+
Aa
-
like
comment

Vụ kit test Việt Á: Biết rằng tham nhũng là trả giá đắt nhưng vì sao nhiều người vẫn làm?

Thụy Vũ - 19/12/2021 21:36

Với số tiền “lại quả” 30 tỷ đồng, Giám đốc CDC Hải Dương và cả Giám đốc công ty Việt Á sẽ phải giá đắt trước pháp luật. Câu hỏi đặt ra là, vì sao biết tội tham nhũng sẽ trả giá rất đắt nhưng họ vẫn thò tay làm? 

Việc Giám đốc công ty Việt Á bắt tay cùng với giám đốc CDC một số địa phương nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 để hưởng lợi bất chính số tiền lớn, ăn trên nỗi đau đồng bào, chiếm đoạt ngân sách nhà nước là điều không thể nào chấp nhận được. Sai phạm của công ty Việt Á là quá rõ ràng, không có gì để bàn thêm. Đáng chú ý ở đây là ở 7 bị can mà Bộ Công an khởi tố.

Theo công bố của Bộ Công an cho thấy, từ tháng 2 đến tháng 11-2021, CDC Hải Dương đã hợp thức ký kết và thanh quyết toán cho Công ty Việt Á 5 hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị y tế tổng số tiền gần 152 tỉ. Cú “bắt tay” móc ngoặc này đã “giúp” Giám đốc CDC Hải Dương đút túi 30 tỷ đồng tiền huê hồng.

Trong khi đó, cùng thời điểm này là lúc một loạt các vụ việc sai phạm liên quan mua sắm thiết bị công của các đơn vị y tế chấn động, được đưa ra ánh sáng pháp luật. Đặc biệt là vụ cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội – Nguyễn Nhật Cảm cùng 9 đồng phạm nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19, vi phạm đấu thầu đã được thông tin rộng rãi.

Đứng ở góc độ người quan sát, chúng ta đều thấy rõ đây không phải là lần đầu Bộ Công an bóc trần, đưa các vụ việc sai phạm liên quan đến đấu thầu trang thiết bị y tế trong lúc đại dịch ra ánh sáng. Đây cũng không phải là lần đầu tiên Bộ Công an phanh phui các vụ án tham nhũng. Có những vụ án cấp Bộ trưởng như Nguyễn Bá Son, Trương Minh Tuấn, vừa phải trả lại hết các số tiền đã nhận, còn phải chịu đúng mức án theo quy định của Pháp luật.

Bộ kit test Covid-19 của Công ty Việt Á.

Các vụ việc tương tự như thế này không phải là mới. Câu hỏi đặt ra trong vụ việc kit test Việt Á là – họ, những cán bộ đục khoét, ăn tiền này là quá khờ dại cho rằng trong lúc dịch bệnh, khó khăn và áp lực chồng chất, công tác chống dịch căng thẳng nên chẳng ai để ý; Hay họ nghĩ mình giỏi, đủ mưu mô xảo quyệt, thừa tinh ranh và tinh vi để có thể qua mặt cơ quan chức năng? Hay là họ không sợ tù tội, thậm chí là đánh cược tính mạng của mình để tham nhũng, tham ô?

Trong vụ Việt Á này, nếu nghĩ những kẻ sai phạm ấy là vì quá tham lam đến khờ dại, mụ mị mất hết lý trí thì có vẻ không đúng. Bởi bản thân đều là những người có học, làm cao, không thể nào gọi là khờ dại.

Còn nếu họ không sợ mà bắt tay với nhau chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước thì cũng không đúng. Đã có biết bao nhiêu tấm gương “đi trước” rồi, không những chịu sự trừng phạt của pháp luật, tù tội mà còn mất tiền, mất sự nghiệp, mất danh dự – uy tín, mất trắng hết tất cả, phải sống trong sự đàm tiếu của người đời đến cuối đời, vết nhơ không có xà phòng hay chất xút nào gột rửa sạch.

Vậy thì chỉ có thể là họ nghĩ rằng mình quá giỏi, quá xảo quyệt, quá tinh vi nên quá xem thường các cơ quan bảo vệ pháp luật; Họ nghĩ rằng trong lúc dịch tràn lan thế kia, công tác chống dịch căng thẳng, tất cả đều dồn sức chống dịch thì “chẳng ai” quan tâm đến những “bóng đen” dưới chân đèn, nên đã táo tợn thực hiện dã tâm, liều lĩnh nhúng tay vào phi vụ bán kit test bất nhân này, đút tiền tỷ vào túi.

Nhưng họ đã quá sai lầm khi quá xem thường, khi dễ năng lực của cơ quan bảo vệ pháp luật.

Còn nhớ vụ án liên quan đến Đại tá Trần Dụ Châu tham nhũng trong thời chiến, kết quả cho hành vi ăn chặn, biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, ông ngoài việc bị tử hình, còn bị tịch thu 3/4 tài sản xung công quỹ dù bị cáo gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là bản án tử hình tội tham nhũng đầu tiên.

Trong thời khắc chiến tranh khắc nghiệt như vậy, án tham nhũng còn được xử quyết liệt thì ở thời nay cũng không khác. Thậm chí quyết liệt hơn, không có điểm dừng, không có vùng cấm như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói: “Bất kể ai nếu tham nhũng, tiêu cực đều bị xử lý nghiêm minh”, và “Việc xử lý cán bộ có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh từ trên đầu nhiều hơn”.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng nêu rõ quan điểm: “Tuyệt đối không dung thứ tiêu cực, bao che, bảo kê tội phạm”. Vậy nên, những ai nghĩ rằng sẽ tránh được con mắt nghiêm minh của pháp luật, những cơ quan kiểm tra, giám sát của Đảng và Nhà nước là sai lầm. Và sai lầm thì phải trả giá.

Trước ánh sáng pháp luật, mọi tội ác đều phải được phơi bày và vùng tối ở chân đèn cũng sẽ được soi sáng!

Thụy Vũ

Bài mới
Đọc nhiều