+
Aa
-
like
comment

‘Vùng đất phát hiện ra bãi cọc có vị trí phên dậu bảo vệ Thăng Long’

24/12/2019 07:38

Thủy Nguyên – nơi phát hiện bãi cọc trận Bạch Đằng – vốn là vùng đất quan trọng với nền an ninh quốc gia. Quân giặc phương Bắc khi xâm lược bằng đường biển đều chọn lối này.

Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao, Bảo tàng Hải Phòng vừa khai quật được 27 chiếc cọc liên quan trận chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288 của quân dân nhà Trần tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.

PV có cuộc trao đổi với tiến sĩ Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Hải Phòng, để tìm hiểu thêm về phát hiện quan trọng này.

Khu vực phát hiện ra 27 chiếc cọc. Ảnh: Sở VHTTHP.

– Thưa ông, với việc tìm thấy 3 bãi cọc ở Yên Giang, Đồng Vạn Muối và Đồng Má Ngựa (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) và một số nơi trước đó, các nhà khoa học lâu nay đã đi khảo sát ở vùng Thủy Nguyên. Nhưng tại sao đến bây giờ một bãi cọc lớn mới lộ diện ở cánh đồng Cao Quỳ qua phát hiện của người dân địa phương?

– Qua kết quả nghiên cứu mới đây thì có thể đoán định khu vực xuất lộ bãi cọc là một khu vực lạch triều (sông nhánh) và bị bồi lấp dần qua thời gian. Vì thế, đất ở nơi đây chua mặn, cây cối sú vẹt rậm rạp. Việc trồng trọt năng xuất không cao nên ít người ngó ngàng đến.

Sau này, dân cư đông đúc. Người dân phải ra đó khai hoang, lấy đất trồng trọt cây lâu năm. Trong quá trình canh tác, họ đã phát hiện ra.

Đây không phải là lần đầu tiên, cách đây 20 đến 30 năm, người dân thi thoảng có phát hiện ra những chiếc cọc nhưng rời rạc, không có số lượng lớn như đợt khai quật này.

– Có giả thiết cho rằng ông cha đã cắm những chiếc cọc cả chỗ nông và chỗ sâu để đánh giặc. Sau chiến thắng, chỗ sâu không tìm thấy vì đã được nhổ đi để thanh thải dòng chảy cho tàu thuyền ta qua lại. Ông đánh giá sao?

Tiến sĩ Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng. Ảnh: Nguyễn Dương.

– Theo tôi, chúng ta đừng nghĩ cọc được cắm ở khắp nơi. Cha ông ta không cắm cọc xuống khu vực lòng sông vì quá rộng và sâu. Sông Bạch Đằng có nhiều nhánh sông có độ nước sâu, đủ để thuyền lớn qua lại. Việc cắm cọc chủ yếu ở đó.

Cha ông ta đã dụ chúng đi vào đó lúc triều xuống rồi dồn chúng vào trận địa đã bố trí sẵn và dùng hỏa công tiêu diệt.

Khu vực bãi cọc Cao Quỳ là nhánh thứ hai, các cụ không nhổ cọc vì không ảnh hưởng nhiều. Nghĩa là sau trận đánh thì rời đi, ở đó trở thành như vùng đất chết. Chưa kể việc rút cọc đi lại mất rất nhiều công sức thì rút làm gì.

Sau này, bãi cọc cũng là lý do khiến dòng chảy thay đổi, bồi lấp thành một vùng đất như ngày nay.

– Những chiếc cọc được tìm thấy được cắm gần nghìn năm. Theo ông, gỗ này được lấy ở đâu và vì sao có chỗ thưa, chỗ lại chi chít cọc gỗ?

– Khu vực phát hiện ra bãi cọc đồi núi nhiều, cây rừng xanh tốt. Các nghiên cứu cho thấy trong trận chiến này, cây được lấy trên rừng ngay tại chỗ. Cứ có cây là chặt làm cọc chặt để cắm, không kể loại nào, to hay nhỏ. Mục tiêu cao nhất là ngăn chặn địch.

Bây giờ, chúng ta tìm ra các cọc gỗ, chủ yếu là các loại tứ thiết là lim, sến, táu. Đây là các loại gỗ tốt và rắn nhất nên vẫn còn.

Còn các loại cây khác thì sẽ bị mục. Vì thế, khi khai quật, có bãi cọc thưa, có bãi cọc dày.

Hố khai quật bãi cọc Cao Quỳ. Ảnh: Nguyễn Dương.

– Từ trận đánh Bạch Đằng năm 1288, có thể thấy Thủy Nguyên được xem là vùng đất quan trọng với an ninh quốc gia?

– Sông Bạch Đằng là ranh giới tự nhiên giữa huyện Thủy Nguyên và Quảng Yên (Quảng Ninh). Nơi đây cửa sông rộng, sâu. Đây là con đường thủy ngắn nhất vào kinh thành Thăng Long. Còn các cửa sông Thái Bình, sông Hồng đều hẹp.

Đó cũng là lý do quân giặc xâm lược phương Bắc khi đi bằng đường biển đều chọn đi vào Bạch Đằng.

Vùng đất Thủy Nguyên gắn liền với cửa sông Bạch Đằng. Như thế có thể khẳng định rằng Thủy Nguyên phên dậu để bảo vệ kinh thành Thăng Long.

Thời quốc gia Đại Việt cũng vậy, Thủy Nguyên là vùng đất biên ải quan quan trọng, thuận lợi cho việc tàu bè đi vào buôn bán và phòng thủ cho Thăng Long.

– Với việc tìm ra bãi cọc Cao Quỳ, các nhà khoa học cho rằng Thủy Nguyên là trung tâm của trận Bạch Đằng năm 1288. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

– Ở bên kia sông Bạch Đằng, vùng Quảng Yên ít núi đồi, mà địa hình đồng bằng, rừng ngập mặn nhiều. Bên này Thủy Nguyên có nhiều núi non, địa hình hiểm trở, rừng cây rậm rạp và còn có cả đồng bằng. Về mặt địa thế quân sự, vùng đất này rất lợi thế cho việc ém quân, tổ chức các lực lượng và phục binh.

Các lực lượng bộ binh, kỵ binh, thủy binh và dân binh đều có thể tập luyện và chiến đấu ở địa hình của Thủy Nguyên.

Bãi cọc Cao Quỳ vừa được tìm thấy lại nằm đối diện với các địa danh là căn cứ hậu cần, đại bản doanh của nhà Trần như Hang Son, Thiên Long Biển.

Vì thế, có thể kết luận rằng Thủy Nguyên là trung tâm của chiến trường.

Một chiếc cọc có kích thước lớn tại cánh đồng Cao Quỳ. Ảnh: Nguyễn Dương.

– Vùng đất Thủy Nguyên có những địa danh, di tích nào có liên quan mật thiết với chiến thắng Bạch Đằng năm 1288?

– Nói về di tích tôn thờ Trần Hưng Đạo và các tướng lĩnh có công tham gia trận chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, Hải Phòng là địa phương có nhiều nhất cả nước với số lượng 82. Trong đó, huyện Thủy Nguyên có 20 di tích.

Về địa danh, tiêu biểu có thể kể đến Thụ Khê, tên một làng thuộc xã Liên Khê ngày nay. Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, Trần Hưng Đạo có trở về Thụ Khê và Trúc Động để thăm lại trận địa cũ. Nhân dân vùng Trúc Động đã soạn bữa cơm quá lộ để đón tiếp và chúc mừng ông.

Về sau, khi Trần Hưng Đạo mất, nhân dân lập đền thờ. Cứ đến ngày giỗ của ông, dân làng lại làm cỗ quá lộ, bày một mâm rượu, một ít đĩa cá mời người qua đường ăn uống như diễn lại lễ đón chào Trần Quốc Tuấn và chiến sĩ chiến thắng trở về.

Các địa danh Lưu Kỳ, Lưu Kiếm là hai đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Thủy Nguyên. Trước đều thuộc tổng Trúc Động.

Người dân ở làng này có nhiều đóng góp như nuôi quân, tham gia đánh trận. Sau chiến thắng, Trần Quốc Tuấn truyền lại cho dân làng một thanh kiếm báu và một lá cờ cùng kế sách đánh giặc để giữ yên xóm làng. Từ đó có tên 2 địa danh như vậy.

Rồi còn rất nhiều địa danh, di tích khác. Trên cơ sở đó, cần có cuộc tổ chức hội thảo để xem xét lại toàn bộ. Qua đó, mới có thể làm hồ sơ để được nâng tầm di tích quốc gia đặc biệt cho vùng đất có bãi cọc Cao Quỳ.

Ngày 1/10, trong quá trình đào đất trồng cau ở khu vực Mả Dài thuộc cánh đồng Cao Quỳ, anh Nguyễn Văn Triệu (nông dân xã Liên Khê) phát hiện hai cây gỗ dài hơn 3 m, đường kính hơn 30 cm.

Sau đó, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật 3 hố tại cánh đồng Cao Quỳ, phát hiện 27 chiếc cọc.

Bước đầu, Viện Khảo cổ nhận định bãi cọc trên thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 – năm 1288 chống quân Nguyên Mông.

Đây được coi là “trận đánh huỷ diệt” và là trận thuỷ chiến lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, mang dấu ấn tài thao lược của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.

Nguyễn Dương/ZNS

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều