Xài bằng cấp giả, cà vẹt giả, đừng tưởng không… đi tù
Vụ án liên quan 600 tấm bằng Anh văn giả của Trường đại học Đông Đô mới đây đã đặt ra vấn đề pháp lý: người sử dụng giấy tờ giả có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?
Thực tế trong quá trình xét xử của ngành tòa án đã có nhiều vụ tòa tuyên án đối với người sử dụng giấy tờ giả.
Tự “nâng cấp” bằng lái xe giả, bị phạt án treo
Mới đây, TAND huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) đã tuyên mức án treo cho Chu Nhân Minh vì sử dụng bằng lái xe giả. Theo hồ sơ vụ án, ngày 23-6-2019 Phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang kiểm tra hành chính đối với ôtô do Chu Nhân Minh điều khiển đi qua địa bàn tỉnh.
Sau khi Minh xuất trình giấy phép lái xe, tổ công tác kiểm tra thấy có dấu hiệu đây là bằng lái xe giả. Sau khi đưa đi giám định, kết quả cho thấy bằng lái xe của Minh đúng là bằng giả.
Quá trình điều tra, Minh khai từng học và được cấp bằng lái xe hạng B2 nhưng không có điều kiện để học tiếp nâng hạng bằng lái. Minh lên mạng thấy có người rao bán bằng lái nên đã đặt mua bằng lái xe hạng C với giá 3 triệu đồng.
Sau đó, Minh bị khởi tố tội “sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Quá trình điều tra, Minh thành khẩn khai báo và thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội nên hội đồng xét xử đã tuyên mức án 6 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Lộ “cà vẹt” dỏm khi mang đi cầm đồ
Một vụ án khá hi hữu khác xảy ra ở tỉnh Thái Bình, người phạm tội là ông Nguyễn Long Định.
Theo hồ sơ vụ án, ông Định là giám đốc một công ty TNHH gỗ mỹ nghệ có trụ sở tại xã An Đồng (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình). Ông Định có mua chiếc xe bán tải với giá 885 triệu đồng. Để có tiền mua xe, ông Định đã thế chấp xe cho một ngân hàng để vay 700 triệu. Sau khi thế chấp, ngân hàng đã giữ giấy đăng ký xe (cà vẹt) và cấp cho ông Định bản sao giấy đăng ký xe này để lưu thông trên đường.
Sau khi ký thế chấp vay tiền, một người bạn đã đưa cho ông Định một “cà vẹt” của chính chiếc xe đó nhưng ở dạng bản chính mang tên chủ sở hữu là Định. Người này dặn ông Định là “cà vẹt” này “chỉ dùng để đi lại”.
Tuy nhiên, do cần tiền làm ăn và trả nợ, ông Định đã mang cả xe và “cà vẹt” dỏm đếm tiệm cầm đồ T. để cầm cố vay 650 triệu đồng với lãi suất 2.000 đồng/triệu/ngày, thời hạn vay là một tháng.
Tuy nhiên, quá thời hạn vẫn chưa có tiền để trả cho tiệm cầm đồ nên ông Định khất nợ và kéo dài thời gian vay, đồng thời tiếp tục trả lãi hằng tháng cho tiệm cầm đồ. Trả nợ được một thời gian, khi số tiền nợ chỉ còn hơn 100 triệu đồng thì sự việc vỡ lở khá hi hữu.
Một ngày nọ, cơ quan công an nhận được một nguồn tin tố giác tội phạm về việc chủ tiệm cầm đồ T. làm ăn bất minh nên điều tra, xác minh. Qua đó, cơ quan công an thu giữ nhiều sổ sách cùng các giấy tờ của tiệm cầm đồ này. Kiểm tra các giấy tờ thu giữ được, cơ quan công an phát hiện “cà vẹt” ôtô của ông Định là giả.
Khi bị triệu tập đến cơ quan công an làm việc, ông Định thừa nhận đã sử dụng “cà vẹt” giả này để đi đường nhưng do kẹt tiền nên mới đem cầm. Việc vay tiền của tiệm cầm đồ T. (và cả vay ngân hàng), ông Định đều trả lãi đúng hạn chứ không có mục đích chiếm đoạt số tiền này.
Qua điều tra, cơ quan công an cũng nhận thấy việc vay ở ngân hàng và tiệm cầm đồ T. đều được ông Định trả lãi và gốc đầy đủ như lời khai nhận.
Tại phiên tòa xét xử, ông Định tỏ ra ăn năn hối cải và mong được hưởng mức án nhẹ nhất để còn lo làm ăn trả nợ. Do đó, TAND huyện Quỳnh Phụ đã tuyên ông Định mức án 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM), thực tế hiện nay không thiếu những lời mời chào làm giấy tờ giả công khai từ thẻ căn cước công dân, bằng lái, bằng cử nhân… đến các loại chứng chỉ. Do có nhu cầu của người mua nên sẽ có người bán và ngược lại. Và đương nhiên cả người làm lẫn người sử dụng giấy tờ giả đều bị xử lý.
Bởi vậy, dù bất cứ mục đích sử dụng bằng giả, giấy tờ giả là gì cũng đều vi phạm pháp luật. Nhẹ thì bị xử phạt hành chính, nặng thì bị xử lý hình sự.
HOÀNG ĐIỆP/TT