+
Aa
-
like
comment

“Vùng đất mới lên của Việt Nam” có gì đáng để học hỏi?

15/01/2021 13:29

Mới đây, dư luận đã rất sốc trước thông tin ngân sách Việt Nam đã tiết kiệm được 10.000 tỷ đồng nhờ giảm các chuyến công tác nước ngoài và hội họp trực tuyến do Covid-19. Điều đáng nói, mặc dù cắt giảm thế nhưng công tác điều hành, chỉ đạo từ Trung ương, các bộ ngành cho tới địa phương vẫn thông suốt, nền kinh tế vẫn đạt được những kết quả ấn tượng, thậm chí còn được coi là điểm sáng của khu vực và của thế giới. Vậy thử hỏi suốt những năm qua, cán bộ nhà nước đi Tây, đi Tàu để học hỏi phát triển kinh tế cho nhà nước có thực sự hiệu quả?

10.000 tỷ đồng, tương đương với số thu ngân sách 2019 của toàn tỉnh Kiên Giang. Bằng số thu của hai tỉnh Bến Tre và Gia Lai cộng lại. Gấp 4 lần số thu 2019 của một tỉnh như Điện Biên… Phải thấy rằng, số tiền gần nửa tỷ đô này vô cùng lớn trong bối cảnh nước nhà chắt chiu từng đồng. Chỉ vài động thái thắt lưng buộc bụng và cắt giảm những chi tiêu bất hợp lý mà ngân khố đã tiết kiệm được từng ấy. Con số ấy vừa đáng mừng nhưng cũng đáng lo bởi bao năm qua “phung phí” biết bao ngàn tỷ. Vậy nên, điều cần kíp bây giờ là cắt giảm tối đa những chuyến đi công tác nước ngoài, bởi nó chính là nguyên nhân khiến cho ngân sách nhà nước phải è cổ gánh những khoản chi vô cùng hoang phí. Còn vấn đề đi học hỏi nước ngoài để về quản lý, phát triển kinh tế địa phương, tôi nghĩ chẳng cần đi đâu xa, mà cứ đến ngay Quảng Ninh để mà nghiên cứu, “tầm sư học đạo”.

Quảng Ninh vốn được ví như “Việt Nam thu nhỏ” với những ưu ái cả về cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản lẫn những giá trị về văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, những ưu ái đã không còn, giai đoạn những năm 2010, Quảng Ninh phải đối mặt rất lớn với nguy cơ sụt giảm kinh tế, thậm chí là tụt hậu do phụ thuộc quá lớn nền công nghiệp khai khoáng, bên cạnh đó là vấn nạn ô nhiễm môi trường cũng đáng báo động. Chính vì thế, biến nguy cơ thành cơ hội, lãnh đạo địa phương đã quyết tâm thay đổi định hướng phát triển kinh tế của toàn tỉnh. Từ Quảng Ninh chỉ phát triển nhờ khai khoáng biến thành một tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế. Với phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.

Ngoài việc, tiếp tục khai thác mọi ưu thế từ vị trí địa lý “thiên thời”, thì lãnh đạo tỉnh cũng đã rất chú trọng vào việc nâng cấp và phát triển hạ tầng giao thông – nút thắt quan trong trong bài toán thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt, cục nam châm thực sự để kéo chân những nhà đầu tư về với Quảng Ninh đó chính là chú trọng cải cách về mặt con người.

Quảng Ninh gây ấn tượng bởi tinh thần cởi mở của lãnh đạo địa phương, sự chuyên nghiệp của cả hệ thống hành chính. Tỉnh đã rà soát cắt giảm 201 thủ tục hành chính ở 3 cấp so với Đề án 30 của Chính phủ. Nhờ đó, người dân và doanh nghiệp giảm được 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định của trung ương.

Chính vì lẽ đó, mà đã níu chân một con đại bàng lớn của ngành công nghiệp phụ trợ ô tô quyết định đến đầu tư tổ hợp công nghiệp. Ông Lê Ngọc Đức, TGĐ tập đoàn Thành Công đã hết lời khen ngợi Quảng Ninh, “Chúng tôi thực sự ấn tượng trước sự cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh một cách quyết liệt và bền vững của Quảng Ninh. Tỉnh đã tạo được niềm tin và sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, trở thành một địa phương thu hút mạnh mẽ nhiều tập đoàn tư nhân và dự án lớn cả trong và ngoài nước”.

Khu Tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử dưới chân núi Yên Tử

Hay như chính Phó Tổng giám đốc công ty Tùng Lâm – Lê Trọng Thành, công ty đã đổ đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để làm cáp treo lên Yên Tử, bỏ hàng triệu đô đi khắp nơi tìm kiến trúc sư nổi tiếng thế giới để thiết kế một công trình để đời, khu tĩnh dưỡng 5 sao Legacy ở dưới chân non thiêng Yên Tử, nhằm biến Uông Bí từ một nơi được được mệnh danh sở hữu “vàng đen” quý giá nhất cả nước trở thành vùng đất có thêm “vàng trắng” – phát triển tiềm năng về du lịch đã chia sẻ, “Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh vừa yêu cầu vừa động viên chúng tôi, đã làm là phải nghĩ lớn, phải làm công trình để lại một di sản cho cả trăm năm sau. Chúng tôi cũng chia sẻ tầm nhìn như vậy. Ở đây, cả địa phương và doanh nghiệp đều rất quan tâm đến phát triển bền vững, phải làm những gì tạo nên dấu ấn của người Việt”.

Quảnh Ninh ngày hôm nay không còn mệnh danh là “Việt Nam thu nhỏ” mà đã có một tên mới “Vùng đất mới lên của Việt Nam”. Những cải cách tuyệt vời của Quảng Ninh đã phải khiến, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, phải thốt lên rằng, “Cán bộ Việt Nam không cần đi study tour nước ngoài làm gì cho tốn tiền, mà nên đến ngay Quảng Ninh để học cách phát triển kinh tế địa phương, xây dựng hạ tầng, đổi mới quản trị chính quyền hay cải cách hành chính. Nếu tỉnh nào cũng làm được như Quảng Ninh thì chắc không bao lâu nữa, Việt Nam sẽ vươn lên top đầu Đông Nam Á!

Thu An

Bài mới
Đọc nhiều