WHO nói gì về nỗ lực của Việt Nam trong việc tự chủ nguồn vaccine Covid-19
Trang SCMP vừa có bài viết tóm tắt nội dung họp báo về tình hình dịch bệnh Covid-19 đang gia tăng trong khu vực tại văn phòng Khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Ngoài các vấn đề tổng kết các ca bệnh tại Đông Nam Á, Giám đốc WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương đã có nhận định, Việt Nam đã và đang rất nỗ lực tăng nguồn cung vaccine bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có nỗ lực chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.
Tại cuộc họp báo, Tiến sĩ Takeshi Kasai, Giám đốc WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương, đã đưa ra đánh giá về tình hình dịch Covid-19 hiện nay ở khu vực trong bối cảnh biến chủng Delta lây lan mạnh.
Ở một số nơi, sự bùng phát dịch bệnh gây căng thẳng cho hệ thống y tế, số ca bệnh nặng vượt quá khả năng tiếp nhận của các khoa điều trị đặc biệt, bệnh viện cũng bị quá tải.
Những yếu tố góp phần tạo nên xu hướng tăng mạnh về số ca nhiễm và tử vong trong khu vực là biến thể Delta với khả năng lây lan nhanh gấp 2 lần so với các biến thể trước, không tuân thủ các biện pháp y tế công cộng và hạn chế xã hội hoặc các biện pháp này không đủ mạnh và khó khăn trong việc phát hiện các ca dương tính không triệu chứng trong cộng đồng.
Ông Takeshi cho rằng, Việt Nam, giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 mới do sự xuất hiện của Delta, biến chủng của virus SARS-nCoV-2 dễ lây lan hơn nhiều so với các chủng khác, với nồng độ virus cao gấp 300 lần.
Theo ông Takeshi Kasai, biến thể Delta thực sự là một mối đe dọa, nhưng Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo tốt trong kiểm soát đợt dịch hiện nay.
Việt Nam đã chủ động đưa ra các biện pháp mạnh để truy vết và tăng cường tìm kiếm vắc xin trong bối cảnh các nước trên thế giới đều rất cần vắc xin. Nhiều y bác sĩ đã được huy động để hỗ trợ các tỉnh có dịch nặng bên cạnh các biện pháp kiểm soát phòng dịch rất mạnh mẽ và nhanh chóng tiêm ngay số vắc xin được nhập về, trang SCMP trích lời ông Kasai.
Theo tiến sĩ Kasai, về lâu dài, việc duy trì các biện pháp nghiêm ngặt là không khả thi. Nhưng dựa vào vaccine là không đủ để kiểm soát virus gây bệnh, mà cần duy trì các biện pháp y tế công cộng và hạn chế xã hội khác.
Theo đó, thành công phụ thuộc vào hành động của từng cá nhân và chúng ta cần làm tất cả những gì mình có thể để tránh tình huống xấu hơn khi nhiều biến thể nguy hiểm nữa của virus xuất hiện. Với mỗi thành viên trong cộng đồng, cần đeo khẩu trang, tránh đến những môi trường trong nhà, đám đông, tiếp xúc gần người khác và tiêm vaccine khi đến lượt.
Theo ông Takeshi, một lần nữa, với sự chỉ đạo quyết liệt của ban lãnh đạo, Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả như tiếp tục truy vết tiếp xúc, hạn chế đi lại, kiểm soát biên giới, điều trị cho người bệnh, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch, nhanh chóng tăng nguồn cung vắc xin và tiêm chủng cho người dân.
Ông Takeshi cũng đề cập đến việc luân chuyển đội ngũ y tế từ các tỉnh, thành hỗ trợ những vùng dịch. Nhân dịp này, ông gửi lời tri ân đến đội ngũ y tế, những người tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ nhằm kiểm soát đại dịch.
Liên quan đến vấn đề vaccine, ông Takeshi nói, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một vấn đề chung là tình trạng khan hiếm nguồn cung vaccine. Do vậy, Việt Nam đã nỗ lực, tự chủ tăng nguồn cung vaccine bằng nhiều biện pháp khác nhau trong đó có việc phát triển và chuyển giao công nghệ vaccine để xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin ngay trong nước.
Việt Nam đã đạt được thỏa thuận chuyển giao công nghệ vaccine với Nga, Mỹ và Nhật Bản. Theo thỏa thuận này, các nhà máy ở Việt Nam có thể sản xuất tới 100 – 200 triệu liều mỗi năm.
Bảo Trâm (Theo WHO, SCMP)