+
Aa
-
like
comment

WB: Trong bất ổn toàn cầu, Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn

Đông Duy - 13/11/2023 17:10

Thế giới đang trải qua một giai đoạn đầy biến động, với những thách thức chưa từng có từ trước đến nay. Xung đột giữa các quốc gia, sự bất ổn chính trị nội tại của các nước lớn, biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19… đã và đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.

Trụ sở Ngân hàng Thế giới World Bank.
Trụ sở Ngân hàng Thế giới World Bank.

Một năm đầy biến động

Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới sẽ bước vào giai đoạn suy thoái trong năm 2023. Những chỉ số kinh tế của các nước lớn đều đang có xu hướng đi xuống. Tăng trưởng GDP của Mỹ dự kiến chỉ đạt 2,3%, thấp hơn nhiều so với mức 2,9% trong năm 2022. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự kiến chỉ đạt 4,5%, thấp hơn nhiều so với mức 8,1% trong năm 2021. Khu vực châu Âu cũng đang đối mặt với những thách thức lớn, do tác động của xung đột Nga-Ukraine và lạm phát tăng cao.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới. Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 dự kiến sẽ chỉ đạt 6,5%, thấp hơn nhiều so với mức 7,7% trong năm 2022.

Trong bất ổn toàn cầu, Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn

Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những lợi thế nhất định để vượt qua những thách thức này. Thứ nhất, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, với tốc độ tăng trưởng cao và tiềm năng lớn. Thứ hai, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, giá cả cạnh tranh và môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện. Thứ ba, Việt Nam đang được hưởng lợi từ chiến lược đầu tư “Trung Quốc +1” của các doanh nghiệp nước ngoài.

Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam công bố ngày 17/10 nhận định, các cam kết FDI mới tiếp tục phản ánh niềm tin của nhà ĐTNN đối với tiềm năng của Việt Nam bất chấp những bất ổn toàn cầu. Bên cạnh lòng tin của các nhà đầu tư vào tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của đất nước, Việt Nam dường như còn được hưởng lợi từ chiến lược đầu tư “Trung Quốc +1”.

Trong các cuộc làm việc gần đây với lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, thông điệp từ khu vực ĐTNN tiếp tục cho thấy mối quan tâm lớn đến Việt Nam và sẽ nhanh chóng có những đăng ký thực tế.

Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ ngày 25/10, bà Emily Blanchard, Kinh tế trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá cao những thành tựu nổi bật về tăng trưởng kinh tế và điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Việt Nam thời gian qua, bày tỏ tin tưởng với môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện, như việc khai trương cơ sở mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, việc tham gia các thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao… sẽ góp phần thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Hoa Kỳ.

Từ đầu năm đến ngày 20/10/2023, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút gần 18,84 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 45,8% so với cùng kỳ 2022. 
Từ đầu năm đến ngày 20/10/2023, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút gần 18,84 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 45,8% so với cùng kỳ 2022.

Trước đó, tại cuộc gặp mặt của Thủ tướng với các nhà ĐTNN ngày 16/10/2023, ông Gaur Dattatreya, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Bosch Global Software Technologies nhận định, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua một thời điểm hết sức khó khăn, buộc các doanh nghiệp phải đánh giá lại bối cảnh đầu tư toàn cầu và khiến cho sự cạnh tranh giữa các quốc gia để duy trì và thu hút đầu tư ngày càng khốc liệt. Trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều khó khăn cũng như cơ hội này, Công ty vẫn luôn tin vào tiềm năng của đất nước và con người Việt Nam, về khả năng bứt phá, cũng như định hướng của Chính phủ về việc đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nguồn đầu tư chất lượng cao và công nghệ cao.

Bà Lại Minh Thúy, Giám đốc Khối giải pháp tài chính và thương mại thuộc Ngân hàng Citibank kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Việt Nam được dự đoán là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm 2030. Sự ổn định kinh tế vĩ mô là nhân tố giúp lĩnh vực sản xuất trở nên hấp dẫn đối với các tập đoàn toàn cầu trong các ngành công nghiệp điện tử, điện thoại thông minh và dệt may. Bên cạnh đó, triển vọng đối với khu vực ĐTNN là rất vững vàng khi Việt Nam gặt hái được nhiều lợi ích từ việc thực hiện các hiệp định thương mại và đầu tư khác nhau được ký kết trong những năm gần đây.

Đại diện các nhà ĐTNN cũng khuyến nghị nhiều giải pháp để Việt Nam tận dụng cơ hội thu hút dòng vốn mới. Ông David Whitehead, Phó Chủ tịch Auscham nhấn mạnh, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cần điều chỉnh tổng thể về quy trình, thủ tục cấp phép, đảm bảo quy định rõ ràng về sử dụng đất, ưu đãi thuế và cấp giấy phép lao động cũng như lược bỏ các thủ tục, quy định không cần thiết về điều kiện kinh doanh. Điều này sẽ giúp thu hút đầu tư FDI quy mô lớn vào Việt Nam, đặc biệt là vào các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh tổng thể, xây dựng môi trường pháp lý theo các tiêu chuẩn toàn cầu. Chính phủ cần làm rõ những quy định pháp lý đang cản trở việc triển khai hiệu quả ĐTNN cũng như xem xét thận trọng các dự thảo luật, quy định để tránh áp dụng những thủ tục tạo thêm gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp.

WB nhận định, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và đẩy mạnh đầu tư vào nguồn nhân lực (đặc biệt là kỹ năng công nghệ cao) sẽ giúp Việt Nam thu hút FDI công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và tăng năng suất trong dài hạn.

Đông Duy

Bài mới
Đọc nhiều