Vừa sáp nhập với Vinmart, Chủ tịch Masan rớt khỏi danh sách tỷ phú
So với lần đầu được công nhận tỷ phú vào đầu tháng 3/2019, tài sản hiện nay của ông Nguyễn Đăng Quang đã giảm hơn 25% từ 1,3 tỷ USD xuống còn 974,5 triệu USD.
Theo công bố mới nhất của Forbes ngày 11/12, ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan (MSN) đã không còn là tỷ phú USD khi tổng tài sản chỉ còn 974,5 triệu USD.
Trước đó vào tháng 3/2019, ông Nguyễn Đăng Quang đã được Forbes công nhận là tỷ phú với khối tài sản vào thời điểm đó lên tới 1,3 tỷ USD. Như vậy, so với lần đầu được công nhận tỷ phú vào đầu tháng 3/2019, tài sản hiện nay của ông Quang đã giảm hơn 25%. Nguyên nhân chủ yếu được giới phân tích đánh giá là đà lao dốc của cổ phiếu MSN gần đây. Đến cuối phiên giao dịch ngày 11/12, thị giá cổ phiếu MSN giữ ở mức 55.700 đồng, mất hơn 26% giá trị so với cách đây 1 tháng.
Tại lần cập nhật này của Forbes, Việt Nam chỉ còn 4 tỷ phú ghi danh, bao gồm ông Phạm Nhật Vượng (7,7 tỷ USD), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (2,7 tỷ USD), ông Trần Bá Dương và gia đình (1,7 tỷ USD) và ông Hồ Hùng Anh (1,3 tỷ USD).
Thứ hạng của ông Vượng trong bảng xếp hạng tỷ phú thế giới của Forbes là 231, xếp ngay trên một số thành viên của gia tộc người Mỹ sở hữu hãng bánh kẹo Mars. Trước đó, đầu tháng 8, tỷ phú giàu nhất Việt Nam đứng thứ 195 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes với khối tài sản 8,25 tỷ USD. So với thời điểm đó, giá cổ phiếu Vingroup hiện tại giảm 7%.
Lại nói về cổ phiếu của Masan, đà giảm của mã cổ phiếu MSN gần đây đến sau thông tin VinCommerce, VinEco và Masan Consumer Holding sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng – Bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Nguyên nhân duy nhất có thể lý giải cho sự xuống giá này là giới đầu tư lo ngại kết quả kinh doanh Masan sẽ bị ảnh hưởng khi sáp nhập VinCommerce, đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ Vinmart, Vinmart+.
Tại Việt Nam, Vinmart và Vinmart+ là một trong những chuỗi bán lẻ có quy mô nhất. Tính tới cuối tháng 11, VinGroup đã xây dựng được hệ thống gồm 115 siêu thị Vinmart và 2.438 cửa hàng Vinmart+ trên khắp cả nước. Dù vậy, do đang trong quá trình mở rộng nên mảng kinh doanh bán lẻ lẻ của Vingroup đã lỗ hơn 5.100 tỷ đồng trong năm gần nhất, trong khi lợi nhuận hợp nhất của Masan năm 2018 chỉ hơn 6.200 tỷ đồng.
Bên cạnh lo ngại kết quả kinh doanh ảnh hưởng, khối ngoại cũng đẩy mạnh bán ròng Masan càng khiến diễn biến cổ phiếu này thêm ảm đạm. Từ đầu tháng 12 tới nay, khối ngoại đã bán ròng lượng cổ phiếu MSN trị giá hơn 500 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Quang lần đầu tiên được Forbes công nhận là tỷ phú trong danh sách công bố đầu năm 2019, với tài sản 1,3 tỷ USD, xếp hạng 1.717. Ông hiện là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan và đồng thời là Phó chủ tịch của Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) nơi ông Hồ Hùng Anh là Chủ tịch HĐQT.
Cổ phiếu họ Masan thi nhau rớt giá
Không lâu sau thương vụ tốn nhiều giấy mực với Vingroup, ngày 9/12, công ty con của Masan là CTCP Masan MEATLife đã chính thức đưa cổ phiếu MML lên giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 80.000 đồng. Tổng số cổ phiếu niêm yết là 324,33 triệu, như vậy vốn hóa thị trường của MML sẽ nằm ở mức 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, đến ngày giao dịch 10/12, MML đã giảm mạnh, đóng cửa ở mức giá 64.900 đồng. Đến ngày 11/12, MML đã có sự phục hồi nhẹ, tăng lên mức 67.000 đồng/cp. Với mức giá này, vốn hóa của Masan MEATLife đã giảm 3.300 tỷ so với định giá ban đầu.
Việc niêm yết MML trên sàn chứng khoán khẳng định tham vọng của Masan trong việc đưa công ty này trở thành đơn vị sản xuất, phân phối thịt hàng đầu Việt Nam, mục tiêu chiếm 10% thị phần vào năm 2022.
Một cổ phiếu khác cũng thuộc “họ” Masan là MCH (niêm yết trên sàn UPCom) của CTCP Hàng tiêu dùng Masan cũng đang ghi nhận sự sụt giảm. Dù MCH ban đầu phản ứng khá tích cực với thông tin Masan nhận sáp nhập VinComerce và VinEco (tăng 3,49% và đạt mức 77.000 đồng/cp). Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, cổ phiếu này cũng đã giảm xuống còn 72.000 đồng/cp.
Như vậy kể từ khi kết thúc ngày giao dịch 3/12 đến nay, vốn hóa thị trường của MCH cũng đã giảm 3.500 tỷ đồng./.
Lê Lan (Tổng hợp)