+
Aa
-
like
comment

Wall Street Journal: Cách Việt Nam trở thành ngoại lệ của thế giới

Bảo Trâm - 31/03/2021 08:22

Trang Wall Street Journal của Mỹ vừa có bài viết đưa ra nhận định rằng, bất chấp khủng hoảng diễn ra trên toàn thế giới, nền kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi và có đà tăng trưởng mạnh mẽ hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. 

Trích dẫn từ số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, GDP quý 1/2021 của Việt Nam ước tính tăng gần 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính tháng 3/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu sang Mỹ không có dấu hiệu chậm lại.

Theo Wall Street, những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Suốt từ đầu năm 2020 đến hết tháng 1/2021, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam tương đương khoảng 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn bộ các quốc gia khu vực châu Á, cao hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 20% trước năm 2019.

Ngoài ra, Việt Nam cũng nổi lên là trung tâm sản xuất mới của Châu Á khi đón nhận làn sóng dịch chuyển sản xuất. Hàng loạt chuỗi cung ứng đã rời khỏi Trung Quốc và Việt Nam chắc chắn là “bến đỗ” hợp lý cho các chuyến “trung chuyển” của nhiều doanh nghiệp nhằm tránh hàng rào thuế quan của Mỹ.

Mặc dù những lợi thế kể trên có khả năng sẽ không tiếp diễn trong dài hạn, song với bối cảnh hiện tại, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ vẫn sẽ tiếp tục ở mức cao. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2021 sẽ đạt mức 6,5%. Như vậy, nhu cầu nhập khẩu của quốc gia này sẽ tiếp tục tăng mạnh, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, tờ Wall Street nhận định.

Thêm vào đó, Việt Nam thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 là một trong những sự kiện ấn tượng nhất trên thế giới. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để bảo vệ nền kinh tế nội địa đã chịu nhiều tác động nghiêm trọng, nhất là trong lĩnh vực du lịch.

Hơn nữa, theo Wall Street thì Việt Nam có độ mở cửa nền kinh tế ở mức 200% GDP, được đánh giá là một trong những nền kinh tế “mở” nhất thế giới.

Theo lẽ thường, một nền kinh tế có độ mở lớn như vậy sẽ có khả năng cao bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả trong thời kỳ suy thoái. Nhưng với Covid-19, Việt Nam lại là một ngoại lệ. Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để có thể phục hồi hoàn toàn các thiệt hại đã xảy ra trong đại dịch.

Khi mức mua sắm tại Mỹ tăng trở lại sẽ rất có lợi cho xuất khẩu VN

Kể từ đầu năm 2020, VN-Index đã bắt kịp đà tăng của S&P 500, ở mức khoảng 20%. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng khi tiếp cận thị trường Việt Nam, đặc biệt khi Vaneck – một quỹ ETF ngoại chỉ đạt mức tăng 11% trong cùng giai đoạn, tụt hậu so với thị trường. Trong khi đó, nhiều quỹ nội lại đạt hiệu suất tốt hơn.

Tương lai tới, khi Mỹ thông qua dự luật về gói kích thích kinh tế mới nhất, thì tiêu dùng của Mỹ chắc chắn sẽ tăng lên một cách nhanh chóng. Và với tình hình hiện tại, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên hưởng lợi từ lượng vốn dồi dào này.

Bảo Trâm (Lược dịch theo Wall Street Journal)

Bài mới
Đọc nhiều