Vượt biên “cao cấp”!
Có kẽ hở nào để họ lợi dụng, lọt vào danh sách được lên chuyên cơ mới là điều dư luận muốn biết? Rồi lỡ không may xảy ra vấn đề an ninh với lãnh đạo chúng ta thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư có gánh nổi trách nhiệm không?
Đài truyền hình Hàn Quốc thông tin vụ 9 người “mất tích” khi đi cùng chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khiến dư luận ngỡ ngàng
Chuyện vượt biên ra nước ngoài
Tìm hiểu một chút, chúng ta thấy sau sự kiện, 30/4/1975, từ “vượt Biên” biến thành nỗi ám ảnh của người Việt, đặc biệt là người miền Nam. Khi thì thầm, to nhỏ khi thì bàn bạc sôi nổi, bạn bè, vợ chồng, bà con kháo nhau, bàn nhau làm sao cũng phải vượt biên để thoát khỏi Việt Nam.
Còn ngày nay, hầu như đại đa số người Việt cũng còn đều mong muốn, và mơ ra sống ở nước ngoài. Chữ vượt biên nay biến thể thành nhiều hình thức. Nào là, xuất ngoại, xuất ngoại… lấy chồng xuất ngoại, lao động xuất ngoại, tu nghiệp xuất ngoại…nào là “hạ cánh an toàn” cũng xuất ngoại…v..v.
Nói cách khác, giờ không còn ai nói vượt biên nữa, nhưng giấc mơ “ra nước ngoài” đều được đại đa số nói tới. Từ những cán bộ muốn đi du học, tập sự, đến các du học sinh, đã đành vì trong nước có nhu cầu nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật. Cũng có những nhà giàu bỏ tiền đi chơi, thậm chí cả những nhà đối kháng, nhưng sau đó tìm đường giây ở lại không về.
Nói gần xa, ngay cạnh Thái Lan, nhiều lao động Việt Nam nhập cảnh bằng visa du lịch, và mỗi tháng một lần, di chuyển bằng xe đò đến biên giới, xuất cảnh và nhập cảnh lại. Ở đó họ buôn bán, sống bằng nghề bán hàng rong. Dĩ nhiên, visa du lịch không cho phép họ bán rong. Nhưng bằng sự khéo léo theo cách nào đó, họ duy trì hoạt động buôn bán trên những hè phố tại Sukhumvit, và vài địa điểm khác tại Bangkok nhiều năm nay.
Hoặc là, cũng có một hình thức vượt biên trái phép khác có tổ chức mang tính chất lừa đảo người lao động. Như hồi đầu tháng 3/2019, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng nghi can Bùi Đình Đông (44 tuổi, ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) về tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Trước khi vượt biên, Đông thu mỗi người 1.100 nhân dân tệ (khoảng 3,3 triệu đồng) và khi đến Trung Quốc, các chủ xưởng tại đây trả công cho Đông thêm 100 nhân dân tệ một người.
Cuối cùng, thì chuyện ở Thái, hay những chuyện mà rất nhiều trường hợp người Việt đã và đang dần di cư ra nước ngoài nghe rất hấp dẫn, nhưng thật ra không đặc sắc. Mỗi nơi, các vấn đề xã hội sẽ được tạo ra theo các cách khác nhau. Việc di cư tự do tạo ra ít vấn đề, giả dụ như lấn chiếm vỉa hè, chuyện quản lý cư trú, trẻ con không được đi học, không được tiêm chủng…
Tức là, các mặt tiêu cực từ nguồn di cư này có thể phát sinh của một dòng người di cư khổng lồ như tệ nạn xã hội, những căn nhà, khu phố ổ chuột..v..v. chúng ta có thể gặp ở một xóm trọ nghèo nàn nào đó.
Thậm chí, những câu chuyện vui buồn và có cả chết chóc về số phận những người đi lao động “chui” trên xứ người qua lời kể của chính các nhân chứng đã khiến người nghe bị ám ảnh tâm trí. Có người may mắn trở về, tích cóp được ít tiền của, có người trở về tay trắng và cũng có người bỏ mạng nơi đất khách quê người…
Ấy thế mà, không hiểu vì lý do gì mà người ta vẫn cứ tìm mọi cách để được “ra nước ngoài”, thậm chí là “đi nhờ” cả chuyên cơ của các vị quan chức cấp cao.
Vượt biên bằng chuyên cơ?
Trở lại với trường hợp “9 người mất tích” ở trên, hiện danh tính của 9 người bỏ trốn vẫn chưa được các quan chức Việt Nam công bố, mặc dù theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ này vẫn còn đang giữ hộ chiếu của tất cả những người này nên chuyện truy danh tính những người bỏ trốn là điều không khó.
Việc “mập mờ” thông tin gần một năm, chỉ đến khi phía Hàn Quốc thông báo thì các cơ quan có trách nhiệm lại nói là đang phối hợp để truy tìm, nó khiến cho dư luận, công chúng cảm thấy bất bình cũng là lẽ đương nhiên.
Liên quan đến vấn đề này, những người có trách nhiệm đã lên tiếng giải thích những khúc mắc cho dư luận. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trả lời với báo giới rằng Bộ này đã “làm hết trách nhiệm” trong việc chọn lọc những người đi theo chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội. “Chúng tôi đã tổ chức hàng trăm cuộc như thế, chẳng may có một cuộc có một số trường hợp trốn lại rất là đáng tiếc. Chúng tôi cũng buồn lắm” – Bộ trưởng Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục, trường hợp này “đây là đoàn xúc tiến thương mại, Bộ chuẩn bị nội dung, chương trình, ký kết, tiếp xúc, lắng nghe cơ chế chính sách. Bộ làm về quản lý đầu tư. Việc ăn ở, đi lại, giao cho một đơn vị làm tour du lịch thực hiện. Bộ không đi làm tour, thu tiền. Thay vào đó, việc này được giao cho một doanh nghiệp làm du lịch”.
Còn, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng khẳng định: “Tất cả những người “đi nhờ” này không thuộc thành phần đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam. Cụ thể, những người này thuộc đoàn dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam – Hàn Quốc. Họ chỉ “đi và về nhờ chuyên cơ”. Còn sang Hàn Quốc, họ ở khách sạn nào, ăn ở và sinh hoạt ra sao là do Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo, đoàn Đại biểu Quốc hội không biết”.
Sau lời giải thích của Tổng thư ký Quốc hội, nhiều ý kiến trên mạng xã hội không những không bị thuyết phục mà còn tỏ ra nghi ngờ về việc có hay không một đường dây “vượt biên” qua đường chuyên cơ, và đâu là động cơ thực sự của những người đã bỏ trốn.
Tại sao vụ việc bỏ trốn đã diễn ra trong một thời gian dài như vậy (10 tháng) lại không được cơ quan chức năng xử lý ngay tại thời điểm đó? Vì sao vụ bỏ trốn của các thành viên trong phái đoàn công tác Việt Nam chỉ được công chúng biết đến sau khi báo chí Hàn Quốc hôm 23/9 thông tin.
Vì sao trách nhiệm của “những người có liên quan” lại chưa được làm rõ? Vì sao sau chừng ấy thời gian mà chỉ đến khi truyền thông Hàn Quốc và báo chí trong nước phản ánh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới rút kinh nghiệm và làm rõ trách nhiệm?
Thậm chí, một nữ doanh nhân đã bày tỏ quan điểm thế này: “Đó là chuyên cơ chứ có phải tàu chợ đâu mà nói thế. Nếu là chuyên cơ thì từng người một đều mang danh nghĩa là thành phần của đoàn Việt Nam sang Hàn Quốc. Tôi nghe như thế thì thấy rất buồn cười. Không thể nào nói như vậy được. Rất coi thường dư luận”.
Phải nói rằng, vấn đề an ninh của các nguyên thủ quốc gia ngày bình thường vốn dĩ đã phải nghiêm ngặt, chứ đừng nói trong mỗi chuyến công tác đi nước ngoài. Và chuyên cơ là máy bay dành riêng cho nguyên thủ đi công tác nước ngoài, an ninh luôn phải đặt ở mức cao nhất.
Vậy mà “bỗng dưng” lọt vào nhóm người “đi nhờ” rồi trốn ở lại chẳng khác gì “vượt biên cao cấp”- vượt biên bằng chuyên cơ của lãnh đạo tối cao. Dĩ nhiên, nhóm người này họ đã vi phạm quy định của pháp luật. Nhưng, có kẽ hở nào để họ lợi dụng, lọt vào danh sách được lên chuyên cơ mới là điều dư luận muốn biết? Rồi lỡ không may xảy ra vấn đề an ninh với lãnh đạo chúng ta thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư có gánh nổi trách nhiệm không?
P.A