WHO lên tiếng sau khi ông Trump đột ngột “dứt áo”
Tổng giám đốc WHO nói rằng ông lấy làm tiếc khi Trump cắt ngân sách nhưng ông kêu gọi thế giới đoàn kết chống Covid-19.
“Mỹ đã là người bạn lâu năm và hào phóng của WHO, chúng tôi hy vọng họ sẽ tiếp tục như vậy”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong cuộc họp báo tại Thụy Sĩ ngày 15/4. “Chúng tôi lấy làm tiếc về quyết định của Tổng thống Mỹ”.
WHO vẫn đang đánh giá tác động của động thái này và sẽ “cố gắng lấp đầy bất kỳ khoảng trống nào với các đối tác”, Tedros nói thêm. “Nhưng giờ là lúc thế giới đoàn kết trong trận chiến chung chống lại kẻ thù nguy hiểm”.
Tổng giám đốc cho biết thêm WHO sẽ tự đánh giá cách xử lý đại dịch “vào thời điểm thích hợp”. “Chắc chắn chúng tôi sẽ xác định những điểm cần cải thiện sẽ có những bài học cho tất cả chúng ta”, ông cho biết.
Trước đó, Tedros viết trên Twitter rằng “không có thời gian để lãng phí. Trọng tâm duy nhất của WHO là hỗ trợ tất cả mọi người để cứu sống mạng người và ngăn chặn Covid-19”,
Tedros cũng đăng trên Twitter chiến lược đối phó dịch được cập nhật hôm 14/4 của WHO. Chiến lược này “hướng dẫn cách phản ứng ở cấp quốc gia và địa phương, bao gồm hướng dẫn thực tế phù hợp với bối cảnh địa phương”, ông viết.
“Một trong những điều chính chúng tôi học được trong những tháng qua về Covid-19 là chúng ta càng nhanh chóng phát hiện, xét nghiệm, cách ly và điều trị người nhiễm càng nhanh thì chúng ta càng khiến virus khó lây lan”, Tedros cho biết. “Nguyên tắc này sẽ cứu sống nhiều người và giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch”.
Trump hôm 14/4 ra quyết định ngừng cấp ngân sách và “thực hiện đánh giá làm rõ vai trò của WHO trong việc khiến thế giới mắc sai lầm nghiêm trọng khi đối phó Covid-19 và che đậy sự lây lan của nCoV”. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng WHO không minh bạch về Covid-19 và Washington sẽ thảo luận xem “nên dùng số tiền đáng lẽ về tay WHO như thế nào”.
Động thái của Trump đã vấp phải sự phản đối từ Liên Hợp Quốc, Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Liên minh châu Phi và tỷ phú Bill Gates, nhà ủng hộ lớn cho WHO thông qua quỹ từ thiện của mình. Bắc Kinh cho rằng Washington “làm xói mòn hợp tác quốc tế chống lại dịch bệnh” trong khi Nga chỉ trích Mỹ “ích kỷ”.
Mỹ là bên đóng góp lớn nhất cho WHO với hơn 400 triệu USD năm 2019. Trong khi đó, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, không nằm trong số các nhà tài trợ hàng đầu. Theo NPR, ba nhà tài trợ lớn nhất tiếp theo là Quỹ Bill & Melinda Gates, Liên minh GAVI và Anh.
Covid-19 xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn hai triệu người nhiễm, gần 129.000 người tử vong và hơn 492.000 người bình phục.
Phương Vũ (Theo Reuters)