Washington như “pháo đài thời chiến” trước lễ nhậm chức của ông Joe Biden
Một tuần trước lễ nhậm chức của ông Joe Biden, trung tâm thủ đô Washington D.C trông không khác gì một thành phố đang chuẩn bị cho chiến tranh.
Cả một khu vực rộng lớn của thủ đô bị phong tỏa, được vệ binh quốc gia tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt. Đó là một phần hiện thực trong kế hoạch tăng cường an ninh tại Washington, một chiến dịch củng cố an ninh ở cấp độ chưa từng thấy kể từ kỳ Nội chiến.
Trên 25.000 binh sĩ, nhân viên thực thi pháp luật, quân đội, tình báo đã được huy động để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trước khi ông Biden lên tuyên thệ nhậm chức. Ngầm sau đó, rất nhiều đặc vụ, công tố viên, chuyên gia phân tích liên bang đang truy tìm, dõi theo âm mưu gây mất ổn định để đối phó với thách thức an ninh lớn nhất kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001.
“Chúng tôi quan ngại về nguy cơ bạo lực xuất hiện trong nhiều vụ biểu tình, tuần hành đã được lên kế hoạch, với địa điểm dự kiến là ở Washington, cũng như trụ sở cơ quan công quyền tại các tiểu bang trên khắp nước Mỹ trong những ngày tới”, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christoper Wray phát biểu tại cuộc họp báo ngắn hôm 14/1, đồng thời cho biết kể từ ngày 6/1, FBI đã xác định được trên 200 nghi phạm, bắt giữ 100 đối tượng.
Lễ nhậm chức luôn là sự kiện quan trọng, với cấp độ bảo đảm an ninh ở mức cao nhất. Nhưng các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ còn phải đẩy mạnh chiến dịch bảo vệ hơn nữa sau vụ người biểu tình gây bạo loạn tại Điện Capitol hôm 6/1.
Sở Mật vụ – đầu mối phụ trách an ninh cho lễ nhậm chức, đã kích hoạt trung tâm điều phối đa cơ quan, nhằm kết nối các đầu mối chuyên về an ninh, tình báo, cảnh sát cấp liên bang, bang và chính quyền sở tại.
Có đến hơn 20 cơ quan bảo đảm an ninh công được huy động cho sự kiện này, trong đó có lực lượng thực thi pháp luật, cứu hỏa, cứu thương, cứu hộ khẩn cấp. FBI cũng đang giữ vai trò điều phối chính đối với Lực lượng đặc trách chống khủng bố hỗn hợp (JTTF), nhằm chia sẻ tin tức tình báo và thông tin về nguy cơ đe dọa giữa các lực lượng đang hoạt động tại Washington D.C.
Bên cạnh việc gia cố an ninh tại Điện Capitol, chính quyền thành phố Washington D.C cũng đã đóng cửa một phần lớn các tuyến đường giao thông, ga tàu điện ngầm, điều chuyển hướng đi của các tuyến xe buýt. Khu Trung tâm Quốc gia (National Mall), một địa điểm truyền thống thường tập trung đông người trong lễ nhậm chức, nhiều khả năng cũng sẽ bị đóng cửa.
Ngoài Washington, FBI cũng đã thiết lập các cứ điểm chỉ huy tại tất cả các văn phòng đại diện đặt trên cả nước. FBI cũng khuyến khích quan chức cấp bang, địa phương chia sẻ thông tin tình báo mà họ nắm được về nguy cơ đe dọa.
Các công ty cũng vào cuộc với lực lượng chức năng. Hãng hàng không Delta Air Lines ngừng chuyên chở vũ khí đến Washington hết ngày 20/1, ngoại trừ vũ khí của lực lượng thực thi pháp luật.
Một thách thức đặc trưng mà các cơ quan an ninh, cảnh sát, tình báo của Mỹ đang phải đối mặt là việc đe dọa đến chính từ các công dân Mỹ. Trong gần hai thập kỉ qua, các cơ quan này hướng trọng tâm, chiến dịch hoạt động vào việc truy lùng các phần tử khủng bố nước ngoài, một số rất ít phần tử bị tác động, cực đoan hóa do hoạt động tuyên truyền của chủ nghĩa khủng bố.
Nhưng vụ chiếm giữ tòa nhà Quốc hội vừa qua đã làm lộ một thực tế: Nguy cơ hiện hữu về một cuộc biểu tình bạo loạn, vũ lực của hàng nghìn công dân Mỹ, số bị kích động bạo lực bởi những chính sách chính trị đối nội và các chính trị gia Mỹ.