Washington đang định hướng cho Ukraine kéo dài đàm phán
Trang mạng “Đời sống quốc tế” của Nga số ra mới đây có bài viết để trả lời cho câu hỏi “Liệu Ukraine có duy trì được tư cách một quốc gia?”. Điều gì sẽ xảy ra với Ukraine khi chiến dịch quân sự đặc biệt kết thúc?
Ông Georgy Muradov, Phó Thủ tướng Cộng hoà Crimea, và ông Vladimir Konstantinov, người đứng đầu Hội đồng Nhà nước Crime, đã đưa ra một trong những câu trả lời đầu tiên về tương lai gần cho các vùng lãnh thổ được giải phóng.
Theo Phó Thủ tướng Muradov, việc thiết lập các cơ quan hành chính quân sự-dân sự đã bắt đầu ở vùng Kherson và phía Nam vùng Zaporozhye của Ukraine, vốn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga: “Ở đó đang diễn ra quá trình thành lập chính quyền quân sự-dân sự mới, quá trình phát sóng truyền hình và truyền thanh của Nga đã được khởi động, mọi người ngày càng sử dụng nhiều hơn đồng ruble của Nga trong các giao dịch của họ. Tất cả những điều này là những bước đi đúng hướng, bởi vì phía Đông Nam của Ukraine luôn là một phần quan trọng của nền văn minh Nga, đó là tỉnh Tauride”. Theo ông Muradov, những khu vực này hình thành nên một khu phức hợp kinh tế thống nhất với Crimea, là nơi cung cấp thực phẩm cho khách du lịch đến thăm bán đảo.
Trong tuyên bố của mình, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Crimea, ông Konstantinov đã đề cập đến một loạt các vấn đề: “Có vẻ như trong Chiến dịch đặc biệt mới nhận ra rằng cần can thiệp sâu đến mức độ nào vào những gì đang diễn ra trên lãnh thổ Ukraine. Chúng tôi loại bỏ tầng lớp phát xít. Bên dưới họ là một xã hội hoàn toàn bình thường, có khả năng tự tổ chức. Thực tế chỉ ra rằng nó không hoạt động theo cách đó. Những di căn từ chủ nghĩa phát xít đã xâm nhập khắp nơi, vào mọi cơ quan của xã hội Ukraine. Chưa kể đến chính quyền của các khu định cư đã được giải phóng. Rõ ràng là cho đến khi các cuộc bầu cử mới được tổ chức và một chính phủ mới được bầu ra, chính phủ cũ không thể ở lại vị trí của họ. Những người này đã tự làm mất uy tín của mình. Điều này cũng áp dụng đối với các cơ quan có thẩm quyền tối cao của Ukraine, với những người đang tiến hành các cuộc đàm phán. Vì vậy, quyết định thành lập chính quyền quân sự-dân sự là kịp thời. Đã đến lúc sắp xếp mọi thứ theo trật tự. Tất nhiên, ở các vùng giải phóng sẽ thiếu hụt nhân lực rất lớn. Vì vậy, chúng tôi đã nói đùa rằng sẽ sớm có tuyển dụng các quan chức của chúng tôi cho các cơ quan này, sẽ cần rất nhiều nhân viên”. Rõ ràng, đây mới chỉ là các bước đi đầu tiên và thậm chí giai đoạn này sẽ còn gặp nhiều khó khăn, cần vận dụng nhiều nguồn lực vật chất và phi vật chất để thực hiện và không phải tất cả những nguồn lực đó có sẵn ở các vùng lãnh thổ được giải phóng.
Các lập trường cơ bản và kịch bản cơ bản đã được Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố ban đầu: mục đích của chiến dịch quân sự đặc biệt là bảo vệ các nước cộng hòa Donbass, quy chế trung lập, phi quân sự hóa và phi phát xít hoá Ukraine. Tiếp theo sẽ là một tuyên bố chính thức – Nga không có ý định chiếm đóng Ukraine. Tất cả những quan điểm này đánh dấu ranh giới của các cuộc điều động đối với tất cả các bên – Kiev và những kẻ đứng sau lưng họ – phương Tây chống Nga, Washington và NATO.
Quy mô và các nhiệm vụ hàng ngày của chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán. Như nhà khoa học chính trị Yevgeny Minchenko cho biết tiến trình của các cuộc đàm phán hoà bình sẽ phụ thuộc trực tiếp vào tình hình hoạt động chiến sự: “Các thỏa thuận chỉ có thể nảy sinh tại thời điểm đạt được điểm cân bằng. Nghĩa là khi Kiev nhận ra rằng việc tiếp tục kháng cự là vô nghĩa, và Moskva trong tình huống này sẽ đồng ý với việc chấm dứt các hoạt động quân sự. Trước một bước ngoặt như vậy, cơ hội đàm phán thành công có vẻ khá thấp, việc đạt được bất kỳ thỏa thuận tạm thời nào cũng hoàn toàn có khả năng bị Ukraine sớm từ chối tuân thủ chúng, như đã xảy ra mới thoả thuận Minsk”. Cần bổ sung thêm rằng kinh nghiệm 8 năm đàm phán không có kết quả trong khuôn khổ tiến trình Minsk khiến người Nga trở nên quá khắt khe đối với phía Ukraine.
Một trong những lập trường mới nhất trong các cuộc đàm phán của Kiev như sau: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất thảo luận về các thỏa hiệp với Nga liên quan hiệp ước hòa bình cũng như Crimea và Donbass tại một cuộc trưng cầu dân ý. Đồng thời, theo ý kiến của ông Zelensky, chính cuộc trưng cầu ý dân phải diễn ra sau khi Ukraine nhận được những đảm bảo an ninh từ các nước NATO. Lần này, ông ta nói rằng nhân dân sẽ phải lên tiếng và đưa ra câu trả lời cho một số hình thức thỏa hiệp nhất định. Nhưng đồng thời, ông này lại để lại cho chế độ hiện tại quyền quyết định quy mô của họ: “họ sẽ như thế nào – đây là vấn đề của cuộc đàm phán và hiểu biết của chúng tôi, giữa Ukraine và Nga”.
Thông báo trưng cầu dân ý là một nỗ lực để kéo dài các cuộc đàm phán thành một câu chuyện bất tận, giống như các cuộc đàm phán Minsk. Ông Zelensky định tổ chức cuộc trưng cầu ý dân khi nào và ở phần lãnh thổ nào? Cách ông ta nói về điều này ngụ ý việc chấm dứt các hành động quân sự và tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Tôi cho rằng Kiev coi Donbass và Crimea cũng là phần lãnh thổ phải tiến hành trưng cầu ý dân.
Đây là một nỗ lực khác để lật ngược tình thế mà bỏ qua thực tế và cũng là nỗ lực tìm cách nhấn mạnh sự cần thiết của một quá trình chắc chắn là không thể thực hiện được. Đối với câu hỏi khi nào diễn ra cuộc trưng cầu ý dân, ông Zelensky, khi tuyên bố về đảm bảo an ninh, đã cho rằng tiến trình này nên được tiến hành sau khi quân đội Nga rút lui. Trong kế hoạch do Zelensky tuyên bố có thể thấy “bàn tay của nước ngoài”, được xem là yếu tố quyết định logic của phía Ukraine trong các cuộc đàm phán về các thoả thuận Minsk. Điều này đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, khi ông ta nói tại Warsaw rằng phương Tây cần chuẩn bị cho “cuộc đấu tranh lâu dài phía trước”. Cùng với các tuyên bố của Zelensky và Biden, chúng ta có câu trả lời rằng Washington đang định hướng cho Ukraine trì hoãn các cuộc đàm phán và tiếp tục các hành động thù địch.
Tình hình hiện không khác gì các cuộc đàm phán Minsk, điều đáng tiếc duy nhất là hậu quả khi nhiều người đang phải thiệt mạng ở Ukraine. Zelensky, người tự nhận mình là “Tổng thống của hòa bình”, cũng ở trong hoàn cảnh tương tự – áp lực từ những người theo chủ nghĩa dân tộc và các đối thủ chính trị, áp lực từ Washington. Điểm tương đồng của tình hình là thẩm quyền thực hiện thỏa thuận Minsk, Zelensky không thể làm việc này trước đây – ký thỏa thuận về giải quyết tình hình ở Ukraine, về tình trạng trung lập, về phi quân sự hoá và phi phát xít hoá. Giờ đây, ông ta cũng không thể làm điều này.
Một quan điểm khác cho phép chúng ta rút ra những điểm tương đồng với quy trình Minsk là một thỏa thuận về việc cung cấp vũ khí. Do đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, sau cuộc họp với phái đoàn Mỹ tại Warsaw đã “ám chỉ thoả thuận đạt được” về các bước đi cụ thể “giúp giảm số lượng tên lửa Nga bắn trúng các mục tiêu ở Ukraine”. Ông Kuleba làm liên tưởng tới các cuộc đàm phán về việc cung cấp hệ thống phòng không của Mỹ cho Ukraine để chống lại vũ khí tên lửa chính xác cao của Nga.
Điều này chỉ ra rằng một mặt, Ukraine sẵn sàng cho vòng đàm phán tiếp theo với Nga, mà ở đó sẽ bàn về việc phi quân sự hóa, trong khi mặt khác, họ đang thương lượng để được Mỹ cung cấp vũ khí. Ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã đưa ra các mục tiêu dễ hiểu và hoàn toàn phù hợp với các cuộc đàm phán giữa Nga với Ukraine: đối với Nga, mục tiêu của các cuộc đàm phán song phương là định hình các kết quả mà chiến dịch quân sự đặc biệt đang nhắm tới, đối với Ukraine là duy trì một quốc gia.
Ở đây phải thừa nhận rằng trong thời gian chiến dịch quân sự đặc biệt, tư tưởng chủ nghĩa dân tộc đã bộc lộ rõ bộ mặt thật của nó. Chủ nghĩa dân tộc đã biến những thành phố yên bình thành bãi chiến trường, lấy thường dân làm lá chắn, bất chấp cuộc sống và an toàn của họ. Thông thường, những người theo chủ nghĩa dân tộc sử dụng lời nói làm vũ khí để tấn công người Nga. Hỗ trợ cho những người theo chủ nghĩa dân tộc và các nhà báo phát xít ghê gớm là chính phủ Ukraine đương nhiệm, đang tiến hành các cuộc đàm phán hoà bình. Tôi nghĩ rằng khi đã trải qua tất cả những điều này, người dân ở các vùng lãnh thổ được giải phóng, như ở Crimea và Donbass, cuối cùng sẽ có thể thay đổi thái độ của họ đối với tình trạng của Ukraine.
Kiev không hiểu hoặc giả vờ không hiểu, rằng mặc dù chiến dịch quân sự đặc biệt đang diễn ra trên lãnh thổ Ukraine, nhưng Nga đã bước vào một cuộc đối đầu gay gắt không phải với Ukraine, mà là với phương Tây, với Washington, với các quy tắc chính trị quốc tế của Mỹ, đã thay thế một cách trắng trợn luật pháp quốc tế. Các quy tắc đó rất đơn giản – phương Tây và Washington có thể làm bất cứ điều gì: bắt đầu chiến tranh và tiến hành đảo chính, định hình lại nền kinh tế với sự hỗ trợ của các biện pháp trừng phạt và lực lượng quân sự, phá hủy thị trường nước ngoài… Moskva đã nhiều lần nói rằng điều này là không thể chấp nhận được, không liên quan đến các nước khác, cũng không liên quan đến Nga. Nhưng không ai chú ý đến cảnh báo này. Hơn nữa, NATO liên tục tiến sát biên giới của Nga một cách có chủ đích, với thái độ không thân thiện. Đi cùng với điều này là các lực lượng thù địch với Nga lên nắm quyền ở các quốc gia giáp biên giới với Nga.
Về Ukraine, tất cả những điều mà phương Tây đã làm với đất nước là những điều mà Nga cho là không thể chấp nhận được, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa-lịch sử, xã hội. Cụ thể: Mỹ đã thực hiện cái gọi là “các cuộc cách mạng dân chủ”, thúc đẩy tư tưởng chủ nghĩa dân tộc, thực hiện các nỗ lực tống tiền năng lượng và gây ảnh hưởng đến các dự án năng lượng của Nga (Dòng chảy phương Bắc 2), ủng hộ nguyện vọng tham gia NATO và hợp tác quân sự-kỹ thuật toàn diện với các nước thuộc liên minh quân sự này, hợp pháp hóa các nhóm vũ trang của những người theo chủ nghĩa dân tộc, từ chối ký các thoả thuận Minsk, pháo kích vào Donbass và cử lính đến phá hoại Crimea, chuẩn bị vũ lực “để giải quyết vấn đề” của cộng hoà Donbass. Tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh Washington ngạo mạn từ chối ký kết một thỏa thuận về đảm bảo an ninh quốc tế mới.
Cam kết của chính quyền Ukraine đối với việc phục vụ phương Tây càng làm dấy lên vấn đề đối với một nhà nước Ukraine hoạt động như vậy. Châu Âu có thể tự cứu mình và giúp Ukraine tồn tại nếu nước này bắt đầu thể hiện được tính chủ thể của mình, theo đuổi lợi ích của mình chứ không phải phục vụ cho tầm nhìn của Mỹ về thế giới. Châu Âu cần gì nếu họ có ý định duy trì tính chủ thể của mình trong chính trị quốc tế – một quốc gia láng giềng phi quân sự hoặc một vùng xám đối kháng với Nga? Một vùng xám sẽ đưa những kẻ cực đoan và dân tộc chủ nghĩa, những người tị nạn đến châu Âu? Nhưng đó chưa phải là tất cả – Washington muốn triển khai ở đâu đó cạnh biên giới Ukraine các trại huấn luyện, các cơ sở, các điểm tập kết chiến binh, sẽ thiết lập hành lang để vận chuyển vũ khí.
Có thể những điều này vẫn còn có vẻ xa vời, tuy nhiên, ở châu Âu, hậu quả kinh tế và xã hội của cuộc khủng hoảng Ukraine đã quá rõ ràng: tình hình cung cấp năng lượng không ổn định trong tương lai, các cuộc biểu tình vì giá nhiên liệu tăng cao, tình trạng thiếu lương thực…
Chỉ có một kết luận rằng hành vi mà Ukraine thể hiện trong quá trình Minsk là không thể chấp nhận được trong tình hình hiện nay. Kiev và phương Tây càng hiểu sớm logic này thì càng có khả năng cao duy trì được tình trạng nhà nước cho Ukraine và người dân Ukraine.
Khai Tâm