WHO nói về chuyện “không phải ai cũng cần đeo khẩu trang y tế”
Ai và khi nào mới nên đeo khẩu trang y tế, điều này thực ra đã được nêu rõ trong hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc sử dụng khẩu trang trong cộng đồng trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona mới.
Theo hướng dẫn này, bất cứ ai có tiếp xúc gần gũi trong vòng 1 m với người có các triệu chứng hô hấp (ví dụ hắt hơi, ho…), tức có nguy cơ tiếp xúc với các giọt bắn từ đường hô hấp, cần đeo dạng khẩu trang phẫu thuật đúng chuẩn. Việc sử dụng mặt nạ luôn phải kết hợp với vệ sinh tay.
Hướng dẫn cũng nêu rõ: “Đeo khẩu trang y tế khi không được chỉ định có thể gây ra chi phí không cần thiết, gánh nặng mua sắm và một cảm giác an toàn sai lầm, dẫn đến thiếu những biện pháp an toàn thiết yếu khác như vệ sinh tay. Hơn nữa, sử dụng một khẩu trang không đúng cách có thể làm giảm hiệu quả của nó để giảm nguy cơ lây truyền”.
Theo đó, WHO yêu cầu các cá nhân không có triệu chứng hô hấp nên: tránh tụ tập đám đông trong không gian kín; duy trì khoảng cách ít nhất 1 m với bất kỳ ai có triệu chứng hô hấp như ho, hắt hơi; rửa tay thường xuyên bằng cồn nếu tay không dính bẩn, bằng xà phòng và nước nếu tay dính bẩn; nếu lỡ ho thì che miệng bằng khuỷu tay/khăn giấy; hạn chế chạm tay vào miệng, mũi; không cần đeo khẩu trang y tế vì không có bằng chứng hiện hữu về tính hữu ích của nó trong việc bảo vệ những người không bị bệnh.
Trong khi đó, cá nhân có triệu chứng hô hấp được khuyên đeo ngay khẩu trang y tế khi bị sốt, ho, khó thở… và tìm kiếm sự chăm sóc y tế theo khuyến cáo của địa phương đó. Khi theo dõi bệnh tại nhà, cẩn cải thiện luồng không khí trong không gian sống bằng cách mở cửa sổ và các cửa khác càng nhiều càng tốt.
Ngoài ra, khẩu trang y tế còn được khuyến cáo cho người chăm sóc các cá nhân nghi nhiễm 2019-nCoV. Ngoài các khuyến cáo tương tự khuyến cáo cho người không bị bệnh, họ nên lưu ý đeo khẩu trang y tế khi ở cùng phòng với người nghi có bệnh và vứt bỏ ngay sau khi sử dụng.
A. Thư/NLĐ