+
Aa
-
like
comment

World Bank: Việt Nam sẽ vững vàng phục hồi sau những ngày giãn cách

Bảo Trâm - 16/09/2021 06:38

World Bank (Ngân hàng Thế giới – WB) vừa công bố báo cáo mới nhất nói về tình hình kinh tế Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2021, đồng thời đưa ra những nhận định về sự phục hồi kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Trong báo cáo Cập nhật Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9/2021 vừa công bố, WB điểm qua một số chỉ số kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực như tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các biện pháp giãn cách, giảm 10,5% so với tháng trước và 33,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, nền kinh tế cũng ghi nhận những điểm sáng. Đáng chú ý là FDI đăng ký tăng, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào viễn cảnh kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn.

Trong tám tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký đạt 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi vốn FDI thực hiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của WB, Việt nam đã thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 8/2021, tăng 65% so với tháng trước. Vốn FDI đăng ký cao hơn chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng. Mặc dù vậy, giải ngân vốn FDI giảm trong tháng 8 – ở mức 14,3% so với tháng trước và 12,2% so với cùng kỳ năm trước – do giãn cách xã hội tại các trung tâm kinh tế lớn.
Bên cạnh đó giá cả ổn định, tiền đồng tăng giá; tăng trưởng tín dụng vẫn ổn định, mặc dù lãi suất liên ngân hàng giảm, cho thấy thanh khoản dồi dào là những tín hiệu tốt khác.

Để nói thêm về khả năng phục hồi của Việt Nam, Chuyên gia kinh tế WB, bà Dorsati Madani cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh từ cuối quý III/2021, sau khi chính quyền kiểm soát được dịch bệnh, các lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ.

Theo bà Madani, từ cuối quý 3/2021 trở đi, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ phục hồi mạnh mẽ, giống như sự phục hồi sau khi lệnh phong tỏa mà nước này áp đặt hồi tháng 4/2020 được dỡ bỏ, phần nào nhờ sự tăng trưởng vững chắc vào đầu năm nay.

Mặc dù Việt Nam gặp nhiều rủi ro về kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19, song nền kinh tế nước này đã được chứng minh rất bền bỉ và năng động. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020 trong khi tất cả các nước khác trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc, đều tăng trưởng kinh tế âm, bà Madani nhận định.

Hơn nữa, chuyên gia Dorsati Madani cũng bày tỏ hy vọng nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi trong tương lai một phần nhờ vào thị trường xuất khẩu chính của nước này, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)… đều đang trên đà phục hồi.

Bảo Trâm (Theo WorldBank)

Bài mới
Đọc nhiều