+
Aa
-
like
comment

Vùng KTTĐ miền Trung và Tây Nguyên (Kỳ 2): Hiến kế gỡ khó cho đầu tư công

06/08/2020 19:18

Các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ thấp, đã khó khăn mà làm chậm chạp. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu phải tháo gỡ khó khăn cũng như thu hút các dự án mới.

Theo kế hoạch tổng vốn đầu tư kế hoạch năm 2020 của các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên là trên 63 nghìn tỷ đồng, trong đó số vốn kéo dài từ kế hoạch năm 2019 sang giải ngân trong năm 2020 là trên 11 nghìn tỷ đồng, số vốn giao kế hoạch trong năm 2020 là 52 nghìn tỷ đồng, trong đó kế của vùng miền Trung là trên 38 nghìn tỷ đồng, vùng Tây Nguyên trên 14 nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo của Kho bạc nhà nước trung ương, lũy kế đến ngày 30/6/2020, giải ngân vốn giao trong kế hoạch năm 2020 vùng miền Trung và Vùng Tây Nguyên giải ngân bình quân lần lượt là 34,2% và 31,5% thấp hơn bình quân chung khối địa phương là 35,5%. Trong đó, đối với vùng miền Trung thì tỷ lệ giải ngân trên 40% có 01 địa phương (thành phố Đà Nẵng trên 45%); tỷ lệ giải ngân từ 30-40% có 4 địa phương gồm Bình Định 37,5%, Quảng Ngãi 34,2%, Quảng Nam và Phú Yên trên 33%.

Lãnh đạo Đà Nẵng cho biết, thời gian đến, thành phố sẽ tiếp tục tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển, phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Nhìn vào những con số này cho thấy giải ngân vốn đầu tư công của vùng kinh tế này đạt tỷ lệ thấp. Do đó, vấn đề đặt ra là các địa phương phải thu hút các dự án mới. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói trong hội nghị với 12 tỉnh, thành của vùng kinh tế này rằng “Chúng ta đã thắng được kẻ thù trực tiếp thì trong khó khăn về kinh tế, miền Trung phải mạnh mẽ hơn, quyết chí hơn, không để tình trạng trì trệ như một số tỉnh đang vấp phải hiện nay”.

Thủ tướng viện dẫn, tại sao cùng một cơ chế nhưng Bình Định, một tỉnh có đặc điểm như miền Trung mà giải ngân tốt như vậy, trong khi nhiều tỉnh giải ngân dưới 15-20%. Câu hỏi đặt ra là giám đốc các sở, thường trực, ủy ban làm như thế nào để xử lý vấn đề bức xúc này?”.

Lấy ví dụ về TP Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa vừa qua tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư thành công, thu hút nhiều tỉ USD, Thủ tướng nhắc lại tiềm năng rất lớn của các tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên với 9 sân bay, 14 cảng biển, 9 khu kinh tế, nhiều khu công nghiệp có hạ tầng tốt, nhiều sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh, có bờ biển là sản phẩm du lịch đặc sắc.

“Biết bao nhà đầu tư trong nước đang mong chờ nếu chúng ta muốn thu hút, tạo điều kiện cho họ. Biết bao dự án đang không hoạt động nếu chúng ta không tháo gỡ” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước thực trạng trên, nhiều lãnh đạo các địa phương cũng đề nghị một số cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc về đền bù đất đai để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng xây dựng công trình, đẩy nhanh vốn đầu tư công.

Các tỉnh Tây Nguyên đều kiến nghị đầu tư hạ tầng giao thông, mở đường cao tốc để tạo động lực phát triển. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Chính phủ nghiên cứu mở đường cao tốc nối Buôn Ma Thuột – Nha Trang. Tỉnh Đắk Nông kiến nghị đầu tư đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2, dự án đường cao tốc từ Gia Nghĩa đi TP.HCM, nâng cấp quốc lộ 28 nối Gia Nghĩa xuống Bình Thuận, đầu tư xây dựng đường sắt lên Tây Nguyên. Tỉnh Lâm Đồng kiến nghị đầu tư đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương.

Tỉnh Gia Lai đề nghị sớm mở đường cao tốc quốc lộ 19 nối Quy Nhơn với cửa khẩu Lệ Thanh qua Lào và Campuchia, sớm phê chuẩn quy hoạch mở rộng Cảng hàng không Pleiku, có cơ chế xã hội hóa phát triển hệ thống truyền tải điện cho các dự án năng lượng tái tạo…

Cam kết với Thủ tướng Chính phủ thành phố Đà Nẵng đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể trong 6 tháng cuối năm 2020, và phấn đấu đạt 100% giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết, thời gian đến, thành phố sẽ tiếp tục tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển, phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị cần có các giải pháp phát triển du lịch nội địa, phát triển các mô hình mới, thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách hành chính, thúc đẩy dịch vụ hành chính công trực tuyến. Cùng với đó là đề xuất các giải pháp đột phá kết nối vùng, liên vùng; phát triển hạ tầng sân bay, cảng biển, logistic…, trong đó thúc đẩy xây dựng tuyến đường cao tốc ven biển.

Hoan nghênh quyết tâm cao của 12 địa phương tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu cần “chấm dứt tình trạng trì trệ” trong giải ngân vốn đầu tư công tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên và khẳng định: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chế tài mạnh mẽ đối với lãnh đạo địa phương trong vấn đề này”. Cho rằng đây là giai đoạn “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng đề nghị chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên cần xây dựng chương trình hành động có thời gian cụ thể, thiết thực, hiệu quả với giải pháp đột phá để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế – xã hội từ nay đến cuối năm trong bối cảnh thời gian còn rất ngắn và mùa mưa bão sắp đến. Mục tiêu là năm 2020, khu vực miền Trung – Tây Nguyên không tăng trưởng thấp hơn mức bình quân của cả nước, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị cần coi đây là quyết tâm chính trị để thực hiện. Cùng với đó là tìm cách kết nối các chuỗi giá trị; tháo gỡ những điểm nghẽn hiện nay ở từng địa phương, từng dự án, từng chương trình; khắc phục những lực cản “dám làm, làm đúng pháp luật, làm mạnh mẽ”, Thủ tướng nói.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chế tài mạnh mẽ đối với lãnh đạo địa phương trong vấn đề này”.

Kỳ 3: Đề xuất lập Đề án chi tiết kết nối hạ tầng giao thông trọng điểm có tính lan tỏa

Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tập trung tháo gỡ những vướng mắc, rào cản trong quản lý đầu tư và xây dựng, nhất là vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp phép xây dựng, đấu thầu…, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các dự án.

Thực hiện theo dõi sát tiến độ triển khai và giải ngân các dự án đầu tư trên địa bàn, chủ động đề xuất cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước từ các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn, nhằm sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, kể cả việc điều chuyển vốn giữa các sở, UBND cấp dưới, trình cấp có thẩm quyền để thực hiện.

Bài mới
Đọc nhiều