+
Aa
-
like
comment

Vùng đất “vàng” của nhà đầu tư Kazakhstan

Phạm Khoa - 11/09/2022 15:36

Nội dung cuộc gặp giữa Đại sứ Kazakhstan Yerlan Baizhanov với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã cho thấy sự hấp dẫn của TP.HCM trong mắt các nhà đầu tư đến từ quốc gia lớn nhất vùng Trung Á.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi về các vấn đề kinh tế, đầu tư, du lịch… cùng Đại sứ Yerlan Baizhanov.

Liên tục mấy tháng gần đây, các chuyến thăm của quan chức ngoại giao và doanh nhân hàng dầu Kazakhstan đến TP.HCM cho thấy, quyết tâm đẩy mạnh sự hợp tác kinh tế song phương giữa Việt Nam và Kazakhstan, mà trong đó, TP.HCM là điểm sáng quan trọng nhất.

Trước giờ, Kazakhstan vốn là đối tác truyền thống của Việt Nam. Dưới thời Liên Xô cũ và giai đoạn đầu sau khi Kazakhstan tuyên bố độc lập (tháng 12/1991), nhiều hoạt động trao đổi thương mại vẫn diễn ra giữa hai bên nhưng với quy mô không đáng kể. Quan hệ kinh tế Việt Nam – Kazakhstan chỉ thực sự khởi sắc khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) có hiệu lực ngày 5/10/2016. Thông qua Kazakhstan, hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm dệt may và thủy hải sản, đã vào thị trường EAEU dễ dàng hơn, có sức lan tỏa mạnh hơn. Năm 2021, dù đang trong thời gian khó khăn do dịch Covid-19, nhưng kim ngạch song phương giữa hai nước vẫn đạt 622,8 triệu USD, tăng 74,5% so với năm 2020, trong đó Việt Nam xuất khẩu 549,7 triệu USD, tăng 72,8%; và nhập khẩu 73,1 triệu USD, tăng 88,5%.

Ở chiều ngược lại, là nước có vai trò quan trọng trong Cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam đã cho các doanh nghiệp Kazakhstan thấy tiềm năng đặc biệt khi mở ra cánh cửa để bước vào khu vực thị trường chung rộng lớn giữa các nước ASEAN. TP.HCM đang sở hữu hệ thống các cảng lớn nhất Việt Nam, với lượng hàng hóa qua cảng năm 2021 đạt 160 triệu tấn. Đặc biệt, chỉ riêng cảng Cát Lái, với công suất 6,4 triệu TEUs/ năm, sản lượng hàng hóa qua cảng đã chiếm khoảng 85% so với các cảng phía Nam, chiếm khoảng 50% sản lượng cả nước.

Thời gian tới, với việc đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ, quy mô khoảng 7,2  km cầu cảng, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỉ USD, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay 24.000 Teus, công suất thông qua 10 – 15 triệu Teus, xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa ngõ TP.HCM dự báo sẽ bùng nổ.

Nhìn lại từ năm 2020, doanh nghiệp Kazakhstan ở TP.HCM bắt đầu tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực thu hút đầu tư của thành phốnhư: bất động sản, nhà ở cho người thu nhập thấp, nông sản, du lịch…Tiêu biểu trong số đó, có tập đoàn đầu tư đa ngành Kusto và SABA group, doanh nghiệp xây dựng nhà ở tiện nghi và giá rẻ.

Với Kusto, họ tạo được tiếng vang với khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons và dự án bất động sản cao cấp Đảo Kim Cương ở khu vực Quận 2 cũ. Theo Chủ tịch Tatishev của Kusto, tổng giá trị các khoản đầu tư tại Việt Nam đã vượt mốc tỷ USD. Tháng trước, trong chuyến thăm TP.HCM ông Tatishev cũng quan tâm đến việc tham gia vào hai dự án cao tốc, gồm mở rộng tuyến TP.HCM – Trung Lương và xây dựng tuyến TP.HCM – Mộc Bài. Ngoài ra, với dân số trẻ, các dự án nhà ở xã hội mà thành phố có nhu cầu xây dựng trong 10 năm tới lên đến hàng trăm ha, sức hấp dẫn là không thể phủ nhận. Cả Kusto và SABA đều tỏ ra quan tâm đến các dự án này.

Tháng 10/2022, Vietjet Air sẽ triển khai chuyến bay thẳng từ Almaty đến sân bay Cam Ranh. Tổng thống Kazakhstan cũng đề nghị ký kết thỏa thuận miễn thị thực cho công dân đến Việt Nam. Đây là những điều kiện để thúc đẩy du lịch phát triển, từ Cam Ranh, khách du lịch Kazakhstan có thể tham quan TPHCM theo tuyến cao tốc Bắc – Nam, hiện vẫn đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện.

Trong cuộc gặp, Bí thư Nguyễn Văn Nên đã thẳng thắn đặt vấn đề thành phố cần sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp Kazakhstan trong một số lĩnh vực là thế mạnh như: cơ khí chế tạo, nông nghiệp, quản lý chất thải, hóa chất, du lịch, nhà ở xã hội…và cam kết dành cho các nhà đầu tư Kazakhstan nhiều sự hỗ trợ về chính sách. Kazakhstan cũng bày tỏ mong muốn ký kết lại bản ghi nhớ hợp tác giữa hai thành phố lớn nhất của hai nước là Almaty và TPHCM đã hết hạn từ 2016.

Việc này cho thấy thái độ xem trọng và tham vọng đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa Kazakhstan và TPHCM lên tầm cao mới. Tin rằng, sau chuyến thăm của Đại sứ Yerlan Baizhanov và sắp tới, là chuyến thăm của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, con đường tìm đến Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng của các doanh nghiệp Kazakhstan sẽ thuận lợi hơn. Từ đó, nguồn vốn đầu tư đổ về Việt Nam của Kazakhstan cũng sẽ ngày càng nhiều , đem lại lợi ích lâu dài cho đôi bên.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều