Vừa gặt lãi hơn 1 tỷ USD, công ty ông Phạm Nhật Vượng có kế hoạch mới
Sau khi ghi nhận đạt lãi trước thuế năm 2019 hơn 29.745 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 24.319 tỷ đồng, tăng hơn gấp rưỡi năm 2018, Vinhomes đang lên kế hoạch cho một dự án hơn 4.000 tỷ đồng.
VHM “kéo” VN-Index
Cổ phiếu VHM của Vinhomes trong phiên hôm qua (8/4) tăng giá mạnh 4.000 đồng tương ứng 6,06% lên 70.000 đồng/cổ phiếu và suýt chạm giá trần. Đây là phiên tăng mạnh thứ 4 liên tiếp của mã này và theo đó, chỉ trong 1 tuần giao dịch qua, VHM đã tăng giá gần 28%.
Cổ phiếu VHM diễn biến trong bối cảnh đang có những thông tin khá tích cực liên quan đến Vinhomes.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019, doanh thu thuần của Vinhomes đạt 51.626,93 tỷ đồng, tăng 34% so với kết quả đạt được năm 2018; lợi nhuận trước thuế 29.745,69 tỷ đồng, tăng 51% và lãi sau thuế 24.319,1 tỷ đồng, tăng 65% so với 2018.
Đáng chú ý, so với kết quả tại báo cáo tài chính tự lập, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ Vinhomes sau kiểm toán tăng thêm 443 tỷ đồng.
Theo thông tin được Báo Xây dựng đăng tải, Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes (Vinhomes IZ) gần đây vừa đề xuất với Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng để được đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thủy Nguyên trên diện tích 319ha.
Dự án có tổng vốn đầu tư 4.141 tỷ đồng và được đề xuất hoạt động trong 70 năm, dự kiến đưa hạ tầng khu công nghiệp vào hoạt động kinh doanh trong quý IV/2024.
Khối ngoại bán ròng phiên thứ 7
Về diễn biến thị trường chứng khoán, phần lớn thời gian giao dịch trong vùng giá giảm, tuy nhiên, VN-Index ngày hôm qua (8/4) vẫn kịp đóng cửa với trạng thái tăng nhẹ 1,33 điểm tương ứng 0,18% lên 748,02 điểm. Tương tự, HNX-Index cũng tăng 0,51 điểm tương ứng 0,49% lên 103,93 điểm trong khi UPCoM-Index giảm 0,12 điểm tương ứng 0,24% còn 50,31 điểm.
Thanh khoản đạt 252,29 triệu cổ phiếu tương ứng 3.777,45 tỷ đồng trên HSX và 41,27 triệu cổ phiếu tương ứng 428,28 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 10,37 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 118,47 tỷ đồng.
Bức tranh thị trường khá cân bằng với tổng số mã tăng là 334 mã, 68 mã tăng trần so với tổng số mã giảm là 332 mã, 58 mã giảm sàn.
Có sự phân hoá nhất định trong nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn. Chốt phiên, VIC vẫn giảm 3.300 đồng còn 94.000 đồng, VCB giảm 700 đồng còn 67.500 đồng trong khi đó, VHM tăng 4.000 đồng lên 70.000 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra, MSN cũng tăng 1.400 đồng lên 58.900 đồng; SAB tăng 1.000 đồng lên 138.000 đồng; BID tăng 950 đồng lên 37.950 đồng.
Theo đó, nếu VHM đóng góp 3,82 điểm và BID đóng góp 1,09 điểm cho VN-Index thì ở chiều ngược lại VIC và VCB lại lần lượt gây thiệt hại 3,18 điểm và 0,74 điểm cho chỉ số chính.
Điểm tiêu cực trong phiên vẫn là tình trạng bán ròng của khối nhà đầu tư ngoại. Khối này bán ròng trên cả 3 sàn HSX, HNX và UPCoM. Tổng khối lượng bán ròng hơn 22,4 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị bán ròng gần 275 tỷ đồng.
Trong đó, trên HSX, khối ngoại bán ròng hơn 217 tỷ đồng tương ứng khối lượng bán ròng gần 22 triệu cổ phiếu. Đây là phiên bán ròng thứ 7 liên tiếp của khối nhà đầu tư này.
VIC là mã bị bán ròng mạnh nhất với giá trị hơn 51,5 tỷ đồng. Trong khi đó, CTG lại được mua ròng mạnh 20 tỷ đồng, BID, MSN và VHM cũng được mua ròng lần lượt 12 tỷ đồng; 11,4 tỷ đồng và 11 tỷ đồng.
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, nhịp phục hồi trên diện rộng của thị trường chứng khoán đã qua và hiện tại các cổ phiếu có sự phân hóa khá nhiều, mức độ để tìm kiếm lợi nhuận lúc này bắt đầu khó khăn hơn.
Do đó, VDSC khuyến nghị các nhà đầu tư cần cẩn trọng trong cách chọn cổ phiếu và có kế hoạch giải ngân phù hợp với diễn biến này.
Còn theo dự báo của Công ty SHS, trong phiên giao dịch 9/4, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc và giằng co khi tiếp cận với ngưỡng kháng cự quanh 750 điểm. Theo đó, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể canh những nhịp hồi phục lên ngưỡng kháng cự quanh 750 điểm để hạ dần tỷ trọng.
Đối với những nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt lớn có thể canh những nhịp điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ quanh 700 điểm để giải ngân trở lại.
Mai Chi/DT