Xây dựng ‘Chính phủ kiến tạo’ ở Việt Nam gặp những điểm nghẽn thể chế
Việt Nam đang nỗ lực cải thiện hình ảnh quốc gia và chủ trương xây dựng ‘chính phủ kiến tạo.’ Nhưng nhiều sự kiện gần đây lại cho thấy nhiều điểm nghẽn trong quá trình thực hiện.
Hình ảnh quốc gia, từ sự vận hành của thể chế đến phản ứng của chính phủ trong quan hệ quốc tế, vốn có ý nghĩa quan trọng để thu hút đầu tư nói riêng và quan hệ kinh tế với các nước chung. Việt Nam đang nỗ lực thể hiện hình ảnh quốc gia theo hướng tích cực.
Hành động kịp thời trước sự kiện ‘Hạ tín nhiệm quốc gia’ của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service vừa qua đối với Việt Nam và sự thay đổi cách điều hành của ‘Chính phủ kiến tạo’ đang tạo hình ảnh tích cực trước các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế và trong nước rất phức tạp hiện nay, cải cách thể chế cần có sự thay đổi bước ngoặt, tạo đột phá để phát triển.
Hành động kịp thời
Ngày 18/12, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam. Trước đó, Moody’s đã đưa hồ sơ tín dụng của Việt Nam vào diện theo dõi hạ bậc. Tiếp theo sự kiện trên, ngày 20/12 Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm với 18 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam.
Phản ứng trước đánh giá của Moody’s, Bộ Tài chính Việt Nam cho rằng, đó là quyết định ‘không xác đáng’ khi chỉ dựa trên sự việc riêng lẻ đối với nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ mà bỏ qua thành tựu toàn diện Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế – xã hội…
Việc bị hạ triển vọng tín nhiệm không chỉ ảnh hưởng đến việc huy động vốn từ nước ngoài của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác trong nước, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư và hình ảnh quốc gia của Việt Nam nói chung.
Nhận thức đây là sự bất cập về thể chế, Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về những nội dung liên quan đến trách nhiệm trong việc chậm thanh toán, trả nợ nước ngoài đối với một số dự án.
Được biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo ban hành các Quyết định cho phép ứng Quỹ tích lũy trả nợ để thanh toán…, nhưng do việc phối hợp không tốt giữa các bộ, ngành có liên quan nên dẫn đến hậu quả tiêu cực.
Ông Bộ trưởng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh: “… đây là trách nhiệm rất lớn. Thủ tướng rất không hài lòng, yêu cầu kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan, làm rõ trách nhiệm để báo cáo Chính phủ và Thủ tướng”.
Những vấn đề ‘tắc nghẽn thể chế’ biểu hiện trong nhiều khía cạnh và đã được chỉ ra như ‘trên bảo dưới không nghe’, ‘trên nóng dưới lạnh’, ‘cục bộ địa phương, bộ ngành’… cản trở sự phát triển của đất nước.
Lần này là sự thiếu phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan chức năng khiến cho tín nhiệm quốc gia của Việt Nam bị hạ bậc. Phản ứng như trên của Bộ Tài chính Việt Nam cũng là điều có thể hiểu khi khả năng tài chính quốc gia để trả nợ nằm trong tầm kiểm soát.
Chính phủ Việt Nam đã hành động kịp thời đối với một sự kiện; tuy nhiên để tạo hình ảnh quốc gia tích cực, có trách nhiệm cần thay đổi quan điểm cũng như giải pháp cải cách thể chế nói chung, cũng như để thu hút đầu tư nói riêng.
Việc Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm là “không xác đáng”
Bộ Tài chính Việt Nam, trong thông cáo báo chí đề ngày 18/12 cho rằng, việc Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam chỉ dựa trên sự việc riêng lẻ đối với nghĩa vụ nợ dự phòng của chính phủ mà bỏ qua thành tựu toàn diện Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện khả năng chống chọi với các cú sốc bên ngoài và nâng cao tính bền vững danh mục nợ công, là không xác đáng.
Bộ Tài chính nhìn nhận rằng tín hiệu của Moody’s đưa ra về việc tiếp tục theo dõi hồ sơ tín dụng của Việt Nam là “không tương xứng với chỉ đạo hết sức quyết liệt và kịp thời của Chính phủ, cũng như với hàng loạt các biện pháp mà Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong thời gian qua đã triển khai để cải thiện công tác phối hợp hành chính trong việc thanh toán nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, đảm bảo không gây tổn thất cho Bên cho vay.”
Bộ này viện dẫn việc chính phủ Việt Nam đã chủ động thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của Bên cho vay để khẳng định rằng: “Chính phủ Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn theo cam kết với các đối tác phát triển và tổ chức tài chính quốc tế.”
Kết nối và hấp thụ
Nhiều thập kỷ qua, đặc biệt trong quá trình toàn cầu hoá, có một thực tế cần được khẳng định rằng, nếu không kết nối với các dòng chảy kinh tế, đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ các nền kinh tế thị trường phát triển, thì không thể có tăng trưởng.
Việt Nam xác định tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm trong chính sách phát triển. Tuy nhiên, việc áp dụng kinh nghiệm của các nước thành công để xây dựng thể chế chưa tạo được sự khác biệt, để đáp ứng được yêu cầu ‘kết nối’ và ‘hấp thụ’ có hiệu quả, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển, thậm chí bị tụt hậu.
Hiện tại, Việt Nam vẫn thuộc nhóm quốc gia đang phát triển dựa trên nguồn nguyên liệu thô, cung cấp nguồn lao động giá rẻ… và bị giới hạn trong những hoạt động có giá trị gia tăng thấp như ngành dệt, may, da giày, lắp ráp các sản phẩm điện hoặc điện tử… Trong khi đó, các thành tố có giá trị gia tăng cao hơn được sản xuất tại các mắt xích khác của chuỗi dây chuyền sản xuất xuyên quốc gia.
Việt Nam đã và đang học kinh nghiệm của các quốc gia có khả năng kết nối với thị trường toàn cầu và hấp thụ các dòng vốn đầu tư xuyên quốc gia vào các mục đích phát triển nội sinh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, thậm chí cả Malaysia và Thái Lan là các nước đã thành công ở mức độ thấp hơn.
Việt Nam cũng học tập và quan hệ kinh tế sâu rộng với các nước tương đồng về thể chế, bằng cách mở cửa và cải cách kinh tế theo hướng thị trường. Tuy nhiên, Việt Nam còn chậm và mắc sai lầm, khi vận dụng những bài học kinh nghiệm.
Thay vì khuyến khích các tập đoàn tư nhân như Samsung, Huyndai… vươn ra thế giới như ở Hàn Quốc, Việt Nam lại thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn thiếu hiệu quả, thua lỗ, và coi đó là ‘quả đấm thép’ cho tăng trưởng.
Bởi vậy, việc Việt Nam hoạch định các chính sách, đơn cử như Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020 với mục tiêu lớn khó thành công, khi chưa thiết lập được các nền tảng của thị trường và không thể triển khai các khung thể chế và các công cụ can thiệp phù hợp với nhiều chuỗi ngành công nghiệp.
Việt Nam học tập trung vào những ngành công nghiệp thâm dụng lao động và có hàm lượng công nghệ thấp, như dệt may, da giày, lắp ráp… nhưng đã không thể thành lập được các vùng đặc khu hành chính và kinh tế để thu hút dòng đầu tư từ các nước phát triển trong lĩnh vực chế biến hướng đến xuất khẩu.
Cần ‘đột phá thể chế’
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, toàn cầu hoá đang chững lại, chủ nghĩa dân tộc nổi lên, trong khi tình trạng kinh tế thế giới ảm đạm, các vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường trở nên nghiêm trọng… các dòng chảy kinh tế đang thay đổi phức tạp.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung phản ánh sự thay đổi quan hệ quốc tế cho trật tự thế giới mới, vượt quá giới hạn kinh tế và leo thang sang vấn đề thể chế, các giá trị khác… đã và đang ảnh hưởng lớn đến Việt Nam.
‘Chính phủ kiến tạo’ là ‘đột phá thể chế’ của Chính phủ trong nhiệm kỳ Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện phương châm hành động thực tế lấy phát triển doanh nghiệp làm động lực phát triển, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh, đồng thời với cải cách hành chính, gỡ bỏ các rào cản, chấn chỉnh thực thi công vụ của bộ máy.
Về cơ bản, ‘Chính phủ kiến tạo’ tương đồng với mô hình nhà nước duy lý của các ‘con rồng’ châu Á. Mô hình này đòi hỏi một nhà nước mạnh, người đứng đầu chính phủ bản lĩnh, quyết đoán và bộ máy hành chính chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, sự chuyển đổi nhà nước sang mô hình quản lý này trong điều kiện Việt Nam là một thách thức lớn, đòi hỏi sự đồng thuận của lãnh đạo tập thể và linh hoạt.
Ở đây, cần lưu ý rằng, các quốc gia thành công kinh tế ở châu Á, sau thời kỳ tăng trưởng cao, đã chuyển đổi sang thể chế phù hợp với thị trường. Liệu đây có là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam?
Đối với trường hợp Trung Quốc, trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế các nguy cơ: ‘không cân đối’, ‘không bình đẳng’, ‘không phối hợp’ và ‘không bền vững’ mặc dù đã được cảnh báo, tuy nhiên chúng bị che lấp bởi thành tích tăng trưởng và sự tuyên truyền một chiều, nay trở nên hiện hữu.
Tình trạng khó khăn do tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, nguy cơ nổ ‘bong bóng’ nợ, bất động sản và các vấn đề xã hội, môi trường… trở nên nghiêm trọng. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung như ‘giọt nước tràn ly’ và căng thẳng thêm bởi các vấn đề ở Hong Kong và ở Tân Cương.
Theo tôi, Việt Nam cần có sự thay đổi thể chế mang tính bước ngoặt để phát triển tránh nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.
Trung Quốc đã từng thừa nhận vai trò hàng đầu của Hoa Kỳ từ những đầu những năm 1990, để đẩy mạnh quan hệ kinh tế, thúc đẩy tự do hoá nền kinh tế trong nước và quốc tế hóa ở phạm vi toàn cầu.
Đây là bài học phù hợp cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Sự khác biệt ở đây là cần thiết lập các thể chế phù hợp với các nguyên tắc thị trường và giá trị phổ quát.
Hơn nữa, Việt Nam cần thực hiện nhiều hơn nữa để chống tham nhũng, chống tha hoá quyền lực, tinh gọn bộ máy và sự dụng quyền lực để giữ gìn an ninh và trật tự xã hội.
Chính phủ phải tiến tới chuyên nghiệp hơn để ‘kiến tạo’ trong hoạch định chính sách phát triển và điều hành nền kinh tế.
Việc hài hoà vai trò “bàn tay vô hình” và “bàn tay hữu hình” là cần thiết để tiếp tục cải cách thể chế trong giai đoạn hiện nay.
Quý Thọ