WHO công bố tên virus corona mới
WHO công bố tên chủng virus corona mới gây ra dịch viêm phổi cấp là “Covid-19”.
“Chúng tôi đã đặt tên cho dịch bệnh, đó là Covid-19”, giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại Geneva, Thụy Sĩ hôm nay. Ông giải thích rằng “co” là viết tắt của corona, “vi” là virus và “d” là dịch bệnh (disease).
Ông Ghebreyesus cho biết “Covid-19” được chọn vì “không liên quan đến vị trí địa lý, loài động vật, cá nhân hay nhóm người nào, đồng thời dễ phát âm và liên quan đến căn bệnh”.
“Việc định danh đóng vai trò quan trọng nhằm tránh tình trạng sử dụng những cái tên khác có thể không chính xác hoặc thể hiện sự kỳ thị, đồng thời cung cấp định dạng tiêu chuẩn để sử dụng cho bất cứ dịch bệnh nào do virus corona gây ra trong tương lai”, người đứng đầu WHO nói.
WHO trước đó tạm thời gọi dịch bệnh do chủng virus corona mới gây ra là “viêm đường hô hấp cấp 2019-nCoV”, trong khi Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết họ tạm thời gọi đây là “dịch viêm phổi virus corona mới”, viết tắt là NCP.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố bệnh viêm phổi do virus corona là “mối đe dọa nghiêm trọng”, kêu gọi đẩy nhanh việc tìm thuốc và vaccine.
Tuyên bố được ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra ngày 11/2 trong cuộc họp hai ngày của WHO tại Geneva nhằm thảo luận về việc tăng tốc quá trình điều chế thuốc, vaccine và chẩn đoán bệnh.
“Với 99% số ca bệnh ghi nhận tại Trung Quốc, đây là trường hợp khẩn cấp đối với quốc gia. Song, nó cũng là mối đe dọa vô cùng nghiêm trọng cho phần còn lại của thế giới”, Tedros nói.
Cuộc họp có 400 nhà nghiên cứu và giới chức của nhiều nước tham gia, trong đó có những người tham dự trực tuyến từ Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Số ca nhiễm bệnh đến nay vượt quá 40.000, số người chết quá 1.000, tuyệt đại đa số ở Trung Quốc.
“Vấn đề cốt yếu là đoàn kết, đoàn kết, đoàn kết. Điều này đặc biệt đúng trong việc chia sẻ các mẫu và trình tự gene của virus”, Tedros nói. “Để đánh bại dịch bệnh này, chúng ta cần chia sẻ cởi mở và công bằng, theo các nguyên tắc về sự công bằng và khách quan”.
Trước đó ông cũng nhắc đến mối lo ngại sâu sắc về nguy cơ lây nhiễm ở những người chưa từng đến Trung Quốc, sau các ca mới đây tại Anh và Pháp. “Sự phát hiện một số ít ca nhiễm có thể là tia lửa dẫn đến đám cháy lớn. Giờ đây khi nó mới là tia lửa, chúng ta cần ngăn chặn nó để không thành đám cháy”.
Tiến sĩ Mike Ryan, chuyên gia trưởng của WHO, phát biểu rằng hội nghị này là “một sáng kiến tuyệt vời để tập trung tất cả những hiểu biết của chúng ta”. Mục tiêu là xác định các vấn đề và đưa ra thông tin khoa học, phục vụ các nỗ lực y tế đang rất cấp thiết hiện nay, ông nói.
“Đây không chỉ là các bài phát biểu khoa học, có những việc lớn cần làm để điều phối toàn bộ quá trình, Ryan nói, và nhấn mạnh yêu cầu “đảm bảo sự tiếp cận công bằng” tới bất kỳ sản phẩm nào có được nhờ các kết quả nghiên cứu.
Các chuyên gia vẫn chưa lý giải được nguồn gốc virus đã lây lan nhanh chóng từ một khu chợ hải sản có buôn bán cả động vật hoang dã, nằm trong trung tâm thành phố Vũ Hán. Tuy nhiên, nhiều người phỏng đoán, chủng mới của corona cư trú trong cơ thể của dơi. nCoV lây qua giọt bắn của người bệnh khi ho hoặc hắt hơi.
Trước đó, vào ngày 9/2, phái đoàn chuyên gia y tế do WHO dẫn đầu đã lên đường tới Bắc Kinh để hỗ trợ Trung Quốc trong bối cảnh bệnh viêm phổi leo thang nhanh chóng. Sylvie Briand, lãnh đạo cơ quan Phòng chống Rủi ro Truyền nhiễm Toàn cầu tại WHO cũng cho biết, cơ quan này đã thảo luận về danh sách bao gồm 15 chuyên gia. Người đứng đầu phái đoàn là Bruce Aylward, nhà dịch tễ học người Canada từng chỉ huy cuộc chiến chống dịch Ebola ở Tây Phi vào năm 2014.
Dịch viêm phổi cấp khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và đã lan rộng 26 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến hơn 43.000 người lây nhiễm và 1.018 người thiệt mạng. Chính quyền Vũ Hán đã tiếp tục siết lệnh phong tỏa, yêu cầu giám sát chặt chẽ hơn những tòa nhà có trường hợp nhiễm virus.
Hồng Anh (Theo Reuters)