+
Aa
-
like
comment

Vượt Thái Lan, Singapore, Việt Nam được dự đoán trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới năm 2036

Bảo Trâm - 26/06/2022 10:37

Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) vừa công bố báo cáo của World Economic League Table 2022, trong đó Việt Nam bất ngờ được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới và lớn thứ hai Đông Nam Á vào năm 2036.

Việt Nam được dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới năm 2036

Theo báo cáo của World Economic League Table 2022, khi quá trình phục hồi sau đại dịch diễn ra, nền kinh tế toàn cầu sẽ có những thay đổi lớn trong những thập kỷ tới. Đáng chú ý nhất, Trung Quốc được dự báo sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.

Những năm trở lại đây, trung tâm của nền kinh tế thế giới đã dịch chuyển từ châu Âu và Bắc Mỹ sang châu Á. Sự chuyển dịch toàn cầu này được khởi động bởi việc hạ thấp các rào cản thương mại, đẩy mạnh tự do kinh tế và nỗ lực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của châu Á. Một yếu tố thúc đẩy chính khác là sự cải thiện về cơ sở hạ tầng và thông tin liên lạc, và sự gia tăng nói chung về mức độ phức tạp kinh tế trong khu vực.

Theo đó, Trung Quốc dự kiến sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2030. Sự phục hồi nhanh hơn dự kiến ở Mỹ vào năm 2021 và những nỗ lực của Trung Quốc theo chính sách “Zero-Covid” đã khiến Trung Quốc mất vị trí đầu bằng khoảng hai năm.

BXH mà CEBR công bố

Trung Quốc đã duy trì mức tăng trưởng GDP dương do nhu cầu trong nước ổn định. Điều này đã được chứng minh là rất quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Chính sách kinh tế và tài khóa của Trung Quốc đã tập trung vào thị trường nội địa ngay từ trước đại dịch, do lo ngại về các hạn chế thương mại ngày càng tăng của phương Tây.

Riêng Việt Nam, CBRE dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới vào năm 2036. Cụ thể, năm 2021, Việt Nam đứng thứ 41 thế giới về quy mô kinh tế và dự báo năm 2022 sẽ tăng 5 bậc lên vị trí thứ 36. Đến năm 2026, CEBR dự báo Việt Nam sẽ lọt top 30 nền kinh tế lớn nhất, năm 2031 sẽ đứng thứ 24 và năm 2036 vươn lên đứng thứ 20.

Lập luận cho dự báo của mình, CEBR cho biết: Việt Nam ước tính có GDP bình quân đầu người được điều chỉnh theo PPP là 11.608 USD. Câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là điều rất kỳ diệu, với công cuộc Đổi mới vào giữa những năm 1980. Cùng với đó, những xu hướng thuận lợi trên toàn cầu đã giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và đưa đất nước từ một nước nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình thấp.

CEBR dự đoán lộ trình phát triển của Việt Nam

Theo CEBR, nền tảng cho tăng trưởng GDP mạnh mẽ, theo CEBR, là một thị trường lao động có khả năng phục hồi. Năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,6 điểm phần trăm xuống 2,7%. Việt Nam mong muốn đạt được thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được điều này, Việt Nam phải tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm xấp xỉ 5% trên đầu người. Kế hoạch 5 năm đang thực hiện của Việt Nam hiện ước tính tăng trưởng trung bình 6,5% hàng năm trong thập kỷ tới.

Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức trên con đường trở thành một quốc gia có thu nhập cao. Với sự suy giảm thương mại toàn cầu và sự già hóa dân số, Việt Nam cần cải thiện mạnh mẽ hiệu quả thực thi chính sách, đặc biệt là trong các lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tự động hóa và biến đổi khí hậu.

Do đó, từ năm 2021 đến 2036, CEBR dự báo vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng kinh tế thế giới sẽ cải thiện đáng kể, với thứ hạng tăng 21 bậc, từ vị trí thứ 41 lên thứ 20 vào năm 2036.

Khi đó, Việt Nam sẽ đứng thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Trong khi đó, Thái Lan sẽ đứng vị trí thứ ba Đông Nam Á và thứ 22 thế giới. Philippines đứng vị trí thứ tư Đông Nam Á và thứ 25 thế giới. Malaysia đứng vị trí thứ năm Đông Nam Á và thứ 34 thế giới. Singapore đứng thứ sáu Đông Nam Á và đứng thứ 41 thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4

Được biết, dự báo cho các nước Đông Nam Á cũng tương đồng với dự báo của IMF. Theo IMF, đến năm 2025, Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP 571,12 tỷ USD. Xếp sau Indonesia (1630 tỷ USD) và Thái Lan (632,45 tỷ USD) và vượt qua Malaysia (556 tỷ USD), Philippines (523,53 tỷ USD), Singapore (496,81 tỷ USD).

Đến năm 2027, GDP của Thái Lan và Việt Nam sẽ ngang ngửa nhau (Thái Lan 692,6 tỷ USD và Việt Nam 690,11 tỷ USD). Sau năm 2028, theo dự báo, khả năng cao kinh tế Việt Nam sẽ chính thức vượt qua Thái Lan.

Không chỉ có vậy, nếu dự báo của CEBR là đúng, thì đến năm 2036, kinh tế Việt Nam còn vượt qua Ba Lan, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Bỉ, Úc…

Trước đó, tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng các đại biểu thảo luận, trao đổi, chia sẻ quan điểm để làm rõ các nội hàm về kinh tế độc lập, tự chủ của Việt Nam trong bối cảnh và điều kiện mới. Theo đó, mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi với việc duy trì tăng trưởng dương chủ yếu nhờ tăng trưởng xuất nhập khẩu và đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài..

Bảo Trâm (Theo CEBR)

Bài mới
Đọc nhiều