+
Aa
-
like
comment

Vượt bão Covid-19: Doanh nghiệp Việt cần phải làm gì?

Diệu Hương - 14/09/2021 14:30

Dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống và kinh tế xã hội, trong đó cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng đang chịu những tác động vô cùng to lớn. Rõ ràng, với nguồn lực còn hạn chế của nước ta thì những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và các địa phương là không đủ. Do đó, phát huy tối đa nội lực là cách để các doanh nghiệp chủ động vượt khó trong đại dịch Covid-19, trong đó cần phải tăng cường quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng tốt hơn.

Theo số liệu khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kết hợp Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh thì hiện nay, có 11.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng, 84% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn. Còn theo kết quả khảo sát trực tuyến 21 nghìn doanh nghiệp vừa được Công ty FPT phối hợp thực hiện cuối tháng 8 thì, có 69% doanh nghiệp đã tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, chỉ có 15% doanh nghiệp còn duy trì hoạt động, chủ yếu ở các địa phương chưa thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Trong số 69% doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, có những doanh nghiệp được kỳ vọng là đang ngủ đông theo hướng tích cực. Nhưng phải nhìn nhận rằng, những doanh nghiệp có thể ngủ đông tích cực thường nằm trong lĩnh vực, ngành nghề mà khách hàng của doanh nghiệp cũng đã tạm dừng hoạt động, như du lịch, nhà hàng ăn uống,… Còn đa phần các doanh nghiệp thuộc ngành nghề sản xuất phải tính đến phương án đẩy nhanh việc thiết kế lại phương thức kinh doanh, tìm kiếm khả năng kinh doanh mới. Đồng thời cơ cấu lại tổ chức doanh nghiệp, tìm cách thức quản trị mới để sống chung, sống an toàn trong môi trường biến đổi hiện nay.

Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp cần tận dụng thời gian giãn cách hoạt động này để xây dựng khung quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng thích ứng. Theo đó, giám sát quản trị khủng hoảng một cách liên tục, cập nhật kịp thời và đưa ra quyết định hiệu quả. Mọi nguồn lực doanh nghiệp phải tập trung và ứng phó ngắn hạn để duy trì sản xuất hiện tại, nhưng phải nghĩ đến việc liên thông với kế hoạch sau này. Tức là mọi quyết định đưa ra trong quản lý khủng hoảng là quyết định ngắn hạn nhưng phải tương tác với trung và dài hạn để có sự nối tiếp và phục hồi và phát triển sau dịch.

Để xây dựng khung quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng có giá trị thực chất, doanh nghiệp cần tập trung vào 5 yếu tố: (1) Luôn luôn có sự chuẩn bị sẵn sàng, lên các kịch bản, nhất là các kịch bản xấu để có các phương án ứng phó hữu hiệu và không bị bất ngờ. Vì dịch bệnh khiến các biến số thay đổi từng ngày, từng tuần chứ không phải theo tháng hoặc quý như trước đây; (2) Kiện toàn bộ máy theo hướng thích nghi tốt và có tính linh hoạt cao; (3) Biết hợp tác, hài hòa lợi ích trong chuỗi sản xuất với các đối tác; (4) Doanh nghiệp cần tạo được tín nhiệm trong khủng hoảng. Tín nhiệm có thể khiến nhân viên chia sẻ khi bị giảm lương. Tín nhiệm có thể giúp đối tác hỗ trợ cho thanh toán chậm; (5) Doanh ngiệp cần nâng chỉ số trách nhiệm với nhân viên và cộng đồng, giúp khai thác nguồn lực xã hội tốt hơn. Năm yếu tố trên sẽ hợp lại thành mô hình doanh nghiệp kiên cường và lãnh đạo kiên tâm vượt qua khó khăn của khủng hoảng trong đại dịch Covid-19 hiện nay.

Nếu doanh nghiệp kiên cường và lãnh đạo kiên tâm, kiên định với khung quản trị rủi ro sẽ giúp khả năng ứng phó hiện tại và phục hồi sau dịch cao gấp 3 lần so với bình thường. Vậy cụ thể những giải pháp nào doanh nghiệp có thể xem xét để vượt qua những khó khăn trước mắt?

Theo các chuyên gia, một trong những đòi hỏi cấp bách của doanh nghiệp hiện nay là duy trì nguồn lực tài chính để nối tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp cần gấp rút cân đối lại dòng tiền, xây dựng lại quy trình giám sát ngân quỹ của mình. Doanh nghiệp phải chứng minh được sự minh bạch tài chính để nhận ưu đãi chuyển nhóm nợ hoặc cho vay nối tiếp của ngân hàng hoặc để có thể nhận được hỗ trợ của Chính phủ về dãn, hoãn tiền thuế. Đồng thời, doanh nghiệp không chỉ cần nỗ lực để duy trì dòng tiền mà còn phải chắt bóp tìm ra khoản đầu tư mới. Đây là điều khó khăn giữa muôn vàn khó khăn tài chính, như chi phí 3 tại chỗ, chi phí vận chuyển, kho bãi gia tăng, nhưng doanh nghiệp vẫn phải nỗ lực để cải tiến vì không có lựa chọn khác.

Tùy theo quy mô và nguồn lực riêng mà mỗi doanh nghiệp sẽ có những mô hình phù hợp để giữ cho doanh nghiệp mình được an toàn trước dịch Covid-19. Xong các mô hình đều phải tuân thủ nguy tắc chủ động từ lãnh đạo cao nhất đến toàn thể nhân viên. Cần nhận thức rõ và đồng lòng cùng tham gia chống dịch. Bởi lẽ nếu chỉ tập trung mục tiêu sản xuất khi có dịch bệnh xảy ra, công ty sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn.

Như vậy, muốn chúng sống với đại dịch, duy trì hay phát triển kinh doanh không còn cách nào khác doanh nghiệp phải sáng tạo và an toàn trong dịch Covid-19.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều