WHO chưa biết khi nào dịch Covid-19 có thể được khống chế
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới nhận định chưa biết được khi nào có thể khống chế được dịch Covid-19, kể cả vào mùa hè.
“Hiện chưa thể đánh giá được khi nào dịch bệnh Covid-19 có thể được khống chế” – đây là khẳng định của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus về tình hình diễn biến đang rất phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay.
Hầu hết các khu vực trên thế giới đều đang căng mình chống dịch, với một châu Âu đang chứng kiến số người nhiễm mới tăng lên từng giờ, trong khi châu Mỹ cũng xếp hàng các nước thông báo trường hợp nhiễm mới đầu tiên.
Theo Tổng Giám đốc WHO, tình hình diễn biến của dịch Covid-19 sẽ còn rất phức tạp, do đây là một chủng virus hoàn toàn mới, các nhà khoa học đang làm việc rất tích cực để phân tích đặc tính của chủng virus này, và cũng cần thời gian để đánh giá chủng này có tính chất theo mùa hay không, nhằm tìm ra phương pháp điều trị và phòng ngừa.
Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp y tế thế giới Michael Ryan cũng nhận định: “Chúng tôi phải thừa nhận rằng virus sẽ tiếp tục lan rộng và sai lầm khi hi vọng nó sẽ biến mất vào thời điểm mùa hè giống như cúm mùa. Chúng ta hi vọng điều đó xảy ra nhưng hiện không có bằng chứng nào cho thấy điều đó xảy ra. Chúng ta phải chống lại virus ngay bây giờ chứ đừng sống với hi vọng virus có thể tự biến mất”.
Tính đến sáng 8/3, Covid-19 xuất hiện tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 106.065 người nhiễm Covid-19, trong đó 3.598 trường hợp tử vong.
Đáng lo ngại nhất hiện nay là tại châu Âu. Với số trường hợp nhiễm mới tăng lên hơn 1.200 người trong 24 giờ qua, Italy đang có kế hoạch áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt hơn vùng Lombardy giàu có và đông dân nước này, bao gồm trung tâm tài chính Milan và 11 tỉnh khác như một biện pháp ngăn chặn dịch lan rộng. Số trường hợp nhiễm virus tại Anh tăng lên 209 trường hợp, Pháp 336 ca với 5 trường hợp tử vong…
Một số chuyên gia dịch tễ học châu Âu đã bày tỏ lo ngại về các biện pháp phòng dịch của chính quyền các quốc gia châu Âu mà theo họ là chưa đủ mạnh để có thể kiểm soát được dịch bệnh. Giới chuyên gia cũng cảnh báo việc các quốc gia châu Âu chưa sẵn sàng cho các tình huống xấu khi dịch bệnh bùng phát mạnh, như không đủ số giường bệnh, thiếu nhân lực trong ngành y để có thể tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân cần nhập viện. Đó còn là chưa kể tới các thiết bị y tế, khẩu trang cá nhân, nước tiệt trùng đang bị thiếu trầm trọng.
Trong khi châu Âu đang bùng phát dữ dội các trường hợp nhiễm virus mới thì khu vực châu Mỹ có thêm hàng loạt nước thông báo trường hợp nhiễm đầu tiên. Bộ Y tế Argentina hôm 8/3 đã xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên do nhiễm virus SARS-CoV-2, cũng là ca tử vong đầu tiên tại khu vực Mỹ Latin.Costa Rica và Colombia, Paraguay cũng thông báo trường hợp nhiễm đầu tiên. Thủ đô Washington của Mỹ cũng xác nhận trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên, trong khi bang New York phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
2 vùng đỏ khác trong dịch Covid-19 lần này là Hàn Quốc và Iran vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt với Hàn Quốc thông báo 367 trường hợp nhiễm mới hôm qua, trong khi Iran con số nhiễm bệnh đã lên tới hơn 5. 800 người và có 145 trường hợp tử vong.
Người đứng đầu nhóm hoạt động khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới Rick Brennan cho biết, nhóm chuyên gia quốc tế đang đến nước này để trợ giúp Iran đối phó với Covid-19: “Chúng tôi đánh giá cao đội ngũ y tế của Iran đang nỗ lực kiểm soát dịch tại nước này. Tuy nhiên chúng ra còn nhiều việc phải làm. Tôi cam kết Tổ chức Y tế Thế giới sẽ đưa ra tất cả sự hỗ trợ để giúp chính phủ Iran đối phó với virus và chúng tôi lạc quan với sự phối hợp chặt chẽ, chúng ta có thể đạt được kết quả”.
Đông Nam Á mặc dù vẫn xuất hiện trường hợp nhiễm mới nhưng được giới chuyên gia quốc tế đánh giá kiểm soát dịch khá tốt. Tổng Giám đốc WHO hôm qua đánh giá cao việc Việt Nam đã tiến hành ngay từ sớm nhiều biện pháp hiệu quả, đặc biệt là các cam kết chính trị của Lãnh đạo cấp cao và sự quyết tâm, vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp và các địa phương, nhờ đó giúp kiểm soát dịch bệnh.
Ông Ghebreyesus cũng hoan nghênh sự phối hợp hiệu quả giữa các nước ASEAN và vai trò Chủ tịch tích cực của Việt Nam trong lĩnh vực này là rất quan trọng, đã góp phần kiểm soát dịch Covid- 19 trong khu vực. Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc WHO cho biết đã khuyến nghị Liên minh châu Phi tham khảo mô hình phối hợp của ASEAN nhằm kiểm soát dịch tại châu Phi.
Phạm Hà/VOV