WB, IMF và ADB có dự đoán khác nhau, vậy xếp hạng GDP của Việt Nam ở Đông Nam Á hiện tại thế nào?
Sau thời gian dài giãn cách do Covid-19, World Bank, IMF và ADB lần lượt thay đổi dự đoán GDP năm 2021 của Việt Nam. Mỗi tổ chức lại dự báo một thứ hạng khác nhau về quy mô GDP trong khu vực ASEAN năm 2021, vậy chung quy xếp hạng GDP của Việt Nam ở Đông Nam Á hiện tại thế nào?
Theo dự báo trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) mới cập nhật ngày đầu tháng 10 của IMF, nhiều khả năng trong năm 2021, Việt Nam sẽ đứng thứ 6 Đông Nam Á về quy mô kinh tế, với mức tăng trưởng 3,8%, đạt 353,77 tỷ USD. Trong khi đó, Malaysia sẽ vươn lên đứng thứ 4 trong khu vực với mức tăng trưởng 6,5% và đạt 358,19 tỷ USD.
Còn theo dự báo mới nhất của ADB, Việt Nam sẽ đứng ở vị trí thứ 5. Trong khi Singapore giành lại vị trí thứ 4 về quy mô kinh tế với mức tăng trưởng 6,5%, đạt 359,38 tỷ USD. Malaysia được ADB dự báo mức tăng trưởng 4,7%, thấp hơn so với mức dự báo 6,5% của IMF. Nên theo ADB, vị trí của Malaysia về GDP vẫn chưa được cải thiện trong năm nay.
ADB đánh giá, tăng trưởng GDP Việt Nam đã phục hồi trong nửa đầu năm 2021, phần lớn bởi sự mở rộng thương mại. Tuy nhiên, tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã gây ảnh hưởng tiêu cực nguồn cung lao động, làm giảm sản lượng công nghiệp và phá vỡ chuỗi giá trị nông nghiệp.
Dự báo của ADB cho Việt Nam dựa trên giả định tình hình dịch bệnh tại Việt Nam sẽ được kiểm soát vào cuối năm 2021, và tiêm chủng đầy đủ cho 70% dân số vào quý 2 năm 2022.
Mức dự báo của World Bank cho tăng trưởng kinh tế của Malaysia thấp hơn thấp hơn hẳn so với IMF và ADB với 3,3%. Đồng thời, tổ chức này cũng lạc quan hơn so với IMF và ADB về tăng trưởng kinh tế Việt Nam, khiến thứ hạng giữa các nền kinh tế không có sự thay đổi so với năm 2020.
World Bank đánh giá: “Mặc dù có khả năng chống chịu tương đối tốt, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế ngày càng nghiêm ngặt hơn nhằm kiểm soát đợt bùng phát dịch tháng 4 trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp”.
World Bank cũng nhận định, trong phần còn lại của 2021, chính sách tiền tệ được kỳ vọng tiếp tục nới lỏng và cho phép doanh nghiệp được gia hạn thời hạn trả nợ. Chính sách tài khóa sẽ mang tính hỗ trợ hơn thông qua đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư công, đặc biệt sau khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
Trong dài hạn, World Bank vẫn cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi. Theo tổ chức này, những dự báo báo này được tính toán trên giả định là các biện pháp hạn chế đi lại sẽ giúp kiểm soát lây nhiễm thành công vào cuối quý III để nền kinh tế bật lại vào quý IV/2021.
Sự phục hồi kinh tế toàn cầu được duy trì sẽ đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ở những thị trường xuất khẩu chủ lực (Mỹ, EU, Trung Quốc). Bên cạnh đó, quá trình phục hồi cũng sẽ được hỗ trợ bằng chiến dịch tiêm chủng diện rộng, giúp ngăn ngừa việc xảy ra các đợt dịch nghiêm trọng mới.
Bảo Vân (Theo IMF, ADB, World Bank)