+
Aa
-
like
comment

WHO khuyến nghị tiêm chủng vaccine Covid-19 theo nguyên tắc “có đi có lại”

19/02/2021 20:44

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng nên ưu tiên vaccine Covid-19 cho nhân viên y tế tuyến đầu, làm việc trong điều kiện đầy rủi ro cho gia đình và bản thân, theo nguyên tắc “có đi có lại”.

Bộ Y tế ngày 17/2 cho phép Công ty AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu 204.000 liều vaccine để phục vụ nhu cầu khẩn cấp chống Covid-19. Trao đổi với PV sáng 18/2, ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết nhóm người được tiêm vaccine đầu tiên sẽ căn cứ theo Luật truyền nhiễm của Việt Nam và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Những khuyến nghị của WHO về triển khai vaccine Covid-19, bao gồm:

Nhóm ưu tiên

WHO tin rằng khi vaccine Covid-19 an toàn, hiệu quả được phê duyệt, người dân khắp thế giới đều có quyền được tiếp cận chương trình tiêm chủng. Song ban đầu, khi nguồn cung còn hạn chế, cần ưu tiên những người có nguy cơ nhiễm và tử vong cao nhất.

Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc không đưa ra văn bản cụ thể quy định độ tuổi, nhóm dân số nên sử dụng vaccine trước. Quyết định này phụ thuộc vào từng quốc gia, tùy theo vị trí địa lý, cơ cấu nhân khẩu và tuổi thọ trung bình. Song WHO đề xuất đối tượng ưu tiên bao gồm nhân viên y tế tuyến đầu có nguy cơ nhiễm bệnh cao, người lớn tuổi, mắc bệnh nền như tim mạch, tiểu đường.

Theo cơ quan, cần tiêm chủng trước cho nhân viên y tế bởi đây là nhóm lao động thiết yếu, gián tiếp ảnh hưởng đến diễn biến đại dịch. Nhiều bằng chứng cho thấy nhân viên y tế có nguy cơ mắc và lây truyền nCoV cho người khác cao hơn.

WHO cũng nhắc đến nguyên tắc “có đi có lại”. Tổ chức cho biết nhân viên y tế đóng vai trò quan trọng trong các chương trình phản ứng với Covid-19, làm việc trong điều kiện khắc nghiệt và đầy thử thách, đặt tính mạng của bản thân và gia đình vào tình thế rủi ro. Vì vậy, họ xứng đáng được tiêm vaccine trước.

Nhóm tiếp theo là người già, có bệnh nền tùy thuộc vào từng khu vực. Đối tượng ưu tiên khác là giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và công nhân viên chức làm việc tại trường học. Sau đó, cần tiêm vaccine cho lao động tuyến đầu ngoài ngành nghề y tế và giáo dục, ví dụ cảnh sát, công nhân nhóm ngành nông nghiệp, thực phẩm, giao thông vận tải…

Theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, nhóm được tiêm vaccine đầu tiên tại Việt Nam sẽ căn cứ theo Luật truyền nhiễm và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo Mục 5, Luật Phòng chống Bệnh truyền nhiễm 2007, vaccine, sinh phẩm y tế được sử dụng tự nguyện hoặc bắt buộc.

Đối với hình thức tự nguyện, mọi người đều có quyền sử dụng vaccine để bảo vệ sức khoẻ cho mình và cho cộng đồng. Thầy thuốc, nhân viên y tế trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị cho người mắc bệnh truyền nhiễm, người làm việc trong phòng xét nghiệm tiếp xúc với tác nhân gây bệnh truyền nhiễm được sử dụng miễn phí vaccine, sinh phẩm y tế.

Đối với hình thức bắt buộc, nhóm cần tiêm chủng là người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch. Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng. Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc.

Vaccine với trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, cho con bú

Hôm 1/2, WHO điều chỉnh khuyến nghị về việc tiêm phòng Covid-19 cho phụ nữ có thai. Trên trang web chính thức, cơ quan nêu rõ: “Dựa vào những gì đã biết về vaccine, chúng tôi không thấy rủi ro khi chủng ngừa cho phụ nữ có thai lớn hơn lợi ích”. Ban đầu, tổ chức cho rằng phụ nữ mang thai chỉ nên tiêm chủng nếu thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm nCoV (nhân viên y tế tuyến đầu hoặc có bệnh nền).

Tình nguyện viên tiêm vaccine Covid-19 tại Mỹ, tháng 10/2020. Ảnh: NY Times
Tình nguyện viên tiêm vaccine Covid-19 tại Mỹ, tháng 10/2020. Ảnh: NY Times

Các loại vaccine dựa trên mRNA, do Pfizer-BioNTech và Moderna sản xuất, chưa được thử nghiệm ở thai phụ. Song trong các nghiên cứu trên động vật, chúng không để lại bất cứ tác dụng phụ nào. Các chuyên gia cũng cho biết công nghệ mRNA khá an toàn.

Nhóm Chuyên gia Cố vấn Chiến lược WHO (SAGE) thừa nhận việc thiếu dữ liệu về tính an toàn của vaccine ở phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên, cơ quan nói thêm các liều tiêm không gây ra rủi ro, khuyến khích nhân viên y tế vừa sinh con tiêm phòng.

WHO chưa đưa ra khuyến nghị về việc tiêm vaccine cho trẻ nhỏ, nhưng SAGE cho biết vaccine Moderna nên được sử dụng cho người từ 18 tuổi trở lên.

Hậu cần và phân phối

Các loại vaccine Covid-19 đều cần bảo quản lạnh hoặc siêu lạnh. Việc thành lập một đội ngũ quản lý chuỗi cung ứng là rất quan trọng trong bước đầu triển khai tiêm chủng. Theo WHO, các quốc gia nên xây dựng uỷ ban chuyên trách nhằm giáo dục nhận thức về vaccine và chương trình phân phối công bằng Covax. Cơ quan lưu ý đối tượng truyền thông sẽ khác với các hoạt động giới thiệu vaccine thông thường.

Dưới sự hướng dẫn của Ủy ban Điều phối Quốc gia Covax (CNCC), Nhóm Công tác Kỹ thuật Covax (CTWG) và Nhóm Công tác Logistics Quốc gia (NLWG), các nước có thể giao trách nhiệm tiếp nhận và nghiệm thu vaccine cho các đơn vị phù hợp. Hệ thống hậu cần quốc gia cần đảm bảo lưu trữ hải quan tạm thời, đưa vaccine từ sân bay đến kho dự trữ quốc gia, điều phối phương tiện vận chuyển vaccine an toàn đến tất cả các tỉnh, thành phố, quận, huyện.

Để ngăn ngừa vấn nạn hàng giả và gian lận, WHO đề xuất mỗi nước xem xét đưa ra biện pháp theo dấu vaccine phù hợp như sử dụng mã vạch, mã QR. Phương pháp này có thể giúp truy xuất nguồn gốc, theo dõi thông tin quan trọng, đường đi của các liều tiêm.

Thục Linh (Theo WHO, UN)

Bài mới
Đọc nhiều