếp ngay sau đó, Người gửi thư cho Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, nêu rõ: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân…” và Người khẳng định: “Dân là chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân chứ không phải làm quan cách mạng”.

Đây chính là một luận điểm được phát triển sáng tạo trong tư tưởng Hồ Chí Minh đối với học thuyết Mác – Lênin về xây dựng Đảng mác xít ở nước ta; đồng thời, thể hiện rõ sự khác biệt về bản chất của Nhà nước của dân, do dân và vì dân dưới sự lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trong Thời đại Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó, trở thành phương châm, đạo lý và tôn chỉ hành động trong công tác của Đảng, giúp Đảng ta bước lên vũ đài chính trị với tinh thần cách mạng và nhân văn cao cả.

Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII chỉ rõ “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay. Đó là kết quả sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự hy sinh quên mình và đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên”.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trên thực tế, có nhiều lúc, nhiều nơi chúng ta làm chưa tốt công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên nêu cao ý thức là công bộc, là đày tớ của dân, dẫn đến một bộ phận không nhỏ cán bộ trong Đảng, nhất là những người có chức, có quyền đã quên mất vị trí, vai trò của mình, tạo nên sự “đổi ngôi” chủ – tớ, tự cho mình cái quyền đứng trên dân, gây nên nhiều hậu quả trong Đảng.

Trong điều kiện lịch sử mới, đổi mới, hội nhập và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa khác nhiều so với trước đây trong chiến tranh, Đảng phải lãnh đạo một khối lượng công việc khổng lồ để cải biến xã hội.

Theo đó, cán bộ đảng viên cũng được giao nhiều trọng trách, nắm giữ, thực thi nhiều chính sách và quản lý, thu chi khối lượng lớn tài nguyên, tài sản xã hội nếu không có ý thức là công bộc, là đày tớ của dân, không có thái độ làm việc vì nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm trên hết thì rất dễ bị tha hóa, đổ gục trước những cám dỗ về danh lợi, vật chất. Trên thực tế, điều đó đã xảy ra, là bài học rất đau xót, gây nên nhiều hậu quả trong Đảng và trong xã hội

Thế nhưng, “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiền phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở” và “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn”.

Thực hiện tích cực, đồng bộ các giải pháp trên, góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, sẽ tạo được sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là thành trì vững chắc để bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch.

Hồng Đinh

Bài mới
Đọc nhiều