+
Aa
-
like
comment

WHO nói về hiệu quả của vắc xin Sinopharm với biến thể Delta

07/08/2021 08:58

WHO khẳng định, 7 vắc xin đã được cấp phép vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng do Covid-19 bởi biến thể Delta.

TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam có những chia sẻ về tác dụng của các loại vắc xin ngừa Covid-19 hiện tại cũng như đánh giá về chiến lược tiêm chủng tại Việt Nam.

Các vắc xin Covid-19 WHO đã phê duyệt có hiệu quả như nào với biến thể Delta?

Hiện nay, có ít nhất 17 vắc xin đã được triển khai, 7 trong số đó đã được WHO phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp, bao gồm: Pfizer/BionNTech, AstraZeneca của Oxford, AstraZeneca của Viện Huyết Thanh Ấn Độ, Janssen, Moderna, Sinopharm/BBIP và Sinovac.

WHO đang giám sát chặt chẽ hiệu quả của các vắc xin này trong thực tế, bao gồm ảnh hưởng của các biến thể đáng lo ngại trong đó có Delta lên hiệu quả của vắc xin.

Các dữ liệu tính đến ngày 6/8 cho thấy, vắc xin vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng Covid-19 bởi biến thể Delta, mặc dù có giảm hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh có triệu chứng.

Thông điệp từ WHO rất rõ ràng, đó là hãy tiêm bất kỳ loại vắc xin có sẵn khi đến lượt bạn. Vắc xin giúp bảo vệ bạn và cả những người xung quanh. Vắc xin cũng sẽ làm giảm nguy cơ biến thể Delta lan truyền trong cộng đồng và gây ra các biến thể mới.

Vậy tức Sinopharm vẫn có hiệu quả bảo vệ người tiêm trước biến thể Delta?

Trong quá trình phê duyệt sử dụng khẩn cấp, WHO đã đánh giá hiệu quả, tính an toàn và chất lượng của vắc xin Sinopharm. Thử nghiệm giai đoạn 3 tại nhiều quốc gia cho thấy 2 liều vắc xin Sinopharm tiêm cách nhau 21 ngày có hiệu quả là 79% chống lại SARS-CoV-2 không triệu chứng, được tính 14 ngày trở đi sau liều thứ hai.

WHO kết luận rằng lợi ích mà vắc xin Sinopharm đem lại lớn hơn những nguy cơ đã được biết hoặc có thể xảy ra.

WHO nói về hiệu quả của vắc xin Sinopharm với biến thể Delta
TS Kidon Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam.

WHO khuyến nghị sử dụng vắc xin Sinopharm dựa trên lộ trình ưu tiên của WHO, với tất cả các biến thể đang có ở Việt Nam hiện nay.

Hiện có ý kiến cho rằng có một số vắc xin ngừa Covid-19tốt hơn các loại khác, WHO bình luận gì về điều này?

Tất cả các vắc xin đã được WHO phê duyệt vào danh sách sử dụng Khẩn cấp đều đã đạt yêu cầu về hiệu quả, an toàn và chất lượng do WHO đặt ra thông qua tham vấn chặt chẽ với các chuyên gia quốc tế.

Các vắc xin đều có hiệu quả rất cao trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng cần nhập viện do Covid-19 gây ra.

WHO cũng đang theo dõi chặt chẽ hiệu quả của các vắc xin Sinopharm trong thực tế sử dụng, bao gồm ảnh hưởng của các biến thể đáng lo ngại lên hiệu quả của vắc xin. Chúng tôi cũng sẽ cập nhật các khuyến cáo mới nhất liên quan nếu cần thiết.

Đến nay những hiểu biết của chúng ta về biến thể Delta như thế nào?

Biến thể Delta là một biến thể đáng lo ngại mà WHO đang theo dõi và giám sát trên toàn thế giới.

Các dữ liệu tính đến ngày 6/8 chỉ ra rằng, biến thể Delta có khả năng lây truyền cao hơn và tăng nguy cơ phải nhập viện. Đây là mối lo ngại của chúng tôi. Delta đã xuất hiện tại 135 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nó đã trở thành biến thể chủ đạo ở nhiều quốc gia.

Tin tốt là vắc xin vẫn đang rất hiệu quả trong việc phòng ngừa mắc Covid-19 nặng do biến thể Delta gây ra, tuy nhiên hiệu quả trong phòng ngừa nhiễm bệnh có triệu chứng có vẻ suy giảm.

Trong tình hình hiện nay, người dân có nên lựa chọn vắc xin?

Thông điệp từ WHO rất rõ ràng, đó là hãy tiêm bất cứ vắc xin nào có sẵn khi đến lượt bạn. Vắc xin giúp bảo vệ bạn và những người xung quanh bạn. Nó cũng sẽ làm giảm nguy cơ biến thể Delta lây lan trong cộng đồng và gây ra các biến thể mới.

Tôi muốn nhắc các bạn rằng vắc xin an toàn và hiệu quả là chìa khóa để kết thúc đại dịch Covid-19, nhưng nó không phải “viên đạn bạc” (hay “chìa khóa vạn năng”).

Chỉ mình vắc xin không thể chấm dứt lây truyền trong cộng đồng. Chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện các biện pháp 5K – đeo khẩu trang, ở nơi thông thoáng khí, vệ sinh tay thường xuyên, vệ sinh hô hấp và quy tắc che miệng khi ho, tránh nơi đông người và khai báo y tế đầy đủ. Những biện pháp này là rất quan trọng, kể cả khi bạn đã được tiêm phòng, nhất là ở các địa phương đang có các ca lây nhiễm cộng đồng.

WHO đánh giá như thế nào về chiến lược tiêm chủng tại Việt Nam hiện nay?

WHO đánh giá cao sự cam kết ở mức cao nhất của Chính Phủ trong chiến lược tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân.

Mục tiêu toàn cầu của WHO là tiêm phòng đủ liều cho ít nhất 10% dân số của mỗi quốc gia trên thế giới trước tháng 9/2021, 40% cho đến cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022. Đây là những cột mốc chúng ta cần phải đạt được để kết thúc đại dịch.

Rất nhiều các quốc gia đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung vắc xin, chứ không riêng Việt Nam. WHO hiểu rằng chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hết sức và làm việc ngày, đêm để có thể cung cấp đủ vắc xin cho người dân.

Hiện tại đang có thêm vắc xin được chuyển đến Việt Nam, và đó là một tin vui. Các loại vắc xin mới sẽ có thêm trong thời gian tới.

Tuy nhiên Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động tiêm chủng ở tất cả các tỉnh/thành phố, huyện, và xã để đạt được mục tiêu đề ra.

WHO đánh giá cao từng nhân viên, cán bộ đã làm việc hết mình cho chiến dịch tiêm chủng chưa từng có này. WHO khuyến cáo ưu tiên tiêm chủng cho nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu chống dịch và những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng và tử vong, ví dụ như người cao tuổi và những người có bệnh nền.

Chúng tôi nhấn mạnh, tất cả các vắc xin được WHO phê duyệt vào danh sách sử dụng Khẩn cấp đều đạt yêu cầu về hiệu quả, an toàn và chất lượng do WHO đặt ra thông qua tham vấn chặt chẽ với các chuyên gia Quốc tế.

Các vắc xin đều có hiệu quả rất cao trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng cần nhập viện do Covid-19 gây ra.

Xin cảm ơn ông!

Minh Anh 

Bài mới
Đọc nhiều