WHO nêu sáu tiêu chí trước khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa chống Covid-19
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 6-5 đã cảnh báo về những rủi ro của việc dỡ bỏ tình trạng phong tỏa khi các quốc gia không quản lý quá trình chuyển đổi “theo cách cực kỳ cẩn thận và tiếp cận theo từng giai đoạn”, đồng thời nêu sáu tiêu chí cần thiết để các quốc gia cân nhắc quyết định dỡ bỏ các quy định hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
“Nguy cơ quay trở lại tình trạng phong tỏa vẫn rất hiện hữu nếu các quốc gia không quản lý quá trình chuyển đổi theo cách cực kỳ cẩn trọng và tiếp cận theo từng giai đoạn”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở ở Geneva.
Tổng giám đốc WHO Tedros đã liệt kê sáu tiêu chí cần thiết để các quốc gia cân nhắc trước khi đưa ra quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế xã hội được thực hiện để kiểm soát sự lây lan của Covid-19.
Đầu tiên, đó là sự giám sát (tình trạng dịch bệnh) phải mạnh mẽ: số ca nhiễm mới đang giảm dần và sự lây nhiễm phải được kiểm soát;
Thứ hai, hệ thống y tế phải có đủ năng lực để phát hiện, cô lập, xét nghiệm và điều trị mọi ca nhiễm, truy dấu được mọi tiếp xúc với ca bệnh;
Thứ ba, các nguy cơ của đại dịch phải được giảm thiểu ở những nơi đặc biệt như cơ sở y tế và viện dưỡng lão;
Thứ tư, các biện pháp phòng ngừa phải được áp dụng tại nơi làm việc, trường học và những khu vực thiết yếu với người dân;
Thứ năm, quản lý được các nguy cơ của các ca bệnh từ bên ngoài vào trong nước;
Và cuối cùng, các cộng đồng được giáo dục đầy đủ, tham gia và trao quyền để điều chỉnh theo “quy chuẩn mới”.
Người đứng đầu WHO cũng cảnh báo rằng hoạt động kinh doanh không thể trở lại như thường lệ dù đại dịch đã qua, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư vào các hệ thống y tế.
Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh, khi chúng ta nỗ lực ứng phó với đại dịch này, chúng ta cũng phải nỗ lực hơn để chuẩn bị cho lần tiếp theo. Và hiện là cơ hội để đặt nền móng cho các hệ thống y tế có sức chống chọi bền bỉ trên toàn thế giới vốn đã bị lơ là quá lâu.
Điều đó bao gồm các hệ thống có khả năng chuẩn bị, ngăn chặn và ứng phó với các mầm bệnh mới nổi.
“Nếu chúng ta học được bất cứ điều gì từ Covid-19, thì chắc chắn đó chính là bài học: đầu tư vào sức khỏe bây giờ sẽ cứu được cuộc sống sau này..”, Tổng giám đốc WHO kêu gọi.